Ngày 22/10, từ 6 điểm cầu trực tuyến, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã có cơ hội cùng thảo luận về bài học rút ra sau năm học 2014-2015 và chuẩn bị cho năm học tới. Sau đợt tuyển sinh vừa qua, dư luận đã đặt câu hỏi, nếu các trường đại học, cao đẳng được tự chủ trong tuyển sinh, liệu những mệt mỏi, căng thẳng trong xét tuyển có còn diễn ra? Bộ Giáo dục và Đào tạo lập tức đưa ra câu trả lời: Các trường sẽ được tự chủ tuyển sinh ngay khi có kết quả thi. Tuy nhiên, tự chủ tuyển sinh chỉ là một phần của tự chủ đại học.
Hiện nay, 12 trường đại học công lập đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm mô hình tự chủ. Các trường này đã được tự chủ về 4 khâu: quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường; tự chủ tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; tự chủ tài chính và tự chủ trong tổ chức nhân sự. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc hiểu về tự chủ đại học như thế nào cũng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu không làm tốt việc giao quyền tự chủ cho các trường có thể sẽ dẫn đến việc tăng học phí, số lượng tuyển sinh mà không chú trọng chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, tự chủ chỉ được trao nửa vời sẽ dẫn đến việc các trường muốn làm gì cũng bị khó và gò bó. Điều này có nghĩa là không thể biến tự chủ đại học thành tự trị đại học hay tự chủ một cách nửa vời.
Tự chủ đại học là xu thế của phát triển. Không thể tạo ra đổi mới đột phá trong giáo dục đại học nếu các trường đại học công chỉ dựa vào nguồn kinh phí có hạn của Nhà nước. Giao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học cũng không có nghĩa Nhà nước "buông tay" hoàn toàn. Nhà nước sẽ tạo ra công cụ kiểm tra chất lượng, giám sát việc thực hiện những quy định pháp luật tại các trường.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên chương trình Vấn đề hôm nay đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.