Hạn hán kỷ lục khiến người dân Tây Nguyên phải đi “mót” từng ít nước để làm dịu cơn khát của người và cây trồng, vật nuôi. Ở vùng đất vốn được coi là nguồn sinh thủy cho 22 con sông, khi hạn nặng, họ đào tìm nguồn nước ngầm nhưng nước ngầm dường như cũng đã cạn khô.
Từ nay đến cuối tháng, nếu trời tiếp tục không mưa thì diện tích cây trồng bị ảnh hưởng sẽ đến 135.000 ha và 45.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hạn hán được xác định là do nguồn nước ngầm đã suy giảm vì phá rừng.
Vùng đất Tây Nguyên là nơi có diện tích rừng lớn nhất toàn quốc, nhất là rừng nguyên sinh có chức năng sinh thủy. Nhưng tốc độ phá rừng ở Tây Nguyên cũng diễn ra nghiêm trọng những năm qua khiến đất không còn giữ được nguồn nước quý giá này nữa. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 7 năm qua, Tây Nguyên mất 360.000 ha rừng.
Tây Nguyên là nơi bắt nguồn của 4 hệ thống sông lớn, là nguồn cung cấp nước cho vùng đất cát ở Nam Trung Bộ cũng như một phần không nhỏ cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Có mặt trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 22/3, ông Đào Trọng Tứ, chuyên gia về thủy lợi và tưới tiêu cho rằng, tình trạng khô hạn của Tây Nguyễn sẽ ảnh hướng lớn tới các khu vực này: “Việc giữ nguồn sinh thủy dồi dào đảm bảo nguồn nước không chỉ cho Tây Nguyên mà cho các cho các tỉnh miền Nam. Phải giữ rừng và đảm bảo cho sự phát triển mạnh mẽ của rừng tự nhiên thì chúng ta mới có thể giữ được nước. Nếu không, tai họa này sẽ khiến chúng ta phải trả giá”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.