Truyền hình tương tác sẽ sống bằng quà tặng?

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 08/01/2015 16:19 GMT+7

Dùng quà tặng để thu hút khán giả dường như là hướng đi hiệu quả của các chương trình truyền hình những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này liệu có hiệu quả về lâu dài?

Đã qua rồi cái thời “Nhắn tin theo cú pháp…”

Khán giả truyền hình hẳn vẫn chưa quên những đêm thi "rực lửa" với các Liveshow truyền hình trực tiếp như Sao Mai Điểm hẹn, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Idol, Giọng hát Việt… Lời dẫn mở quen thuộc: “Hãy gửi tin nhắn theo cú pháp XXX để bình chọn cho thí sinh bạn yêu thích và nhận ngay phần quà là chiếc điện thoại A từ chương trình” đã trở nên thân thuộc trong tâm trí khán giả. Hàng trăm ngàn lượt tin nhắn được gửi đến, trước hết vì tình cảm dành cho thần tượng, sau đó mới đến kỳ vọng vận may “trúng lớn” đến với mình.

Về sau, để khiến khán giả bớt mông lung hơn về khả năng và cơ hội trúng thưởng, Ban tổ chức các chương trình mở thêm mục “dự đoán số người có bình chọn giống bạn” khiến độ kịch tính của các cuộc bình chọn tăng lên, tính minh bạch của kết quả cũng thêm phần xác thực. Khán giả cảm thấy được góp một phần vào kết quả của chương trình. Đó là một động lực lớn khiến họ theo đuổi các gameshow đến cùng để tôn vinh người thắng cuộc.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó cũng không đủ giữ khán giả kiên trì với các cuộc chơi. Để đổi món, các nhà sản xuất truyền hình không ngừng thử nghiệm những hình thức tương tác, tặng quà khác như trả lời trực tiếp tại trường quay (Ai là triệu phú, Hãy chọn giá đúng, Chiếc nón kỳ diệu), đấu giá trực tiếp qua điện thoại (Đấu giá ngược) hay tặng thẻ cào điện thoại cho ai nhanh tay nhất nạp được mã thẻ (Bữa trưa vui vẻ, Chung cư 22+)...

“Nhắn tin theo cú pháp…” đến một lúc nào đó sẽ chỉ còn trong tâm trí khán giả như hình thức tương tác của một thời đã qua. Các chương trình vẫn tìm cách lôi kéo khán giả đến trước màn hình bằng quà tặng nhưng theo những hình thức khác nhau, không cầu kỳ, tốn kém như buổi ban đầu.

Sức hút chưa bao giờ tắt

Làm sao để được biết đến, làm sao để khán giả đến giờ bật tivi theo dõi luôn là nỗi trăn trở của các chương trình truyền hình trong làn sóng bùng nổ của các chương trình xã hội hoá hiện nay. Rất nhiều phương tiện truyền thông đã được sử dụng để hỗ trợ “màn ra mắt” này như PR media, Social media cùng những công cụ quảng cáo online khác.

Với các công cụ đó, khán giả sẽ sớm được làm quen với ê-kíp, format của chương trình qua những hoạt động truyền thông trước và thời kỳ đầu lên sóng.

Chung cư 22+ - một chương trình mới đây của VTV6 đã khẳng định hiệu quả của cách làm này. Ngoài màn rào đón khá hấp dẫn trước ngày ra mắt, ê-kíp sản xuất chương trình đã có một chiến lược cụ thể để thu hút khán giả trong thời gian đầu.

"Cơn bão" quà tặng bao gồm hàng chục chiếc điện thoại, hàng chục bộ vest thời trang, hàng trăm thẻ cào và rất nhiều voucher ăn uống dành cho những khán giả ngồi trước màn hình đã ngay lập tức lan truyền trong cộng đồng mạng. Trang Fanpage Chung cư 22+ của chương trình cũng tăng hàng ngàn lượt "like" sau tập phát sóng thứ 2. Lời thách thức khó cưỡng của MC điển trai Công Tố: “Bạn có đang nằm trong chăn, chúng tớ cũng lôi ra bắt nhận quà” cũng thu hút sự tò mò, chú ý sôi nổi của cộng đồng mạng. Thậm chí, ngay sau ngày đầu tiên lên sóng, có không ít trang mạng xã hội “fake” trên Facebook, YouTube đã mạo danh Chung cư 22+ nhằm lôi kéo cộng đồng một cách không minh bạch để phục vụ những mục đích cá nhân.

Lấy ngắn nuôi dài

Quay trở lại với điều làm nên sức hút của các chương trình truyền hình tương tác hiện nay, liệu có phải quà tặng sẽ là yếu tố giữ khán giả ở lại đến phút cuối cùng? Thành công của các chương trình như Bữa trưa vui vẻ, Chung cư 22+ đã khẳng định phần nào sách lược đúng đắn dùng quà tặng để thu hút sự chú ý ban đầu. Tuy nhiên, không có nghĩa là chương trình này sẽ được "hâm nóng" trong vài tháng tới chỉ với hình thức tương tác - nhận quà đơn giản này.

Khán giả đã từng nhạt miệng với những format cũ, nội dung cũ sẽ không có lý gì không “cả thèm chóng chán” với những quà tặng hên xui từ chương trình. Chưa kể, nhìn từ phía nhà sản xuất, nguồn thu từ quảng cáo rồi cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị đe doạ bởi những kẻ giả danh, cạnh tranh thiếu lành mạnh khác. Vậy sau khi gây được chú ý, các chương trình vẫn cần phải có một chiến lược, đường hướng rõ ràng hơn để giữ chân khán giả nếu như không muốn họ tìm đến với mình chỉ để nhận quà.

Nỗ lực đổi mới hình thức tương tác, đơn giản hoá thủ tục tham dự từ việc soạn tin nhắn theo cú pháp gửi về tổng đài sang chụp ảnh gửi về trang mạng xã hội hay nạp thẻ cào điện thoại online, một số chương trình gần đây đã có được một lượng khán giả ủng hộ nhất định trong thời gian nhanh chóng. Song suy cho cùng, đây cũng chỉ là một liệu pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Trong khi cộng đồng mạng đang phát “sốt” với cơn bão quà tặng từ chương trình, ê-kíp sản xuất vẫn cần phải dự tính kỹ càng về cả chiến lược lẫn kho nội dung nếu muốn đi tiếp chặng đường trường phía trước.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước