Báo điện tử VTV News đã có dịp trò chuyện cùng BTV Hoàng Linh, một trong những người trực tiếp thực hiện chương trình này.
Xuất phát từ ý tưởng nào mà anh và các đồng nghiệp đã quyết định chọn các Việt kiều trẻ là nhân vật của Talk Vietnam trong số phát sóng đặc biệt vào ngày 30/4 trên VTV4?
- Hiện nay, những người thuộc thế hệ Việt kiều trẻ trở về nước rất nhiều, họ là những người sinh ra sau chiến tranh và không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, nhưng chính vì chiến tranh mà họ đã phải sinh ra và lớn lên ở bên kia. Họ là con của những người trong Quân đội chính quyền Việt Nam cộng hòa ngày trước.
Chúng tôi mời ba nhân vật là ba người có công việc thuộc những lĩnh vực khác nhau, họ đã có điều kiện để trở về Việt Nam để trải nghiệm cuộc sống cũng như làm những công việc họ thực sự mong muốn tại Việt Nam. Tất cả đều có thời gian ở Việt Nam khá lâu nên họ có đủ sự trải nghiệm để nhìn lại quá khứ và biết cách hướng đến tương lai như thế nào. Đó chính là lý do chúng tôi chọn chủ đề và nhân vật cho Talk Vietnam lần này với tên gọi "Thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về và bước tiếp".
Là một trong những chương trình đặc biệt nằm trong ngày 30/4 của VTV4, anh có thể chia sẻ thêm về quá trình thực hiện?
- Chúng tôi bắt tay vào công việc từ khoảng hai tháng trước, nếu nói về việc ấp ủ ý tưởng thì đã lâu lắm rồi, trước cả khi chúng tôi thực hiện chương trình Ngày trở về cho dịp Tết năm ngoái. Chúng tôi nhiều lần muốn làm chương trình hướng đến các đối tượng trẻ nhưng lại chưa có điều kiện và chưa tìm được nhân vật phù hợp để nói những câu chuyện như thế.
Và chúng tôi nghĩ rằng Ngày đất nước kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp rất tốt để nói đến câu chuyện của thế hệ trẻ. Tôi và các đồng nghiệp đã đặt ra những câu hỏi như: Cách nhìn của họ như thế nào? Có khác biệt với cha mẹ họ hay không? Khác biệt này mang tính tích cực hay không tích cực cho tương lai?
Từ đấy, chúng tôi tìm các nhân vật và may mắn là 3 nhân vật lần này có 3 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một người làm bác sĩ, một người là nhà lịch sử nghệ thuật và một người đang hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Gia đình của nhân vật Quỳnh Phạm.
Câu chuyện của họ sẽ có gì đặc biệt, thưa anh?
- Cả ba nhân vật chúng tôi mời đến Talk Vietnam lần này đều lớn lên ở Mỹ, họ chỉ có dấu ấn mơ hồ về Việt Nam và nghe những câu chuyện của đất nước qua bố mẹ. Về nhân vật Quỳnh Phạm, cô quyết định trở về Việt Nam khi đã có một công việc ổn định ở bên Mỹ. Cô bị chính mẹ ruột phản đối rất gay gắt về quyết định này và khi không được đồng ý, Quỳnh Phạm đã bán cả xe để lấy tiền về Việt Nam. Dù đã ở Việt Nam được 18 năm, lập gia đình và có con nhưng chưa một lần mẹ cô về thăm con. Đó chính là sự nặng nề trong tư tưởng, những định kiến mà khó có thể vượt qua của thế hệ trước. Khi về Việt Nam, thấy thị trường nghệ thuật Việt Nam còn hoang sơ, Quỳnh Phạm đã muốn đi theo con đường phát triển nghệ thuật và khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Giờ phòng tranh của chị - Quynh Gallerie là một trong những phòng trưng bày nghệ thuật đương đại uy tín nhất ở Việt Nam, là cầu nối đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
Đối với hai nhân vật còn lại thì họ cũng từng bị bố mẹ ngăn cản khi biết có ý định trở về Việt Nam. Như David Dương, anh đã dành 6 tháng tại Phú Thọ để sống với người dân, cùng họ gánh nước, nhỏ cỏ, ăn cơm với người dân tại đây. Thấy được sự chân chất, tấm lòng cởi mở của người dân, David Dương nhận ra rằng đây là điều khác hẳn với những gì bố mẹ đã kể. Anh quyết định trở thành bác sĩ và quay lại Việt Nam để góp sức trong vấn đề đào tạo, thiết kế chương trình giảng dạy để nâng cao chất lượng của bác sĩ.
Minh Đỗ là nhân vật đặc biệt hơn một chút, khi có ông nội là Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam cộng hòa nhưng bố lại là người có công. Từ trước năm 1975, ông đã sang Mỹ và là thành viên tích cực của Nom Foundation, một tổ chức số hóa chữ Nôm. Minh Đỗ cũng theo nghề của bố, anh về Việt Nam từ năm 1989 và dành tình cảm đặc biệt cho quê hương. Minh Đỗ giảng dạy tại Đại học An Giang trong 3 năm rưỡi và có nhiều kỷ niệm rất xúc động với các em học sinh. Anh quyết định ở đây và trở thành thành viên tích cực của hội đồng khởi nghiệp về công nghệ. Ba người có ba câu chuyện khác nhau nhưng có thể thấy rõ những công việc họ đang làm là sự giúp đỡ vô cùng thiết thực cho đất nước.
Vì họ còn trẻ, nên khi nói về ký ức chiến tranh thì không có nhiều. Họ chỉ được biết về chiến tranh qua bố mẹ mà không phải ai khác. Vì vậy, cũng rất khó để nói họ thấy chiến tranh như thế nào. Điều đáng mừng là cách nhìn của họ không phải đóng kín, mà cởi mở hơn bố mẹ rất nhiều, khi luôn nhìn vào tương lai.
Phải chăng 3 nhân vật của Talk Vietnam chính một điểm nối giữa quá khứ và hiện tại?
Chính xác! Chính vì vậy Talk Vietnam lần này chúng tôi mới đặt tên là “Thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về và bước tiếp”. Họ đang dần xóa bỏ những định kiến về quá khứ và có sự quay trở lại vô cùng tích cực. Dù bố mẹ của họ, vẫn có người không cởi mở nhưng họ nhận ra rằng rõ ràng có nhiều cơ hội tại quê hương dành cho họ. Với một đất nước đang chuyển mình như Việt Nam thì họ có những thứ có thể đóng góp được vì họ là những người có chuyên môn. Chính vì thế, nhiều Việt kiều trẻ đã trở về Việt Nam và 3 nhân vật lần này là ba ví dụ tiêu biểu, dù nguồn gốc như thế nào thì vẫn tìm đường về với quê hương.
Vậy chương trình tạo ra sự kết nối thế nào giữa chính các nhân vật?
Sự kết nối mà chương trình muốn hướng tới ở đây là từ nguồn gốc của các nhân vật. Chúng tôi cũng chia chương trình ra thành 3 phần. Nói về chuyến trở về đầu tiên thì chương trình tập trung cho nhân vật David Dương khi anh về Phú Thọ; về những ngăn cản, khó khăn là câu chuyện của chị Quỳnh Phạm và hướng về tương lai là anh Minh Đỗ. Mỗi nhân vật được nói đến ở từng phân đoạn nhất định nhưng vẫn có sự đan xen, hài hòa trong các câu chuyện của họ.
Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!
Chương trình Talk Vietnam sẽ được phát sóng vào 11h15 trên kênh VTV4. Mời quý vị khán giả chú ý đón xem!