5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước chiếm tới 1/3 GDP, nhưng chỉ đóng góp khoảng 1,5% cho ngân sách, vậy nên đây được cho là khu vực chưa quan sát được của nền kinh tế. Cơ chế pháp lý cho 5 triệu hộ kinh doanh này vẫn chưa rõ ràng, bởi đến nay mới chỉ có một nghị định điều chỉnh.
Thực tế cũng cho thấy, trong khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ gần 1,7 triệu hộ đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo hình thức khoán. Trong khi đó, 3,3 triệu hộ còn lại chưa đăng ký, gần như nằm ngoài kiểm soát của các cơ quan thuế.
Đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được kỳ vọng như một mũi tên trúng nhiều đích, đóng góp cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên ngay trong chính các hộ kinh doanh, nhu cầu lên doanh nghiệp vẫn còn rất khác nhau.
Nhiều hộ kinh doanh cá thể ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Người lao động)
Nếu hộ kinh doanh chính thức được luật định, băn khoăn liệu có phải đóng thuế nhiều hơn, hay sổ sách kế toán cũng phải khai báo đầy đủ hơn hay không là điều dễ hiểu.
Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, hay xây dựng thành một luật mới cũng được bàn luận nhiều. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay vì phải mất tới 3 năm mới tạo ra được một luật mới thì trước mắt nên quy định thành một chương trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, sau này có luật riêng sẽ chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới, vẫn nối tiếp, kế thừa.
Vậy đâu là bất cập lớn nhất hiện nay trong cách quản lý hộ kinh doanh? Đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật sẽ có tác động như thế nào? Câu hỏi phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 27/5 với khách mời là TS. Nguyễn Đình Cung (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) và ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!