Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình

Thùy Hương-Thứ sáu, ngày 23/12/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong buổi giao lưu với khán giả Lào Cai diễn ra tối 22/12, những người làm truyền hình đã chia sẻ góc nhìn của họ về vấn đề môi trường.

Kể từ khi xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, truyền hình đã phát triển và tạo ra một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày nay, truyền hình là phương tiện thiết yếu cho mỗi gia đình, quốc gia, dân tộc và là công cụ sắc bén phản ánh mọi vấn đề của đời sống xã hội, trong đó có các vấn đề về môi trường.

Các vấn đề liên quan đến môi trường đã được phản ánh, chuyển tải đến công chúng thông qua các chương trình truyền hình như thế nào chính là chủ đề của buổi giao lưu giữa khán giả và các nhà báo, nghệ sĩ diễn ra tối 22/12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai – một trong những hoạt động bên lề của LHTHTQ lần thứ 36.

Đến với buổi giao lưu, nhà báo Thu Hà – Phó Trưởng ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã chia sẻ về tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong các chương trình trên sóng VTV.

"Đối với những người làm thời sự ở VTV, môi trường là một trong những đề tài nóng, được khán giả đặc biệt quan tâm. Làm về môi trường, điều thuận lợi nhất đối với chúng tôi là nhận được nhiều nguồn thông tin từ khán giả. Trong số 10 cuộc gọi đến, đường dây nóng của chúng tôi tiếp nhận tới 5 cuộc gọi phản ánh những bức xúc về môi trường ở địa phương nơi họ sinh sống. Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là phản ánh thông tin như thế nào cho có sức thuyết phục, thay đổi được thực trạng môi trường", chị nói.

Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình - Ảnh 1.

Nhà báo Thu Hà và nhà báo Lê Thanh Sơn trong buổi giao lưu

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, nhà báo Thu Hà cho biết: "Trong mọi vấn đề, đặc biệt là môi trường, luôn tồn tại mâu thuẫn lợi ích. Chúng ta vẫn thường nghiêng về sự tăng trưởng, phát triển kinh tế hơn là về môi trường. Những con số ấn tượng về GDP mang lại thành tích nhưng mặt trái của nó là những thiệt hại về môi trường chưa bộc lộ ngay. Tôi nghĩ mâu thuẫn giữa sự phát triển và môi trường là mâu thuẫn khó giải quyết nhất.

Ngoài ra, các nhà báo còn phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn thế. Ngoài việc phải đưa ra quyết định tuyên truyền cho sự tăng trưởng kinh tế hay những tác động đến môi trường, người làm báo chúng tôi còn có nhiều vấn đề khác phải cân não. Chúng tôi phải rất tỉnh táo xem liệu có ai đó lợi dụng lý do bảo vệ môi trường với một mục đích khác hay không.

Trong năm qua, liên quan đến sự cố môi trường biển Formosa, mỗi thông tin phát sóng trên kênh VTV1 đều được chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng, có sự thẩm định từ các chuyên gia. Chúng tôi cũng lựa chọn những ngôn từ có chừng mực, lên án về việc xả thải ra môi trường nhưng không được gây quá khích để tránh những người lợi dụng vụ việc để gây bất ổn ở địa phương".

Cũng giống như người đồng nghiệp của mình, nhà báo Lê Thanh Sơn - Đài PT-TH Lào Cai hiểu rõ tầm quan trọng của việc truyền tải thông tin liên quan đến môi trường đến với khán giả.

"Trong một lần đi tác nghiệp tại huyện Bát Xát, tôi và các đồng nghiệp của mình đã có cơ hội chứng kiến những câu chuyện đau thương. Có gia đình 3 mẹ con bị lũ cuốn trôi, đến nay chưa tìm thấy thi thể. Cũng có một gia đình khác với 3 em nhỏ bị đất đá vùi lấp vì mưa lũ. Đó là những câu chuyện không thể quên và khiến chúng tôi khó kìm lòng mỗi khi nhớ lại. Chúng tôi luôn ý thức và có trách nhiệm trong việc đưa những thông tin chân thực nhất, phản ánh rõ nét nhất những thiệt hại gây ra do biến đổi khí hậu, môi trường đến với khán giả", anh xúc động tâm sự với khán giả quê hương Lào Cai.

Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình - Ảnh 2.

Quay phim Trần Đức Hiếu, nhà báo Phạm Báu, nhà báo Quang Hiền chia sẻ về quá trình tác nghiệp

Nhà báo Phạm Báu - Phó Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa - cho rằng mục đích quan trọng của những người làm truyền hình khi làm về môi trường là làm thế nào để tác động đến người xem. Anh nói: "Chúng tôi nghĩ rằng mình có vai trò quan trọng trong vấn đề thay đổi nhận thức của giới trẻ, kêu gọi họ chung tay bảo vệ môi trường. Giống như chị Thu Hà đã chia sẻ, chúng tôi luôn nhận được lượng thông tin lớn từ khán giả liên quan đến vấn đề môi trường. Sau khi những phóng sự của chúng tôi lên sóng, chính quyền những địa phương nơi chúng tôi phản ánh đã ngay lập tức vào cuộc. Có thể nói, đó là niềm vinh dự của người làm truyền hình khi cùng chung tay tuyên truyền tốt về môi trường, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về môi trường xung quanh".

Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình - Ảnh 3.

Khán giả có cơ hội giao lưu với đạo diễn Đỗ Thanh Hải và ca sĩ Bảo Yến

Bên cạnh những tâm sự của các nhà báo, buổi giao lưu còn có phần trò chuyện của ca sĩ Bảo Yến - một người con của quê hương Lào Cai và đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải. Nếu như Bảo Yến nhận được những câu hỏi liên quan tới hành trình từ một cô gái thuộc miền quê nghèo Mường Khương tới quán quân dòng nhạc thính phòng cuộc thi Sao mai 2015 thì đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng nhận được sự quan tâm của khán giả về các dự án phim.

Trong cuộc trò chuyện, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã có chia sẻ ngắn về bộ phim Khi đàn chim trở về - một tác phẩm truyền hình đề cập tới vấn đề bảo vệ rừng.

"Kịch bản của Khi đàn chim trở về được chúng tôi ấp ủ, chuẩn bị trong 5 năm. Chúng tôi đã phải tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều qua các phương tiện thông tin, tài liệu… về đề tài kiểm lâm, bảo vệ rừng, những mánh khóe của lâm tặc trong việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép… Được quay vào cuối năm 2014 ở Y Tý, Lào Cai, Khi đàn chim trở về đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con cũng như bộ đội biên phòng nơi đây", anh chia sẻ.

Cũng theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, làm phim về đề tài môi trường không nhất thiết phải đi theo lối mòn là kêu gọi, hô hào bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ca ngợi sự trù phú của rừng vàng, biển bạc mà có thể chỉ đơn giản là truyền cảm hứng về tình yêu cuộc sống.

"Hãy truyền cảm hứng về tình yêu cuộc sống một cách dung dị. Khi chúng ta yêu nó, muốn gìn giữ và lan tỏa tình yêu đó với mọi người, chúng ta sẽ có cách giữ gìn môi trường bằng nhiều hình thức khác nhau, thay vì chỉ đơn thuần lên án các tệ nạn trên phim ảnh", anh nhấn mạnh.

Không chỉ có những chia sẻ thú vị về quá trình tác nghiệp cũng như những quan điểm xoay quanh chủ đề môi trường trên các sản phẩm báo chí, buổi giao lưu còn có nhiều tiết mục ca nhạc mang đậm màu sắc Tây Bắc.

Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình - Ảnh 4.

Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình - Ảnh 5.

Vấn đề môi trường qua con mắt những người làm truyền hình - Ảnh 6.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước