Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã kết thúc với việc đạt được một thỏa thuận lịch sử. Theo bản cam kết, 195 quốc gia đã cùng nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất mức dưới 2oC và cố gắng giới hạn ở mức 1,5oC. Một bước đột phá tại Hội nghị COP21 là sự công nhận khái nhiệm công lý khí hậu, có nghĩa là các nước giàu phải đóng góp tài chính nhiều hơn và giảm thải nhiều hơn các nước nghèo. 100 tỷ USD mỗi năm là mức mà các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển ở thời điểm năm 2020. Ngoài ra, thỏa thuận Paris đề ra cơ chế mỗi nước tự nguyện rà soát sau mỗi năm năm và điều chỉnh mục tiêu theo hướng cao dần. Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán kéo dài 2 thập kỷ của thế giới. Vấn đề còn lại ở thời điểm này là khi đi vào từng nước, những ngành nào sẽ chịu tác động theo cam kết cắt giảm khí thải.
Theo đánh giá của ông Trần Hồng Hà - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thỏa thuận Paris sẽ có nhiều tác động tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam: “Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực đó tập trung vào các vấn đề thích ứng, liên quan tới các lĩnh vực như trồng rừng, phát triển rừng. Nhiều cơ chế, quỹ khác để hỗ trợ về thiên tai, rủi ro thiên tai cũng được hình thành. Đây là việc Việt Nam cần chủ động để xác định các lộ trình, kế hoạch dự án cụ thể để phối hợp với các đối tác thực hiện”.
“Việt Nam đã đặt ra mục tiêu bằng năng lực của chúng ta sẽ cắt giảm 8% tổng lượng hiệu ứng nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030, đồng thời nếu có hỗ trợ quốc tế thì có thể cắt giảm tới 25%. Chúng ta cũng đưa ra kế hoạch cụ thể, nhu cầu về tài chính để thực hiện các hành động về thích ứng, phòng chống, giảm nhẹ hậu quả từ biến đổi khí hậu”.
Có thể nói, thỏa thuận Paris sẽ có tác động không nhỏ tới một số ngành kinh tế. Theo nhà báo Hồng Quang - phóng viên thường trú của Đài THVN tại khu vực châu Âu, ngành chịu tác động lớn sau khi thỏa thuận COP21 đạt được liên quan tới công nghiệp năng lượng.
“Sau thỏa thuận, có thể hình dung những ngành công nghiệp dựa trên than và dầu phải chuyển đổi mới có thể tổn tài được, ví dụ như những nhà máy nhiệt điện sẽ không có tương lai. Căn cứ theo thỏa thuận Paris sẽ khó có những dự án nhiệt điện mới hoặc những nhà máy nhiệt điện hiện nay không thể tăng quy mô và sẽ dần lụi tàn. Điều này tương tự với các dự án dầu mỏ. Đồng thời, những năng lượng sạch sẽ có tương lai rộng mở và điều bất ngờ là điện nguyên tử nay lại được nhắc tới vì nguồn năng lượng này không phát thải nhiều”, phóng viên Hồng Quang cho biết thêm.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.