Những câu hỏi thường trực trong mỗi phụ huynh khi con bắt đầu đi học là: Hôm nay con học thế nào? Ăn gì? Có vui không? Và đặc biệt là có bị bạn nào bắt nạt không? Con có an toàn không?
Dù đã cẩn thận và cố gắng hết sức nhưng sự bất an vẫn hiện hữu khá thường xuyên. Các phụ huynh lo lắng cũng là hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, ở các trường học, trẻ em vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị bạo lực, bắt nạt, thậm chí xâm hại...
Theo một khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Y học Xã hội và tổ chức PLAN, trong số 3.000 học sinh tại Hà Nội được hỏi, có tới 2.000 em (tức là hơn 65%) cho biết từng bị bắt nạt với các hình thức: mắng chửi, đe dọa, sỉ nhục...
Đầu tiên là bạo lực học đường - vấn đề đã được đề cập nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn thường xuyên tái diễn. Những câu chuyện chúng ta biết được chắc chắn ít hơn nhiều so với thực tế mà các em học sinh phải gánh chịu. Mới đây, tại Phú Yên, một nhóm học sinh đã đánh hội đồng một học sinh khác rồi quay clip tung lên mạng.
Đứng trước những vấn đề về mất an toàn trong ngành giáo dục, kể từ năm 2015, ngành giáo dục đã kết hợp với các bên, trong đó có Bộ Công an, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, với tình hình xã hội ngày càng phức tạp như hiện nay, việc xử lý triệt để tình trạng này được đánh giá là rất khó khăn.
Cuối tháng 2 vừa qua, một sự việc nghiêm trọng đã xảy tại Nhật Bản khi gia đình 2 học sinh phải bồi thường số tiền lên tới 37 triệu Yên (tức là gần 8,2 tỷ đồng tiền Việt) vì con trẻ bắt nạt bạn học. Tuy nhiên, số tiền này không phải là vấn đề mà vấn đề nằm ở chỗ các em đi bắt nạt lại coi đó là trò đùa, trêu chọc bạn bè, còn học sinh bị bắt nạt đã không chịu nổi và tự tử. Cho dù số tiền đền bù có là bao nhiêu đi nữa cũng không thể đổi lại những đứa con của họ.
Lẽ ra vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết nếu như các em chia sẻ với cha mẹ, người thân, tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, chỉ có chưa đến 40% trẻ chia sẻ với bố mẹ, người thân về những rắc rối hay vấn đề gặp phải ở trường học.
Do đó, để thay đổi thực trạng này, các em học sinh hãy lên tiếng, hãy chia sẻ những chuyện vui buồn ở trường cho bố mẹ, người thân và các bậc phụ huynh cũng cố gắng dành thời gian nhiều hơn để lắng nghe con mình, ít nhất để biết rằng con họ được an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!