Đây là những chia sẻ của nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Trưởng ban Điều hành dự án VTV Đặc biệt nói về bộ phim tài liệu Vòng vây lửa lên sóng khung VTV Đặc biệt tháng 5. Bộ phim là tác phẩm do Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN thực hiện.
Theo nhà báo Tạ Bích Loan, điểm mạnh của phim là về nội dung. Bên cạnh các chi tiết đắt giá lần đầu tiên được công bố như bức thư ra lệnh ngừng bắn được cất giấu, hay việc Tư lệnh quân khu Tây Bắc Bằng Giang trong đêm vay của dân được 1 tấn gạo cho bộ đội..., sự phân tích chiến lược và chiến thuật được thể hiện dễ hiểu, cụ thể và bao quát bằng các phỏng vấn và đồ hoạ có giá trị.
Về nghệ thuật, bộ phim đã cố gắng tối đa hoá việc tái hiện để người xem hình dung cách đánh như dùng tre để đưa bộc phá qua rào thép gai, đào hầm nằm và đứng.... Bên cạnh đó, âm thanh được sử dụng tạo ra những hiệu ứng cảm xúc mạnh, đó là sự im lặng giữa hai trận đánh, tiếng đàn accordion giục giã ra trận... Những góc nhìn mới và nhân văn cũng là điều nổi bật như sự nỗ lực chiến đấu của lính Pháp trên đồi A1, cảm xúc của họ khi được tự do...
"Một bộ phim rất sáng tạo, công phu thể hiện hiểu biết sâu sắc và tâm huyết của những người làm phim, xứng đáng là bộ phim VTV Đặc biệt kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu", nhà báo Tạ Bích Loan đánh giá.
Điện Biên Phủ là đề tài đã được thực hiện trong nhiều chương trình lớn ở góc độ bao quát nhưng làm về những góc độ cụ thể như trận địa chiến hào thì chưa có. Vòng vây lửa được nghiên cứu kỹ và có nhiều điểm đặc sắc.
"Chiến thắng Điện Biên Phủ là đề tài quá quen thuộc với tất cả nhân dân Việt Nam cũng như các bạn bè quốc tế quan tâm tới lịch sử cách mạng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Việc tìm ra một ý tưởng mới, một hướng đi mới đối với đề tài đã liên tục được khai thác trong mấy chục năm qua là một điều không hề dễ dàng. Bởi chúng ta đều biết gần như các nội dung, hay những khía cạnh của cuộc chiến này đã được không chỉ các nhà làm phim Việt Nam mà cả các nhà làm phim quốc tế khai thác khá triệt.
Chúng tôi có thể làm gì? Liệu chúng tôi có thể tìm được ý tưởng hay hướng đi nào trên một mảnh đất được cày xới liên tục trong suốt thời gian qua? Đó là những câu hỏi nhưng cũng là những thách thức khi chúng tôi bắt tay vào quá trình tìm đề tài mới về Điện Biên Phủ", BTV Nguyễn Nam - thành viên ê-kíp sản xuất cho biết.
"Là một người có ít nhiều đam mê với lịch sử dân tộc, tôi đã tìm hiểu tài liệu, sách nghiên cứu về Điện Biên Phủ nhưng chưa tìm được gì cả. Bởi tất cả kiến thức cũng là những gì mà mọi người đã biết. Tôi đã quyết định đến gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bác Cư là em đồng hao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là một cựu chiến binh đã tham gia cách mạng từ khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, rồi kháng chiến chống Pháp, trực tiếp tham chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ và sau này là cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử".
"Trong quá trình hỏi chuyện, bác Hồng Cư có chia sẻ về hình tượng người chiến sĩ Điện Biên Phủ độc đáo khi đào hào, chân tay, quần áo lấm lem đất, cả khuôn mặt và người chỉ còn có đôi mắt và năm đầu ngón tay đào hào là không lấm đất. Ông cũng nhấn mạnh vào chi tiết chiến hào của Việt Minh tại Điện Biên Phủ là sự sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam khi nó vừa có tính chất tấn công, bao vây, góp phần hình thành nghệ thuật quân sự vây, lấn, tấn, triệt, diệt của quân đội Việt Nam".
"Từ những chia sẻ đó của Trung tướng Phạm Hồng Cư, ê-kíp đã về tìm hiểu tài liệu và nhận thấy đây quả là một công trình vĩ đại của quân đội Việt Minh, một sự tiếp thu sáng tạo nghệ thuật sử dụng trận địa chiến hào của cả Việt Nam và thế giới, để áp dụng, triển khai trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Rất tiếc là công trình này hiện không còn. Bởi sau khi chiến thắng, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh yêu cầu lấp các chiến hào, để trả mặt bằng sản xuất cho nhân dân Điện Biên trên cánh đồng Mường Thanh".
"Đó là về mặt tài liệu sách vở, còn về phim tài liệu, hầu như chưa có bộ phim nào đề cập đi sâu vào trận địa chiến hào, hay phản ánh đầy đủ, sinh động, hấp dẫn về trận địa chiến hào. Tôi nhận thấy đây là một đề tài gần như bị lãng quên cả về sách vở và phim ảnh. Đó là cơ sở để mình có thể tiếp tục đi sâu, khai thác và phản ánh những gì mà lịch sử đã trải qua và cần được nhìn nhận sâu sắc, đa chiều để thấy được trí tuệ, tầm vóc của dân tộc và quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng quân đội Pháp trong trận quyết chiến chiến lược, làm nên một chiến thắng vĩ đại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đối với chúng tôi, tìm thấy đề tài này như một nhân duyên, và hiện thực nó cũng là trách nhiệm trong việc giúp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có thể hiểu và thêm yêu lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam".
Theo tài liệu mật do Bộ Quốc phòng Pháp cung cấp, tính tới tháng 3/1954, gần 100km hào trục hình thành trong 10 ngày. Các đường hào nhánh tiến sát đến căn cứ địch. Từ 14/4/1954, Việt Minh đã áp dụng triệt để chiến thuật chiến hào. Trung tâm cứ điểm bị siết chặt bởi một hệ thống chiến hào ngoại vi và sau đó bị chia cắt bởi hệ thống hào nhánh.
"Về hệ thống hầm hào và những phần khác của Điện Biên Phủ, người Pháp theo dõi rất kỹ và rõ. Họ biết chính xác sự bố trí của Việt Minh qua mọi nguồn như từ tin tức tình báo, điện đài hay hình ảnh chụp từ trên không. Hệ thống hầm hào còn biết kỹ hơn vì nó quá rõ qua ảnh trên không, biết được chính xác hàng ngày hệ thống này đi đến đâu, luôn cập nhật sự phát triển của hệ thống hào. Thậm chí, từ các báo cáo này, họ còn dự đoán được tầm thời gian nào, căn cứ nào sẽ bị tấn công…. Tuy nhiên, sức mạnh của Việt Minh không lường được. Điểm yếu của quân Pháp là không thể đến từng đường hào để lấp nhanh chóng", TS. Ivan Cadeau – Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân đội Pháp cho biết.
Một hệ thống đường hào khổng lồ, một công cụ mang tính quyết định để đi đến chiến thắng tại Điện Biên Phủ, nhưng để tái hiện hệ thống này trên phim không phải là chuyện đơn giản. Bởi lẽ, sau 60 năm, hình ảnh toàn bộ về trận địa chiến hào không còn tồn tại. Trường bắn Đồng Doi là địa điểm ghi hình những cảnh tái hiện trong phim.
"Một công trình vĩ đại như vậy chỉ tồn tại nguyên vẹn trong 54 ngày đêm và còn lại trong hồi ức, của các cựu chiến binh Việt Nam. Do đó để giải thích cho khán giả hiểu về sự hình thành, phát triển, vai trò, tác động của trận địa chiến hào không phải dễ dàng" – nhà báo Nguyễn Phương Hà - Phó Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN cho biết – "Ê-kíp thực hiện đã phải nghiên cứu khá lâu, tìm hiểu qua các cựu chiến binh về cấu trúc của hệ thống hào, hào được xây dựng như thế nào, những cách mà người lính Điện Biên Phủ đào hào như đào nằm, đào quỳ, đào dũi, đào đứng… trong những hoàn cảnh địa hình rất khác nhau".
"Mỗi câu chuyện về đào hào đều là những câu chuyện đầy khó khăn gian khổ, mỗi thước hào đều thấm đầy máu và mồ hôi nước mắt của người lính Điện Biên Phủ. 54 ngày đêm của chiến dịch là 54 ngày đêm vừa đào vừa chiến đấu để làm nên một trận địa vây lấn, dồn địch vào một vòng vây lửa . Để mô tả được người lính và quá trình đào hào thì vấn đề tái hiện là khâu rất quan trọng. Việc đào hào của Việt Minh thường diễn ra ban đêm và dưới mùa mưa tháng 3, tháng 4 ở Điện Biên Phủ, do đó việc tái hiện đòi hỏi những cảnh quay công phu trong đêm và dưới mưa. Để đạt được những cảnh tái hiện hiệu quả đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ê-kíp thực hiện. Ngoài ra để mô tả trận địa chiến hào, chúng tôi cũng đã phải làm rất kỹ phần đồ hoạ để giúp khán giả mường tượng rõ hơn về hào ở Điện Biên Phủ. Phần đồ hoạ phải thể hiện rất kỹ".
"Mục đích quan trọng của phim là qua hệ thống chiến hào sẽ hình thành một bức tranh toàn cảnh với những nét chấm phá cơ bản nhất về trận chiến Điện Biên Phủ thông qua những góc nhìn, lăng kính khác nhau từ hai phía Việt Nam và Pháp, đặc biệt là qua những văn bản tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Pháp nay đã được giải mã và công chúng báo chí có thể được tiếp cận . Điều này tạo thuận lợi để ê-kíp có được một núi tài liệu khổng lồ, đầy xác thực về động thái của phía Pháp trong trận chiến. Tuy nhiên việc đọc và hiểu được các tài liệu mật quân sự này không đơn giản. Chúng tôi đã phải có sự giúp đỡ từ nhiều cố vấn, chuyên gia quân sự Việt Nam và Pháp", nhà báo Nguyễn Phương Hà cho hay.
Với nhà báo Nguyễn Phương Hà, người chịu trách nhiệm kịch bản tổng thể của bộ phim, điều khiến chị ấn tượng nhất khi làm tác phẩm này có lẽ là những câu trả lời phỏng vấn của các cựu chiến binh Pháp. Chị cho biết họ thường khóc khi được hỏi về Điện Biên Phủ.
"Mỗi người đều mang một cảm xúc khác nhau nhưng với họ ký ức về Điện Biên Phủ là không bao giờ quên. Hình ảnh Việt Nam và Điện Biên Phủ trong ký ức của họ rất sâu đậm. Kết cục trận chiến và chiến thắng vang dội của quân đội Việt Minh là điều phía Pháp không bao giờ ngờ tới, và 65 năm sau họ vẫn tiếp tục muốn phân tích, tìm hiểu về trận chiến đi vào lịch sử thế giới này" - nhà báo Nguyễn Phương Hà nói.
Và quả thực, trong hơn 50 phút của bộ phim, khán giả đã được nhìn thấy những góc cạnh khác nhau của toàn bộ trận chiến Điện Biên Phủ qua những cái nhìn đa dạng của các nhân chứng từ hai phía, đó là các cựu chiến binh Việt Nam và Pháp, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và quốc tế, và cả những dòng cảm xúc của những người trong cuộc qua những cuốn hồi ký về Điện Biên Phủ mà họ để lại. Người trong cuộc ở đây là các vị chỉ huy cao nhất của 2 phía, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng chỉ huy Đông Dương Henri Navarre, các tướng lĩnh Pháp, chỉ huy các đại đoàn chủ lực của Việt Nam trong trận chiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!