Lần đầu tiên trong lịch sử, 22 triệu học sinh trên cả nước phải nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19. Điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thời gian thi THPT Quốc gia năm 2020 lùi tới ngày 8 - 11/8, chậm hơn khoảng 1 tháng rưỡi so với mọi năm.
Để đảm bảo tiến độ này, ngành giáo dục và đào tạo đã buộc phải tinh giản chương trình học. Đây là tình huống bất khả kháng, không thể thờ ơ, do dự hay chần chừ và không còn là chuyện nên hay không nên. Vấn đề hiện nay là làm sao đưa ra phương án cắt giảm và tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng cùng với việc thay đổi cách dạy, cách học và cách thi.
Trong 1 tháng qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, thể hiện qua hàng loạt chỉ đạo bám sát thực tế. Cụ thể, ngày 22/2, Bộ đã ban hành công văn điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học lần thứ nhất. Ngày 13/3, Bộ điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học lần thứ hai. Ngày 25/3, Bộ ban hành hướng dẫn về dạy học qua Internet và truyền hình. Ngày 30/3, Bộ ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung học kỳ II cho cấp THCS và THPT. Ngày 31/3, Bộ ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung học kỳ II cho cấp tiểu học.
Với chương trình tinh giản, thời gian để chuẩn bị và tổ chức kỳ thi chuyển cấp có thể ngắn hơn, thầy cô và học sinh sẽ vất vả hơn để ôn tập, đảm bảo kiến thức. Tuy nhiên, đây là tình huống ngoài ý muốn mà cả ngành giáo dục phải chung tay chia sẻ, cùng rút kinh nghiệm và đóng góp trong quá trình thực hiện chương trình. Đây cũng không phải là công việc của riêng ngành giáo dục bởi học sinh có được đi học sớm trở lại để đảm bảo chương trình hay không lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nghiệm của mỗi người. Do đó, ngay bây giờ và ngay lúc này, mọi người không ra đường khi không cần thiết để cùng đẩy lùi dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!