Chương trình Việc tử tế tháng 6 với chủ đề "Lá chắn COVID-19" đã mang đến những câu chuyện đầy sức lan tỏa của những y bác sĩ, sinh viên tình nguyện sẵn sàng đi đến tâm dịch cũng những tấm lòng, sáng kiến, hành động thiết thực từ khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả cùng tạo nên sức mạnh đoàn kết để đẩy lùi COVID-19. Xen giữa các câu chuyện đó là những ca khúc động viên người dân và lực lượng tuyến đầu trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, đặc biệt MV Sức mạnh Việt Nam đã quy tụ 50 nghệ sĩ hưởng ứng thực hiện.
MC Sơn Lâm dẫn dắt chương trình.
Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, lần lượt nhiều địa phương đã có sự xuất hiện của COVID-19 như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đặc bệt là tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. Chuyển từ phòng thủ sang tấn công, đó là cách chúng ta đối diện với đợt dịch bệnh mới này. Ngay lập tức cách làm ấy biến thành lời hiệu triệu của triệu con tim hướng về tiền phương.
Theo thống kê sơ bộ tại hai điểm nóng dịch COVID-19 Bắc Ninh, Bắc Giang, tại tâm dịch có khoảng 3.000 cán bộ y bác sĩ sẵn sàng túc trực ngày đêm điều trị bệnh nhân COVID-19, tham gia hỗ trợ trực tiếp... Tại vòng ngoài, gần 30.000 cán bộ y tế, chuyên gia, học viên, sinh viên ngành y dược cũng đã sẵn sàng tình nguyện đến tâm dịch…
Chưa có "trận chiến" dịch bệnh nào mà lực lượng y tế được tung vào tuyến đầu lại nhiều như vậy. Không biết rằng cuộc chiến sẽ kéo dài tới khi nào, chỉ biết rằng chúng ta sẽ chiến thắng, vì chúng ta có những chiến binh không thể thua.
Sức nóng nơi "tuyến lửa" chống dịch COVID-19
Mùa hè năm 2021, hàng chục nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên với đủ màu áo đã bước vào tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đang nóng như chảo lửa. Sức nóng không chỉ đến từ sự lây lan đến chóng mặt của virus mà còn nhân gấp bội bởi cái nắng chói chang như thiêu như đốt của mùa hè. Bên trong bộ đồ bảo hộ là những tấm lưng phồng rộp, những đôi bàn tay nhăn nheo, những nhân viên y tế ngất lịm đi vì mất nước... Họ đã chiến đấu phi thường!
Trong chương trình Việc tử tế tháng 6, trò chuyện với MC Sơn Lâm, Thạc sĩ Ngụy Đình Hoàn - Trưởng đoàn công tác trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tại Bắc Giang cho biết, sáng 16/5, nhận công điện hỏa tốc của Bộ Y tế yêu cầu chi viện Bắc Giang, 212 sinh viên và 3 giảng viên lập tức tình nguyện tham gia. Chỉ mất hơn nửa ngày, trường đã tập hợp lực lượng và đến tâm dịch tại Bắc Giang.
ThS Ngụy Đình Hoàn cho biết, đoàn đều là những người có kinh nghiệm trong đợt chống dịch tại Hải Dương. Đúng giai đoạn khó khăn nhất, cả đoàn căng mình để lấy mẫu xét nghiệm khoảng 15.000 - 20.000 mẫu/ngày , có ngày tối đa lấy được hơn 23.000 mẫu. Mặc bộ quần áo bảo hộ có một số người ngất đi vì mất nước, mất muối nhưng mọi người xác định đây là cuộc chiến phải chấp nhận khó khăn, đôi khi phải chấp nhận hy sinh. Từ đó, đoàn cũng có sáng kiến, giải pháp để khắc phục như làm việc cả ban đêm hay cho đá lạnh vào túi zip chườm bên ngoài bộ quần áo bảo hộ.
Đoàn tình nguyện tỉnh Hải Dương đến tỉnh Bắc Giang sẵn sàng chung tay chống dịch. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Trái tim lạc quan của tuổi trẻ và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ
Những bạn sinh viên tình nguyện luôn giữ sự nhiệt huyết và sôi nổi của tuổi trẻ. Nhiều câu chuyện, khoảnh khắc thể hiện sự lạc quan, dí dỏm đúng chất sinh viên đã xuất hiện ở các tổ đội nhóm tình nguyện đang có mặt tại Bắc Giang.
Bên cạnh sự lạc quan của các tình nguyện viên trẻ, không thể không nhắc tới sự hy sinh, đặc biệt là sự hy sinh của những nữ chiến sĩ áo trắng - những người vợ, người mẹ. Lựa chọn của họ khi phía trước là dịch bệnh, phía sau là gia đình - lựa chọn của họ làm chúng ta thầm cảm phục. Tinh thần ấy có thể thấy qua những dòng thơ của 1 người mẹ nơi tuyến đầu.
Những chuyến xe mang theo nghĩa tình hướng về tâm dịch
Nếu như các "chiến binh" trong tâm dịch căng mình để điều trị, truy vết COVID-19 thì ở vòng ngoài, không khí cũng rất sôi động, ở bất cứ đâu người dân Việt Nam cũng đều đồng lòng vì mục tiêu chung, đẩy lùi COVID-19.
Giữa cái nắng thiêu đốt của mùa hè, tại một địa điểm tập kết vận chuyển đồ cứu trợ cho vùng dịch Bắc Giang ở Hà Nội, từ sáng đến tối các xe tải lớn nhỏ tấp nập vận chuyển đồ đến và đi. Đội lái xe 0 đồng trở thành cầu nối hữu hiệu để kết nối cả nước với Bắc Giang. Với nòng cốt là các chủ doanh nghiệp, các tài xế xe tải, sinh viên tình nguyện..., họ nhận chở bất cứ thứ gì từ nhu yếu phẩm, sách báo, thậm chỉ cả đoàn y bác sĩ của BV Phổi Trung ương vào tâm dịch. Nhiều bạn gái cũng hăng hái tham gia vào các khâu từ tổng hợp số lượng đến bê vác hàng hóa...
Một chuyến xe lăn bánh cũng chính là một cơn gió mát thổi vào tâm dịch nóng bỏng Bắc Giang, Bắc Ninh. Từ giữa tháng 5 đến nay, hàng trăm chuyến xe như thế vẫn bền bỉ trên những cung đường để viện trợ cho tâm dịch. Trong đó có cả những chuyến xe thật đặc biệt: Hành trình vượt hơn 500km từ Đồng Hới đến Bắc Giang trên chiếc xe cứu thương của chàng trai Đặng Minh Trí, chuyến bay vội vàng của Nguyễn Vũ Trung Hiếu từ Đà Lạt tới Bắc Giang sau khi chuyển ủng hộ 100 triệu đồng... Họ có chung lý tưởng sẽ nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao khi tới đây để góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
Anh Vũ Trung Hiếu (áo đen) tham gia lắp đặt trang thiết bị tại Bệnh viện dã chiến số 2. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Ở chiều ngược lại những chuyến xe 0 đồng cũng giúp những người nông dân Bắc Giang tiêu thụ nông sản như dưa hấu, vải... Họ làm việc cả ngày lẫn đêm để tiêu thụ nông sản. Chiến dịch lần này không lấy tên là giải cứu mà là đem lại nụ cười cho người nông dân. Cứ thế mỗi việc tốt lan tỏa tới nhiều cộng đồng tử tế chia sức cùng tâm dịch.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 - Sức mạnh đồng lòng
Khi cuộc chiến đã kéo dài đủ lâu, chúng ta bắt đầu tự hỏi: Khi nào nó sẽ kết thúc? Câu trả lời là chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường. Để hướng tới mục tiêu này, ngay từ tháng 5/2020, Việt Nam đã có kế hoạch tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để có được nguồn vaccine này. Đây không chỉ là mục tiêu của ngành y tế mà với toàn dân tộc Việt Nam lúc này, nó đã trở thành cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước.
Tối ngày 05/6/2021, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhằm kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp doanh nhân, mọi tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ hỗ trợ cho quỹ vaccine phòng COVID-19. Ngay trong đêm ra mắt, tổng số tiền ủng hộ quỹ là hơn 6.600 tỷ đồng và con số vẫn tăng lên từng ngày. Đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao những nỗ lực kịp thời của Chính phủ trong việc huy động nguồn lực toàn dân trong cuộc chiến phòng chống COVID-19.
Từ nông thôn đến thành thị, từ người già đến trẻ em, từ công nhân đến các doanh nghiệp lớn..., số tiền đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 vẫn không ngừng tăng.
Gần 3 triệu đồng tiết kiệm trong 2 chú heo đất là nơi cất giữ toàn bộ tiền tiết kiệm từ năm 2019 của hai chị em Khánh Ngọc (9 tuổi) và Khánh Hà (8 tuổi) dự định sẽ dùng để mua sách vở nhưng 2 em đã xin ba mẹ dùng số tiền tiết kiệm ấy để góp vào quỹ mua vaccine cho người dân cả nước.
Gia đình ông Lê Văn Đệ đã trao tặng địa phương 500 triệu đồng tiền mặt và 4.000 tấn xi măng Hữu Nghị (trị giá 4 tỉ đồng).
Không chỉ dừng lại trong nước, tại một thời điểm "lửa thử vàng, gian nan thử sức", tinh thần đại đoàn kết dân tộc được thể hiện rất rõ qua những phần đóng góp cụ thể của các kiều bào từ khắp năm châu. Ngay từ khi biết Quỹ vaccine phong COVID-19 ra mắt, nhiều chiến dịch, nhiều sự ủng hộ quyên góp của kiều bào đã gửi về. Trong đó, chị Đoàn Thị Minh Phượng - Hội sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng các cộng sự đã gây quỹ "10.000 liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam".
Không chỉ dừng lại ở việc mua vaccine, với nền tảng là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2 và kế hoạch mua bản quyền, tiếp cận chuyển giao vaccine, chúng ta sẽ sớm tự chủ được nguồn vaccine trong nước.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 tại Học viện Quân y (Ảnh: TTXVN)
Ở nhà là yêu nước, thực hiện khuyến cáo 5K là yêu nước, hãy củng cố tấm lá chắn chống dịch của chúng ta bằng nhưng hành động cụ thể của mỗi người: hãy trở thành hậu phương vững chắc cho các y bác sĩ tuyến đầu; hãy ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 và đồng lòng nâng cao ý thức chống dịch!
Ai cũng có thể yêu nước theo cách của riêng mình, ai cũng có thể trở thành một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch. Khi cả triệu con tim cùng đồng lòng, đó là lúc tấm lá chắn chống dịch được khép kín không còn một kẽ hở. Chúng ta sẽ chiến thắng COVID-19 một lần nữa như bao nhiêu những chiến thắng khác mà dân tộc Việt Nam đã cùng nhau làm được trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước hào hùng của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!