Truyền hình phi truyền thống: Từ “người bán báo dạo” trở thành "bác sĩ tâm lý”

Thùy An-Thứ năm, ngày 20/12/2018 14:31 GMT+7

VTV.vn - Thạc sĩ Lê Vũ Điệp cho biết vai trò của những người sản xuất truyền hình đã hoàn toàn thay đổi trong thời đại mà diễn giả này gọi là truyền hình phi truyền thống.

Truyền hình đang "chết" hay chuyển sang một dạng hình thức mới?

Ths Lê Vũ Điệp, Giảng viên Khoa Đa phương tiện - Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết đã từng đặt câu hỏi cho một lớp học với hơn 70 sinh viên năm thứ ba: "Lần xem truyền hình (trên tivi) gần nhất của bạn là bao giờ?".

Kết quả khá bất ngờ khi chỉ có 2 trên hơn 70 sinh viên của lớp đó nói rằng họ còn xem chương trình trên tivi và xem vì "bố mẹ, ông bà của họ đã bật nó lên từ trước đó".

"Tôi tự hỏi truyền hình sắp chết ư? Tại sao sinh viên của tôi không thích truyền hình giống như tôi khi ở độ tuổi ngồi trên giảng đường đại học?", Ths Lê Vũ Điệp nói.

Truyền hình phi truyền thống: Từ “người bán báo dạo” trở thành bác sĩ tâm lý” - Ảnh 1.

Ths Lê Vũ Điệp trình bày tham luận của mình tại Hội thảo "Mạng xã hội và Truyền hình" tại LHTHTQ lần thứ 38

Theo diễn giả, điều này xảy ra bởi với những sinh viên này, truyền hình "trên chiếc tivi" không thuận lợi và phù hợp với nhịp sống của họ. Truyền hình không hề đang "chết" dần mà nó đang chuyển sang một hình thức gọi là truyền hình phi truyền thống.

"Trong quá khứ, chúng ta đã nhìn nhận công chúng là một nhóm khán giả đồng dạng, được gọi chung bằng cái tên "mass audience"- tức là "khán giả đại chúng". Khán giả đại chúng là một tập hợp lớn của các gia đình, và tổng thể các gia đình sẽ tạo nên một cộng đồng khán giả của truyền hình. Tôi không cho rằng đây là một ý tưởng tồi hay sai lầm, nhưng tôi tin chắc rằng đã có nhiều sự thay đổi, dịch chuyển của khán giả trong thời đại số.

Theo Ths Lê Vũ Điệp, sự tương tác của truyền hình phi truyền thống với khán giả không còn chỉ diễn ra trong phạm vi "phòng khách gia đình" như chúng ta thấy trên các poster quảng cáo truyền thống nữa. Khái niệm "phòng khách" và "gia đình"- tương tự như một "ốc đảo" đã bị phá vỡ hoàn toàn bởi sự tác động của công nghệ thông tin, viễn thông, đặc biệt là sự xâm nhập vào từng ngõ ngách của Internet.

Truyền hình phi truyền thống: Từ “người bán báo dạo” trở thành bác sĩ tâm lý” - Ảnh 2.

Truyền hình không hề đang "chết" dần mà nó đang chuyển sang một hình thức mới. (Ảnh: Shutterstock)

"Tôi thấy kênh truyền thông trên 70 tuổi đời này vẫn đang sống tốt, và sống khỏe nhưng theo một cách khác rất nhiều so với nó đã từng như vậy. Tôi thấy công chúng ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang xem truyền hình, nhưng không phải là xem trên chiếc "tivi" mà họ đang đặt trong phòng khách. Tôi thấy nhà sản xuất truyền hình không còn là một "người bán báo dạo" đang "trưng diễn" nội dung theo một lịch phát sóng bảo thủ như trước kia, mà họ đã chính thức trở thành "một bác sĩ tâm lý" của công chúng", Ths Lê Vũ Điệp ví von.

Nếu Facebook là một quốc gia, đó sẽ là quốc gia lớn nhất trên thế giới

"Truyền hình đang len lỏi vào mọi ngõ ngách thông qua nền tảng Internet để tiếp cận công chúng. Nhà sản xuất đang tạo ra một hệ sinh thái truyền hình mà ở đó bao gồm rất nhiều hệ sinh thái thành phần gồm: "hệ sinh thái nội dung", "hệ sinh thái kênh truyền", "hệ sinh thái người dùng". Người ta gọi đó là hệ hình Social TV- trong đó, nhà sản xuất không chỉ đóng vai trò là "nguồn phát" mà là "nhà điều hành" toàn diện".

Truyền hình phi truyền thống: Từ “người bán báo dạo” trở thành bác sĩ tâm lý” - Ảnh 3.

Nếu Facebook là một quốc gia, đó sẽ là quốc gia lớn nhất trên thế giới

Như tại hệ sinh thái người dùng, ngoài tivi, để có thể tiếp cận hiệu quả nhất với khán giả, người làm trong thời đại truyền hình phi truyền thống cần vận dụng tối qua các công cụ truyền thông xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram, Youtube, Google+, LinkedIn...

"Với hơn 2 tỷ người dùng trên thế giới, nếu Facebook là một quốc gia, đó sẽ là quốc gia lớn nhất trên thế giới", Ths Lê Vũ Điệp cho biết tầm quan trọng của các công cụ truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook.

Cùng với, các công cụ truyền thông xã hội, Ths Lê Vũ Điệp còn nhấn mạnh sự quan trọng về tính tương tác giữa khán giả với truyền hình trong thời đại số. Khán giả không còn thụ động tiếp cận thông tin mà chủ động đi tìm những nội dung mình yêu thích. Thậm chí còn tự sản xuất nội dung.

Truyền hình phi truyền thống: Từ “người bán báo dạo” trở thành bác sĩ tâm lý” - Ảnh 4.

Tính tương tác là điều tối quan trọng trong tương lai của truyền hình

"Các phương tiện truyền thông xã hội là một tập hợp lớn của nhiều cộng đồng nhỏ. Và cách mà truyền hình phi truyền thống thế giới đang làm cho công chúng của họ "nói về", "đồng hành" và "chia sẻ những trải nghiệm" về chương trình là để giữ chân và tạo mối liên hệ sâu sắc với người dùng".

Bài tham luận của Ths Lê Vũ Điệp là một phần trong Hội thảo "Mạng xã hội và Truyền hình" do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN chủ trì tại khuôn khổ LHTHTQ lần thứ 38.

Qua hội thảo, khách tham dự có thể hiểu rõ hơn về: Xu thế phát triển của truyền hình thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Những công cụ kỹ thuật để vận hành, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội trên truyền hình; Tính năng của Facebook có thể ứng dụng trên các chương trình truyền hình...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước