Quy định về luân chuyển cán bộ vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 7/10 được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến công tác luân chuyển cán bộ, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen.
Theo quy định luân chuyển một số chức danh lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng tốt, có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực công tác, còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ tính từ thời điểm luân chuyển, tức 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ. Thời gian luân chuyển là 3 năm đối với một chức danh, trừ chức danh kiêm nhiệm.
Cũng theo quy định, quy trình lựa chọn cán bộ luân chuyển phải qua 5 bước gồm: xây dựng kế hoạch luân chuyển; trình cấp có thẩm quyền; sau khi cấp có thẩm quyền cho chủ trương, địa phương đề xuất nhân sự luân chuyển; cơ quan tham mưu lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự; lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ và đưa ra quyết định luân chuyển.
Nói về điểm mới của quy định lần này, ông Nguyễn Đức Hà – Nguyên Vụ trưởng BTC Trung ương – cho biết quy định khá chi tiết và cụ thể, đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công minh về tất cả các khâu. "Quy định mới đã nêu rõ chỉ luân chuyển cán bộ cấp quản lý, không luân chuyển cán bộ chuyên môn, không luân chuyển cán bộ bị kỷ luật và những trường hợp có vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Phạm vi luân chuyển lần này cũng được quy định một cách cụ thể và rõ ràng", ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!