Qatar rút khỏi OPEC: Bài toán năng lượng hay xung đột lợi ích?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/12/2018 06:04 GMT+7

VTV.vn - Lựa chọn đi con đường mới của Qatar là lần đầu tiên một quốc gia vùng Vịnh rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.

Quyết định của Qatar rút khỏi OPEC với tuyên bố để tập trung tăng sản lượng khí đốt từ 77 triệu lên 110 triệu tấn mỗi năm đã gây những lo lắng tại Trung Đông. Thực tế OPEC chỉ điều chỉnh sản lượng dầu của các quốc gia. Qatar về cơ bản vẫn có thể tăng sản lượng khí đốt mà không cần phải rút khỏi OPEC nhưng Qatar vẫn quyết rút khỏi OPEC. Đây chẳng khác nào một đòn đánh vào uy tín của OPEC.

Về mặt chính trị, quyết định cũng sẽ để lại những ẩn số khó lường. Saudi Arabia trước đến nay vẫn xem mình là quốc gia đứng đầu của OPEC. Chỉ còn có vài ngày nữa thôi, ngày 9/12, Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia Vùng Vịnh sẽ diễn ra. Saudi Arabia trước đó đã trực tiếp mời Quốc vương Qatar tham dự, mở ra nhiều kỳ vọng sẽ tìm ra lối thoát cho những căng thẳng ngoại giao Vùng Vịnh đã kéo dài suốt 18 tháng qua. Nhưng nay có vẻ những kỳ vọng đó đang trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

Với Iran, chưa có phản ứng chính thức của nước này. Nhiều nhà quan sát tại Iran cũng đã bày tỏ không ít những lo lắng trước quyết định của Qatar. Cần lưu ý Qatar và Iran đang chia nhau mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Việc Qatar tuyên bố tăng sản lượng sẽ khiến Iran phải chịu tổn thất do hiện đang bị mắc kẹt về tài chính bởi các lệnh cấm vận của Mỹ, không đủ khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng sản lượng.

Qatar rút khỏi OPEC: Bài toán năng lượng hay xung đột lợi ích? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saad Sherida Al-Kaabi tuyên bố rút khỏi OPEC để tập trung cho tăng sản lượng khí đốt

Qatar gia nhập tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ năm 1961. Đúng một năm sau khi liên minh dầu mỏ này được thành lập. Qatar là quốc gia thứ 6 tham gia vào tổ chức này sau 5 thành viên chủ chốt ban đầu là Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela.

Cho dù Qatar không phải là một nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nếu so sánh với các thành viên khác trong OPEC, song quốc gia này lại là một trong những thành viên có tầm ảnh hưởng lớn.

Chính nguồn lực tài chính dồi dào, Qatar có tiếng nói quan trọng với các nước trong Opec. Đối với các nước thành viên, không phải lúc nào cũng có thể thống nhất với nhau về sản lượng dầu và chiến lược giá cả. Với vị thế của mình, Qatar đã làm cầu nối quan trọng giữa các nước trong liên minh. Ngoài ra, nước này còn giữ vai trò trung gian giúp kết nối giữa OPEC với các đối thủ dầu mỏ lớn khác như Nga hay Mỹ.

Đáng chú ý trong năm 2016, khi giá dầu xuống mức thấp kỷ lục khoảng 30 USD/thùng, Qatar khi đó đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của OPEC đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Sau quá trình thương lượng đầy khó khăn, Qatar đã phải thuyết phục các nước trong tổ chức, đặc biệt là Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất, lần đầu tiên sau 8 năm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây được xem là bước tiến lớn giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa. Qua đó, giúp kéo giá dầu thoát khỏi mức thấp kỷ lục.

Nay các nước sản xuất dầu lại trong giai đoạn khó khăn mới. Giá dầu đang xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận chính sách tới đây của OPEC sẽ không còn sự tham gia với vai trò kết nối quan trọng của Qatar.

Việc Qatar rút khỏi OPEC là do bài toán năng lượng hay xung đột lợi ích? Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 4/12, nhà báo Phạm Phú Phúc – chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế đã có những bình luận về chủ đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước