Với mục tiêu đưa thanh niên Việt Nam hội nhập thế giới bằng khả năng sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam, một đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 hay còn gọi là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia với tổng kinh phí gần 9.400 tỉ đồng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào triển khai từ 8 năm trước.
Đã đi được hơn một nửa chặng đường, dự án này đã góp phần nâng cao nhận thức của các bậc giao dục về vai trò của ngoại ngữ trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, tạo một số chuyển đổi trong cách dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, so với những mục tiêu đã đề ra, chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện vẫn còn khá xa.
Theo nhà báo Đoàn Xuân Ký – Phó Trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân dân, đề án này đã tạo ra được những sự thay đổi nhất định trong việc học ngoại ngữ ở Việt Nam: "Sau những năm triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, điều được nhất là tạo nên động lực cho người học, giáo viên và cán bộ công chức có sự quan tâm hơn đối với môn Ngoại ngữ. Thứ hai, đề án này đã xây dựng được khung năng lực bám theo chuẩn năng lực châu Âu gồm 6 bậc. Thứ ba là tài liệu với môn Ngoại ngữ từ nhu cầu của người học và người dạy đã ngày càng đa dạng hơn, không còn nặng nề như trước đây".
"Tuy nhiên, ở đây có 3 vấn đề đặt ra mà đề án này không đạt được. Thứ nhất là mục tiêu đặt ra so với thực tiễn quá cao, có những mục tiêu được thực hiện trong khi đội ngũ chưa thể đáp ứng được, người học còn quá nhiều vấn đề. Thứ hai là về chương trình, chúng ta mong muốn dạy tiếng Anh 10 năm, từ lớp 3, nhưng hiện tại, chương trình dạy tiếng Anh cho giáo dục tiểu học không có chuẩn, các trường thường dạy trên tinh thần tự nguyện, vì thế mỗi trường áp dụng một giáo trình khác nhau, chưa có một chuẩn chung đánh giá. Ngoài ra, còn là vấn đề cơ sở vật chất", ông Đoàn Xuân Ký phân tích.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 8 phương án cho giai đoạn tiếp theo của đề án. Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất trong việc triển khai đề án là tạo động lực cho giáo viên, không nên dùng mệnh lệnh hành chính để ép họ, khiến cho việc nâng cao trình độ của họ trở thành gánh nặng. Đối với học sinh, vì tâm lý thi và học gắn liền nhau nên chúng ta có thể đưa việc thi tiếng Anh vào các kỳ thi chuyển cấp 2, cấp 3. Tuy nhiên, điều đó cũng không tạo gánh nặng với học sinh mà nên phù hợp với năng lực học sinh, tạo động lực cho cả thầy và trò".
Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Vấn đề hôm nay qua video trên đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!