Trong bối cảnh xuất khẩu gạo ra thị trường của Việt Nam giảm mạnh, sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu gạo, cám sang Trung Quốc được đánh giá là một tín hiệu tích cực. Theo đó, các lô gạo xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm dịch và được xông hơi, khử trùng để đảm bạo loại trừ 9 đối tượng sinh vật gây hại. Tuy nhiên, việc ký nghị định thư này có tầm quan trọng như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Bích – Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương khẳng định việc Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc có tầm quan trọng rất lớn, bởi lẽ đây là thị trường Việt Nam có khối lượng gạo xuất khẩu lớn nhất và chưa bao giờ, Việt Nam tập trung xuất khẩu gạo vào một thị trường lớn như hiện nay. Việc Việt Nam thực hiện yêu cầu kiểm dịch chặt chẽ về chất lượng sẽ tạo tiền đề tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo sang các thị trường khác.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Bích, nghị định thư này khó có thể làm tăng lượng gạo xuất sang Trung Quốc, bởi lẽ Trung Quốc muốn kiểm soát chặt chẽ số lượng gạo nhập khẩu.
“Chúng ta đều biết Trung Quốc không phải là quốc gia thiếu gạo nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ phải nhập khẩu gạo và số gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vốn đã rất lớn. Sau khi kiểm soát chặt chẽ khối lượng gạo tiểu ngạch, tôi nghĩ tổng khối lượng gạo xuất sang Trung Quốc khó có thể tăng. Trong khi đó, chúng ta còn một đối thủ mạnh đang cạnh tranh quyết liệt là Thái Lan – quốc gia đang cố gắng xuất khẩu gạo theo con đường hiệp định chính phủ”, ông chia sẻ.
Cùng theo dõi thêm về quan điểm của ông Nguyễn Đình Bích về vấn đề này qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!