Cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đang tiếp tục nóng lên. Trong 24h liên tiếp, hai lệnh trừng phạt kinh tế được mở rộng và gia hạn nhằm vào nhiều cá nhân và tổ chức của Nga.
Ngày 22/12, Mỹ đã tiếp bước Liên minh châu Âu mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga nhằm gia tăng sức ép về vấn đề Ukraine. Bộ tài chính Mỹ đã đưa thêm 34 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt do đã giúp công ty của Nga và Ukraine né tránh các hình phạt của Mỹ và có những vi phạm khác. Ngoài ra, 12 ngân hàng, nhà máy và các công ty khác của Nga cũng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt do có liên quan đến bán đảo Crimea. Toàn bộ các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị cấm giao dịch với các công dân và các công ty của Mỹ.
Ngay lập tức, Nga đã chỉ trích hành động của Mỹ là sai trái mang tính thù địch và Moscow sẽ có biện pháp sẵn sàng đáp trả. Những biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi EU chính thức kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, tức là đến tháng 7/2016.
Quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng đã dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác giữa Nga và EU. Chỉ cách đây ít ngày, Tổng thống Putin còn tuyên bố sẵn sàng hợp tác với châu Âu để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga được đưa ra giữa lúc những dấu hiệu hợp tác hòa dịu giữa Nga và EU đang nhen nhóm. Cuộc khủng hoảng di cư đã khiến châu Âu nhận ra chìa khóa để chấm dứt làn sóng di cư tới châu Âu sẽ là cuộc giải quyết cuộc khủng hoảng với Syria và sứ mệnh này không thể thiếu vai trò của Nga.
Hơn nữa, gia hạn trừng phạt cũng đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ vấp phải các biện pháp trả đũa từ Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và năng lượng. Chính vì vậy, đã có những tiếng nói phản đối từ các nước châu Âu như Pháp và Italy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.