Trò chuyện cuối tuần trong chương trình Chuyển động 24h hôm nay (18/2) là chương trình Trò chuyện cuối tuần đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024. Và vì thế, khán giả của chương trình đã có cơ hội trò chuyện với nhiều các nhân vật khác nhau - từ những nhà vô địch thể thao đến những diễn viên làm nên bức tranh phim truyền hình ấn tượng, những con người bình thường nhưng làm nên những điều phi thường cho đến những người trẻ làm rạng danh đất nước.
Và người mở đầu cho Trò chuyện cuối tuần là một nhân vật rất đặc biệt - bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người đã tham gia vào ê-kíp thực hiện ca thông van tim cho thai nhi 32 tuần tuổi. Đây là ca phẫu thuật thông van tim cho một thai nhi đầu tiên tại Đông Nam Á và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Ca phẫu thuật này đã có kết quả mỹ mãn và em bé sau đó đã được sinh ra khoẻ mạnh, tránh được nhiều biến chứng sau này.
Theo những nhận định của các nhà chuyên môn, đây là ca phẫu thuật đặc biệt vì nó đã là nỗi trăn trở của các y bác sĩ trong nhiều năm qua. Các bác sĩ đã phải chứng kiến hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm không may sinh ra bị mắc tim bẩm sinh.
Cuộc phẫu thuật thông van tim cho thai nhi 32 tuần tuổi được thực hiện bởi 5 ê-kíp đến từ 2 bệnh viện là Nhi đồng 1 và Từ Dũ. 40' phẫu thuật là những phút căng não vì kích thước trái tim của thai nhi chỉ bằng quả chanh... Và hạnh phúc đã mỉm cười khi ca mổ thành công và đến nay em bé đã chào đời khoẻ mạnh.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Chuyển độn 24h ngày 18/2).
Trò chuyện với phóng viên Chuyển động 24h trong chương trình Trò chuyện cuối tuần, bác sĩ Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người đã cùng ê-kíp thực hiện ca thông van tim cho thai nhi 32 tuần tuổi - không che đậy được niềm hạnh phúc của ông khi nói về cuộc phẫu thuật thành công này. Bác sĩ Hải nói về cảm xúc của mình khi ấy - sau khi kết thúc 40 phút căng thẳng của cuộc phẫu thuật: "Cảm xúc vỡ oà, cảm xúc hạnh phúc, cảm xúc đã vượt qua mọi khó khăn mà lớn nhất là cảm xúc thành công".
Các bác sĩ đã có 40 phút căng thẳng cho cuộc phẫu thuật thông van tim cho thai nhi 32 tuần tuổi. (Ảnh chụp màn hình chương trình Chuyển độn 24h ngày 18/2).
Nói về những cảm xúc đã trải qua trong thời gian 40 phút của cuộc phẫu thuật, bác sĩ Hải cho biết: "Trong thời gian thực hiện thì trong kíp phẫu thuật và cả bộ phận chỉ huy, kể cả ở bên Sở y tế, chúng tôi đã lên một kịch bản rất chi tiết từng phút, từng giai đoạn. Mọi người đều căng như sợi dây đàn nhưng tất cả đều tập trung vào chuyên môn, không để ý đến giờ giấc, không để ý đến thời gian, và không biết gì xảy ra xung quanh".
Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - trò chuyện tại Trò chuyện cuối tuần của Chuyển động 24h ngày 18/2.
Về sự quyết tâm thực hiện một ca phẫu thuật khó như ca thông van tim cho thai nhi 32 tuần tuổi, bác sĩ Hải tâm sự lý do khiến ông cùng những đồng nghiệp của mình nỗ lực như vậy là vì sao: "Thứ nhất, nếu sau 33 tuần thì sự can thiệp này trở nên vô nghĩa. Nếu chúng ta làm trước tuần 31, thì ở trong đó còn những giới hạn về mặt chuyên môn. Và chúng tôi xác định vào thời điểm này bắt buộc phải làm nếu muốn cứu đứa bé, đó là thời điểm để quyết định sự thắng lợi một cách hoàn thiện".
Trong phần cuối cuộc trò chuyện, nói về tác động của ca phẫu thuật với sự phát triển của y tế Việt Nam, bác sĩ Hải nói: "Việc can thiệp bào thai, điều này đã mở ra cho những người dân có thể tiếp cận được những kỹ thuật cao nhất với một chi phí phù hợp nhất. Và điều quan trọng nhất là thấy được cơ chế quản lý phối hợp giữa các bệnh viện, đặc biệt là trong hệ thống công lập. Chúng ta đã có thể phối hợp với nhau để mang lại kết quả hoàn hảo, mỹ mãn cho người dân".
Hạnh phúc đã mỉm cười khi ca mổ thành công và đến nay em bé đã chào đời khoẻ mạnh. (Ảnh chụp màn hình chương trình Chuyển độn 24h ngày 18/2).
Cũng tại Trò chuyện cuối tuần hôm nay, khán giả đã được gặp gỡ Bùi Quang Khánh - học viên mù đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Bùi Quang Khánh là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng piano danh giá ở khu vực và quốc tế.
Khánh nói rằng ngay lần gặp gỡ đầu tiên của mình với cây đàn piano hơn 10 năm trước, cậu đã biết mình thuộc về cây đàn này.
"Khi em ngồi xuống, đưa thay lên đàn và nhấn phím đàn, những âm thanh vang lên nó có sức cuốn hút rất kỳ lạ đối với em" - Bùi Quang Khánh chia sẻ - "Và từ đó em nảy sinh niềm đam mê đặc biệt với cây đàn".
"Người bình thường học piano đã khó rồi. Vì để kiểm soát được những phím đàn piano cũng đã rát khó bởi vì phím nào cũng giống phím nào mà mình phải làm thế nào để bằng cảm giác cảm nhận được, kiểm soát được và nắm vững được những phím đàn đó trong lòng bàn tay đó thì đối với người khiếm thị lại càng khó hơn".
"Cây đàn piano nayf với em giống như một người bạn tri kỷ".
Bùi Quang Khánh tại cuộc thi Kayserburg 2023 tại Quảng Châu, Trung Quốc diễn ra vào tháng 10.
Nói về cảm giác khi bước ra đấu trường quốc tế, khi tham gia các cuộc thi về piano, Khánh chia sẻ rằng bản thân cảm thấy vinh dự và hãnh diện khi được đại diện cho Việt Nam đi thi.
"Đó cũng là sự tự hào" - Khánh nói.
52 tuần, chúng ta - mỗi cá nhân, với sự nỗ lực của mình - sẽ làm nên một năm 2024 rạng rỡ. Dù những cá nhân ấy ở ngành nghề nào, độ tuổi nào, đều đang nỗ lực mỗi phút giây tạo nên sự thay đổi tích cực mỗi ngày. Đất nước giàu mạnh được tạo nên từ mỗi con người mạnh mẽ, tích cực và có ích. Và câu chuyện tốt lành của năm 2024 sẽ được tạo nên bới chính chúng ta.
Trò chuyện cuối tuần - Chuyển động 24h trưa (18/02/2024)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!