Hiện nay, có thể nói, dù có khá nhiều chương trình về du lịch trên các kênh truyền hình nhưng cách thể hiện, đề tài chưa phong phú mà thậm chí khá giống nhau. Có chuyên gia thậm chí từng cho rằng truyền thông về du lịch trên truyền hình hiện nay đang nặng tính mùa vụ, thiếu tính kế hoạch. Bên cạnh đó, truyền thông về du lịch trên truyền hình hiện nay đang phải đối mặt với sự cạnh tranh các phương tiện truyền thông khác như: báo mạng, mạng xã hội.
Trước thực trạng này, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Tuyên truyền về du lịch trên truyền hình" nhằm chỉ ra những khó khăn mà các Đài Phát thanh - Truyền hình phải đối mặt trong công tác tuyên truyền du lịch trên truyền hình. Hội thảo cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như giải pháp để phá bỏ tính mùa vụ trong tuyên truyền về du lịch, những khó khăn và thuận lợi của các đài địa phương khi truyền thông về du lịch. Đồng thời, hội thảo tập trung vào hai vấn đề nóng trong việc tuyên truyền về du lịch hiện nay là những hạn chế trong việc tuyên truyền về du lịch trên sóng truyền hình hiện nay, những nhà nghiên cứu và các công ty lữ hành đánh giá về những hạn chế đó.
Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, bà Lê Hải Anh - Phó trưởng ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: "Hội thảo chính là nơi để những người làm truyền hình, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu du lịch cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tích cực nâng cao chất lượng các chương trình và hiệu quả tuyên truyền du lịch. Đây là hoạt động ý nghĩa và thực tiễn trong bối cảnh du lịch đang phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn". Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cũng đánh giá: "Các chương trình truyền hình về du lịch, văn hóa ngày càng đa dạng, hấp dẫn, không chỉ cung cấp thông tin du lịch mà còn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của di sản văn hóa".
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Hội thảo có những tham luận đáng chú ý đề cập về việc tuyên truyền du lịch qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là qua truyền hình.
Thạc sĩ Trịnh Lê Anh – Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng quảng bá du lịch trên truyền hình đang ngày càng được đầu tư, phát triển trong chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có điểm đến du lịch hấp dẫn như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Vì thế theo Thạc sĩ Trịnh Lê Anh, quảng bá du lịch trên truyền hình có nhiều ưu thế so với các loại hình báo chí khác nhờ sức mạnh của hình ảnh động, âm thanh và ngôn ngữ, dễ tạo ấn tượng trong lòng khán giả. Tuy nhiên, công tác quảng bá du lịch trên truyền hình trong nước hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thu hút được sự dõi theo của số đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng khẳng định không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của tuyên truyền quảng bá đối với sự phát triển của du lịch, trong đó có phương tiện là truyền hình. Nhưng Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ nhận thấy những kinh nghiệm tuyên truyền sai, thiếu hiệu quả vẫn còn tồn tại như tuyên truyền sai thông thông tin về điểm đến, địa danh, sản phẩm du lịch, sử dụng sai lệch hoặc thiếu tính mỹ quan thông điệp và hình ảnh, thiếu tính thống nhất hay sai lệch về thời gian trong quá trình tuyên truyền… Thậm chí, đôi khi tuyên truyền sai cách còn có tác dụng ngược đối với những khu vực cần được bảo tồn và giới hạn lượng khách du lịch.
Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch
Trong khi đó, BTV Nguyễn Linh Trang đến từ Đài PT-TH Quảng Bình lại nhìn nhận về khía cạnh những khó khăn của đài địa phương khi sản xuất các chương trình du lịch. Bên cạnh những hạn chế như nhân lực, phạm vi, thời gian tác nghiệp, BTV Linh Trang cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay khi tác nghiệp, sản xuất các chương trình truyền hình của đài địa phương chính là vấn đề kinh phí. Cô cũng đề ra một số giải pháp để có thể giải quyết phần nào vấn đề này, trong đó có việc tận dụng các thiết bị máy ảnh, smartphone… Ngoài ra, việc đẩy mạnh, tìm kiếm đơn vị tài trợ hoặc đồng hành để phối hợp thực hiện chương trình quảng bá du lịch cũng rất quan trọng với các đài địa phương.
Còn theo nhà báo Nguyễn Hường đến từ Đài PT-TH Thanh Hóa, du lịch cũng được xác định là mục tiêu trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa. Để góp phần vào nhiệm vụ quan trọng này, Đài PT-TH Thanh Hóa đã nỗ lực để hướng đến việc khắc phục sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác truyền thông du lịch cũng như xây dựng kế hoạch truyền thông du lịch một cách bài bản, mang tính chiến lược dài hạn, đồng thời phá bỏ tính mùa vụ trong tuyên truyền du lịch.
Nhà báo Nguyễn Hường đến từ Đài PT-TH Thanh Hóa
Nhà báo Nguyễn Hường bày tỏ: "Phá bỏ tính mùa vụ trong tuyên truyền du lịch còn đồng nghĩa với việc phá bỏ nhận thức hạn hẹp rằng du lịch chỉ mùa nào, thời nào thì du lịch ấy hoặc du lịch chỉ lên ngôi ở từng thời điểm, tùy theo mùa. Chúng ta cần phải nhận thức đề tài tuyên truyền du lịch bao giờ cũng mang tính liên tục, kế tiếp, nằm trong sự vận động phát triển".
Với nhà báo Trương Công Tú đến từ Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, nội dung số chính là xu hướng tất yếu của truyền thông, quảng bá về du lịch. Với các chương trình truyền thông về du lịch, chất lượng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Do đó, theo nhà báo Trương Công Tú, việc áp dụng nội dung số vào việc sản xuất, thực hiện các chương trình du lịch là điều cần thiết, vừa đi theo xu hướng vừa nhằm tăng tính hấp dẫn và đẩy mạnh tương tác với khán giả.
Nhà báo Trương Công Tú đến từ Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam
Khép lại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhận định các tham luận và các ý kiến phát biểu đã mang đến những góc nhìn đa chiều, sâu sắc về thực trạng công tác tuyên truyền du lịch trên truyền hình hiện nay. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh: "Đặc biệt, chúng ta đã nhận diện rõ nét hơn những mặt hạn chế, thách thức, từ đó gợi mở đến các giải pháp cần thiết như: cần đầu tư thích đáng cho các chương trình truyền hình về du lịch cả về kinh phí, con người và trang thiết bị; phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa ngành du lịch với các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình; chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên chuyên sâu về du lịch; đa dạng hóa những sản phẩm truyền hình về du lịch để có thể đáp ứng được nhiều loại đối tượng khách du lịch; tăng tính tương tác và kết nối giữa chương trình truyền hình với du khách và ngành du lịch".
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định: "Khi chúng ta đã xác định nội dung số là xu hướng tất yếu của truyền thông du lịch thì những người làm truyền hình cần xây dựng chiến lược tổng thể, tổ chức sản xuất một cách bài bản để có các chương trình về du lịch với nhiều phiên bản khác nhau, phát trên cả truyền hình truyền thống và các phương tiện truyền thông số nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả mọi lúc, mọi nơi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!