Các trường đại học có quyền tự chủ đã được quy định trong luật giáo dục đại học từ năm 2005, tức cách đây hơn 10 năm. Mặc dù quyền tự chủ đại học được đưa vào luật nhưng vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn ngay trong văn bản luật. Đến năm 2012, luật được sửa đổi và các mâu thuẫn đã được gỡ bỏ một phần. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một mô hình giáo dục tự chủ, có chất lượng nổi bật.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: “Đối với các trường đại học, vấn đề được quan tâm lớn nhất vẫn là vấn đề về chỉ tiêu tuyển sinh, bởi nguồn thu của họ nằm trong học phí. Vì thế, một số trường đã đề nghị tăng cường giáo viên thỉnh giảng để chỉ tiêu của các trường có thể tăng lên. Nhưng trên thực tế, theo quy định của Bộ, số lượng giáo viên cơ hữu chiếm khoảng 70%, còn 30% mới dành cho giáo viên thỉnh giảng. Nếu chúng ta tính số lượng giáo viên thỉnh giảng cao lên, số lượng sinh viên so với lượng giáo viên sẽ thấp đi”.
Ông Bùi Văn Ga còn nhấn mạnh: “Bộ vẫn khuyến khích các trường mời giáo viên thỉnh giảng về dạy vì đó là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Họ sẽ giúp cho các chương trình giảng dạy trở nên hấp dẫn hơn và mang tính thực tế hơn. Các trường cũng đã đồng tình, việc đưa giáo viên thỉnh giảng vào nhằm tăng chất lượng giảng dạy chứ không phải để tăng chỉ tiêu tuyển sinh”. Ông khẳng định, bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh, các trường vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và phải thực hiện song song hai yếu tố này mới có thể tiến đến tự chủ đại học.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!