Biến đổi khí hậu là khái niệm ai cũng biết nhưng nó ảnh hưởng tới đời sống chúng ta như thế nào thì không phải nhiều người đã am tường.
Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu trong năm 2016. Đây là báo cáo thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 23). Báo cáo này do một tổ chức độc lập nghiên cứu. Nước đứng đầu danh sách này là Haiti khi mới phải hứng chịu cơn bão mạnh nhất trong nửa thế kỷ. Báo cáo cũng đặc biệt lo ngại các quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Việt Nam liên tiếp phải gánh chịu những đợt thời tiết bất thường và không đủ thời gian để khắc phục hậu quả.
Việt Nam nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu đe dọa hạ tầng đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các khu vực ven biển. Những tác động của biến đổi khí hậu đã diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều năm nay với mức độ ngày càng trầm trọng.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT (phải) trong chương trình Vấn đề hôm nay.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT - Trưởng ban đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) cho biết, tại hội nghị các chuyên gia đã cho biết, năm qua, hạn hán, bão lũ... đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên trái đất bất kể nước giàu hay nước nghèo.
Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác thượng nguồn, sụt lún... ĐBSCL mỗi năm sụt lún khoảng 300ha diện tích.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!