Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng "Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển"
Tháng 10/2020, chiếc tàu VIETSHIP 01 bị chìm ngay tại vùng nước nông ở biển Quảng Trị. Tình huống nguy cấp xảy ra khi 12 người thuyền viên mắc kẹt cách bờ không xa nhưng vì thời tiết khắc nghiệt nên không thể vào bờ.
Đối với mặt với sự hung dữ, khắc nghiệt của thời tiết và biển lớn, bằng sự dũng cảm, tài năng và tình người, thuyền viên Trần Văn Khôi đã cứu sống 4 người trên một con tàu gặp nạn. Giữa cơn sóng dữ của biển, hình ảnh người lính cứu nạn nhấp nhô giữa dòng nước xoáy như chực chờ nhấn chìm anh giữa lòng biển sâu.
Với hành động dũng cảm quên mình và hành trình 15 năm gắn bó với công việc tìm kiếm cứu nạn hàng hải, anh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) vinh danh "Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển".
Là khách mời của chương trình Việc tử tế của tháng 4, anh Trần Văn Khôi - người lính cứu nạn biển với nụ cười luôn nở trên môi đã có 15 năm gắn bó với công việc tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 Đà Nẵng chia sẻ nhiều câu chuyện trong sự nghiệp làm nhân viên cứu nạn của mình.
Đồng hành cùng anh là những người lính đang làm nhiệm vụ tại đây, 365 ngày họ gắn bó với biển, yêu biển và hi sinh vì biển.
Nhiếp ảnh gia vượt 7.000 km quyết tâm cứu biển
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường trao danh hiệu "Đại sứ đại dương xanh" khi là người đầu tiên đi dọc đất nước "chụp ảnh rác".
Lekima Hùng bắt đầu thực hiện chuyến đi của mình bằng xe gắn máy từ tháng 8/2018. Chặng đường xuyên Việt của anh kéo dài 33 ngày đêm, đi suốt 7.000km (trong đó có 3.260km đường bờ biển). Trong hành trình, 63 tỉnh thành trên cả nước anh đã đặt chân đến 40 tỉnh, trong đó có 28 tỉnh giáp biển.
Trên chặng hành trình này, anh đã gặp muôn vàn câu chuyện gây "ám ảnh" về rác thải như bờ biển ở tỉnh Bình Thuận, một bờ biển ngập rác dài hàng kilomet, đến mức không nhìn thấy cát. Người dân ở đây có vẻ quen với việc tắm biển chung với rác. Quá sốc vì một bờ biển tìm cát lại khó hơn rác thải nhựa, Lekima Hùng đã chụp xuyên trưa và đến tối, không ngừng nghỉ.
Khi đến đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang, Lekima Hùng đã rất sốc vì bên cạnh một bờ biển rất đẹp là một bãi rác toàn ruồi. Thay vì âm thanh sóng biển thì ở đây lại là tiếng vo ve của ruồi, nhất là khi đốt rác. Khi chúng bay lên, âm thanh cùng với mùi rác thải rất khó chịu, cảm giác đó đeo đẳng anh tới tận bây giờ. Cũng trên hòn đảo đẹp đẽ đó, người dân có truyền thống vứt rác ra biển.
Đại sứ Đại dương xanh cho rằng, dọn dẹp rác là việc mất thời gian và công sức nhưng không khó, dọn dẹp ý thức xả rác bừa bãi khó hơn nhiều. Việc quy hoạch một khu tập kết rác phù hợp không khó khăn, chỉ là chính quyền và người dân có muốn làm hay không. Và ý thức con người về lâu dài bắt đầu từ giáo dục, để có một Việt Nam tươi đẹp trong tương lai, việc giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường phải làm thật nghiêm túc ngay từ hôm nay.
Những người trẻ "đổ cả gia tài" xuống biển"
Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa được hình thành từ những trái tim có cùng một sứ mệnh chung: khắc phục những thiệt hại con người gây ra cho biển và bảo vệ những điều kỳ diệu của đại dương.
Bốn năm nay, anh Chiến Lê cùng những anh em ở Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA bỏ tiền túi, thời gian để cứu hộ sinh vật biển và tái tạo rạn san hô ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Họ gắn kết nhau bởi tình yêu biển.
Năm 2017, anh cùng các bạn yêu biển lập một nhóm dọn rác ở bãi biển, tập huấn bơi lội. Đến tháng 6/2018, anh tình cờ nghe tin báo một chú cá heo bị thương mắc cạn gần bãi biển Mỹ Khê. Để sơ cứu, cả nhóm đưa chú cá heo xuống nước và suốt 12 giờ, 8 người thay phiên giữ đầu cá heo trên mặt nước để chú có thể thở được trong khi chờ đội cứu hộ chuyên nghiệp đến và chuyển tới cơ sở chăm sóc. Chú cá heo được đặt tên SASA.
SASA đến với nhóm như một "cú hích mạnh" khiến anh Chiến Lê cùng cả nhóm ngồi lại với nhau vì không ai bảo ai, tất cả đều muốn làm một điều gì đó xa hơn, bền vững hơn cho những sinh vật biển không may như SASA.
Để chủ động cứu hộ sinh vật biển, cả nhóm lao vào học hỏi thêm. Khi đã phần nào tự tin với những "công cụ" trong tay, cả nhóm lập fanpage "Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA", phổ biến số hotline để mọi người gọi khi phát hiện sinh vật biển gặp nạn. Chỉ trong 1 tháng, nhóm đã tiếp nhận 6 - 8 trường hợp rùa biển và 10 trường hợp cá heo trong một khu vực hẹp từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Lượng công việc quá lớn nên nhóm phải cắm trại ở lại biển, có khi ngâm mình dưới nước 3 - 4 ngày liên tục để cứu hộ.
Bốn năm qua, hơn 100 cá thể rùa và cá heo được Sasa đưa về biển. Dù số tiền họ góp vào để hoạt động là "vài tỷ đồng", địa điểm của nhóm phải chuyển ra "ở bãi biển" vì thiếu kinh phí, nhưng anh Chiến và các thành viên vẫn lạc quan.
"Việc tử tế" là thương hiệu chương trình truyền hình uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam, với sứ mệnh lan tỏa những hành động đẹp, những tấm gương đẹp trong xã hội. Ra đời từ năm 2014, tới nay, Việc tử tế đã chia sẻ tới khán giả gần 2000 tấm gương sáng về lòng tốt, sự tử tế.
Chương trình do Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital) – Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Chương trình talkshow hàng tháng phát sóng lúc 20h10 thứ 7 tuần thứ 2 của tháng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Thông tin liên hệ: Fanpage: https://www.facebook.com/vtv24ViecTuTe; Website: viectute.com.vn; Email: viectute@vtv.vn; Hotline: 096 277 37 77.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!