Trạm yêu thương: Chàng trai không chân và tình yêu với trái bóng tròn

Minh Trang/ẢNh: BTC-Thứ năm, ngày 09/05/2024 19:01 GMT+7

VTV.vn - Vượt qua sự tự ti, mặc cảm, Tuấn Hưng không chỉ trở thành vận động viên bơi lội và bóng đá mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người vươn lên trong cuộc sống.

Trạm yêu thương tuần này mở ra với màn tâng bóng nghệ thuật đẹp mắt do Tuấn Hưng thể hiện. Sự nhanh nhẹn của đôi tay và nụ cười thân thiện của chàng trai đã chiếm trọn cảm tình của khán giả có mặt trong chương trình.

Trạm yêu thương: Chàng trai không chân và tình yêu với trái bóng tròn - Ảnh 1.

Vượt qua nhiều nỗi đau, cho đến thời điểm hiện tại Tuấn Hưng đã mạnh mẽ hơn khi kể về tuổi thơ của mình. Sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, năm 2 tuổi sau tai nạn bị gấu cắn, Tuấn Hưng đã mất đi đôi chân. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, nỗi đau đớn về thể xác lại ùa về trong tâm trí Tuấn Hưng, nhưng đau đớn về tinh thần mới là thứ khiến em mất rất nhiều thời gian để vượt qua. Những ngày xuất viện với đôi chân không còn là những ngày đau đớn và mất thăng bằng nhất trong cuộc đời Tuấn Hưng. Những ánh mắt soi mói của mọi người, những lời trêu chọc của bạn bè khiến cậu bé ngày đó càng thêm buồn tủi.

Nhưng tình yêu thương của mẹ, sự chăm sóc ân cần của bố, sự lo lắng đôn đáo đi tìm người hợp nhóm máu để truyền cho Tuấn Hưng và cả những giọt nước mắt của bố mẹ khi chứng kiến em đau đớn trải qua các cuộc phẫu thuật cắt xương… đã khiến chàng trai 10X tự nhủ: "Em phải sống, phải vượt qua và bắt đầu cố gắng làm quen với cơ thể khiếm khuyết của mình". Không còn chân, cậu bé Tuấn Hưng tập di chuyển bằng tay. Em tập leo cầu thang, đi từ nhà xuống bếp bằng ghế nhựa. Với nỗ lực không ngừng nghỉ từ việc có thể tự đi lại, Hưng bắt đầu làm được mọi thứ như: tập nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa…

Trạm yêu thương: Chàng trai không chân và tình yêu với trái bóng tròn - Ảnh 2.

Khi nhắc tới mẹ, ánh mắt Tuấn Hưng ánh lên niềm tự hào và tràn ngập yêu thương. Mẹ Thư không sinh Hưng ra từ bụng, nhưng đã sinh ra Hưng từ trái tim của mình, nhận nuôi Tuấn Hưng từ ngày đầu em mới sinh ra. Sự xuất hiện của mẹ Thư đã mở ra câu chuyện cảm động đầy nước mắt của Phạm Tuấn Hưng. Trong lời chia sẻ của mình, chị Mai Thị Thư luôn miệng nhắc về Hưng với cụm từ "con trai", "con của mình" như một lời khẳng định: Trong trái tim của chị, Hưng luôn là người con trai mà chị yêu thương nhất.

Có lẽ tình yêu thương của mẹ chính là động lực giúp Tuấn Hưng vươn lên trong nghịch cảnh. Không có chân nhưng chàng trai quê Quảng Ninh lại có niềm đam mê đặc biệt với trái bóng tròn. Từ năm lớp 3, Hưng đã theo các bạn ra sân xem bóng, rồi được nhận là thủ môn, sau đó được tham gia các vị trí khác trong sân với đặc quyền dùng tay để chơi. Sau đó, khả năng chơi bóng của Hưng quá nhanh và thuần thục, các bạn đã yêu cầu em chơi bằng phần đùi còn lại mới cho chơi tiếp. Không từ bỏ đam mê, Hưng về nhà tập sút bóng vào tường bằng phần đùi cụt của mình.

Trạm yêu thương: Chàng trai không chân và tình yêu với trái bóng tròn - Ảnh 3.
Trạm yêu thương: Chàng trai không chân và tình yêu với trái bóng tròn - Ảnh 4.

Những lúc di chuyển trên sân bê tông, phần đùi cọ xát xuống nền khiến Hưng không ít lần đau và phải đi viện điều trị. Những điều đó không làm vơi đi tình yêu với trái bóng tròn: "Chỉ khi được đá bóng trên sân, em mới thấy được là chính mình và quên hết mọi ưu phiền".

Từ những clip đá bóng, tâng bóng bằng phần đùi cụt, mọi người dần biết đến Tuấn Hưng. Em được mọi người yêu mến bởi sự nỗ lực, nụ cười hiền và những cảm hứng tích cực truyền tải đến người xem. Không chỉ được thỏa mãn đam mê, Tuấn Hưng còn được gặp thần tượng của mình là những cầu thủ nổi tiếng, đặc biệt là nhận lời động viên từ HLV Park Hang Seo càng khiến chàng trai thêm tự tin và cố gắng theo đuổi đam mê.

Từ đam mê với trái bóng tròn, Tuấn Hưng còn thử sức với đam mê bơi lội. Kể về cơ duyên đến với đường đua xanh, Hưng cười hiền khi nhớ về những lần trốn mẹ theo bạn bè ra sông gần nhà tập bơi. Nhờ lời giới thiệu của cựu danh thủ Đặng Phương Nam tới HLV Nguyễn Đăng Viễn của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam, Tuấn Hưng đã được tập luyện chuyên nghiệp. Sau 3 tuần, em đã bơi được cự ly 600m. Tháng 11 năm 2020, Hưng xuất sắc giành Huy chương Đồng thể thức bơi tự do cự ly 100m trong Giải bơi lội quốc gia dành cho vận động viên khuyết tật.

Nói về ước mơ trong tương lai, Tuấn Hưng mong muốn tiếp tục theo đuổi đam mê đá bóng và bơi lội của mình. Với tình yêu, và nỗ lực không ngừng nghỉ, anh hy vọng sẽ gặp hái được nhiều thành quả hơn nữa, chứng minh người khuyết tật có thể làm được mọi thứ, truyền năng lượng tích cực cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Món quà của Trạm yêu thương sẽ cùng Tuấn Hưng lan tỏa nhiều tình yêu thương và tích cực trong cuộc sống.

Câu chuyện về những nỗ lực không nghỉ của Phạm Tuấn Hưng sẽ lấy đi nước mắt với nhiều cung bậc cảm xúc trong Trạm yêu thương chủ đề "Góc sân và bầu trời", phát sóng 10h00 thứ Bảy ngày 11/5/2024 trên kênh VTV1.

Trạm yêu thương: Cô giáo khuyết tật và hành trình vươn lên trong cuộc sống Trạm yêu thương: Cô giáo khuyết tật và hành trình vươn lên trong cuộc sống

VTV.vn - Từ vực thẳm nỗi đau, cô Nguyễn Thị Minh Tâmđã phấn đấu trở thành một giáo viên dạy giỏi

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước