2300 tỷ Euro, nợ công của Italy đang ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, khoản nợ này có thể tiếp tục phình to với kế hoạch ngân sách mới của Rome, một kế hoạch tăng mạnh chi tiêu công và đang vấp phải sự phản đối gay gắt của Liên minh châu Âu.
Theo đó, Liên minh chấu Âu đang phải làm một điều chưa có tiền lệ. Đó là khởi động tiến trình áp dụng các biện pháp trừng phạt với một nền kinh tế thành viên là Italy. Tất cả những điều này đều liên quan tới kỷ luật ngân sách. Vậy Italy đang làm gì để có kết quả như vậy?
Theo phóng viên Lê Hồng Quang - Thường trú của Đài THVN tại châu Âu, vào tuần sau, lệnh trừng phạt Italy sẽ được các bộ trưởng kinh tế tài chính của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu họp tại Brussels để thông qua quyết định của Uỷ ban châu Âu. Tháng 1/2019, các bộ trưởng cũng sẽ họp để Italy buộc phải nộp một khoản tiền, tạm gọi là tiền bảo đảm, tương đương 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (3 tỷ 2 Euro), bên cạnh đó cũng ấn định mức phạt. Có thể nói, quy trình thủ tục rất phức tạp mà luôn đòi hỏi bước nào cũng phải đồng thuận, đàm phán từng bước nên rất lâu. Vì thế, hiện chưa ai dám chắc chuyện phạt Italy có thành hiện thực không.
"Cũng có thể nói sự kiên quyết hiện nay của Liên minh châu Âu mang tính răn đe, cảnh báo nhiều hơn. Nếu Italy tiêu đồng tiền riêng, các nước châu Âu khác cũng không phải lo lắng bận tậm vậy. Hiện nay, Italy có nợ công cao, tăng trưởng thấp, trong khi vẫn muốn tăng lương hưu trí, giảm độ tuổi về hưu, tóm lại là tiền vào ít nhưng muốn tiền ra nhiều, nên nếu Italy rơi vào khủng hoảng nợ công một lần nữa thì không phải nước này chịu hậu quả một mình".
"Trong khi chính phủ của Italy hiện nay đã chót cam kết là giảm thuế và tăng phúc lợi khi tranh cử, nhờ đó, họ được bầu. Khi chính phủ này nắm quyền thì họ bị kẹt giữa việc thực hiện lời hứa với cử tri và một bên thực trạng đất nước không có nhiều tiền. Chính vì vậy, họ mới tính liều chuyện bội chi", phóng viên Lê Hồng Quang phân tích.
"Đây là lần đầu tiên có một nước đặt hẳn ra mục tiêu sẽ bội chi quá mức cho phép ngay từ đầu, và công khai tuyên bố sẽ không tôn trọng cam kết chung về kỷ luật ngân sách của Liên minh châu Âu" - phóng viên Lê Hồng Quang cho hay - "Italy là nền kinh tế lớn, tăng trưởng thấp mà nợ công lại cao, nên Italy bị quy định là có mức bội chi ngân sách có giới hạn, giảm tiêu so với năm trước đó là 60 tỷ Euro, thâm hụt ngân sách không được qua 0,8%. Chính phủ trước của Italy đồng ý lộ trình này còn chính phủ bây giờ không đồng ý. Vì vậy, Italy chịu những quyết sách cứng rắn của Liên minh châu Âu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!