Sứ mệnh báo chí truyền thống trong kỷ nguyên số

Thu Hằng - Tuấn Dương -Chủ nhật, ngày 27/10/2013 00:22 GMT+7

 1/3 dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong đó hàng triệu người có trang mạng xã hội facebook, twitter. Thực tế này đang tác động như thế nào đến báo chí truyền thống? Và báo chí truyền thống cần làm gì để phục vụ khán giả thời đại số tốt hơn?

Câu hỏi như thế này đã được thảo luận tại diễn đàn các nhà báo kỳ cựu đến từ các nước châu Á - Thái Bình Dương, một hoạt động quan trọng bên lề Đại hội đồng Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương do Đài THVN đăng cai tổ chức.

Phải "hợp tác" với công chúng, đó là điều mà đài NHK đã xác định. Công chúng ngày nay không còn là người xem, người nghe thụ động như trước.

Chuyên gia đến từ CH Ireland thậm chí còn cho rằng, công chúng bây giờ là một phần của phòng tin. Họ tác động vào những gì được phát sóng, bởi truyền thông đại chúng phải dõi theo mối quan tâm chung của công luận. Nhưng điều đó không có nghĩa những blogger, những người dùng facebook hay twitter cũng đồng nghĩa với nhà báo.

Ông Aidan White, Giám đốc Mạng lưới Đạo đức báo chí cho rằng:"Trên facebook, ai cũng có thể nói bất cứ thứ gì mình muốn, bằng cách nào cũng được, thậm chí là khiêu khích. Họ không phải xin lỗi, cũng không cần nghĩ là mình đang làm tổn thương ai đó. Nhưng báo chí thì không vậy. Chúng ta có những nguyên tắc, có những giá trị của mình, đó là tôn trọng sự chính xác, sự công bằng, tính nhân văn, chúng ta cũng biết xin lỗi nếu làm gì sai. Điều đó khiến báo chí khác hoàn toàn với các mạng xã hội".

Bà Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Thanh thiếu niên VTV6 chia sẻ:"Trên các diễn đàn, các trang mạng có rất nhiều luồng thông tin mang tính cảm xúc, cá nhân thì càng cần báo chí truyền thống. Nó sẽ giúp người dân có được những thông tin chính thống, được kiểm chứng, để biết đâu là sự thật, đâu là ý kiến cá nhân".

Báo chí truyền thống vẫn có chỗ đứng quan trọng trong xã hội, nhưng mối quan hệ giữa báo chí và công chúng thời đại số đã và đang thay đổi – hai bên cần phải hợp tác với nhau và tôn trọng lẫn nhau, theo đại diện của Australia.

Bà Deborah Steele, Tổng biên tập Trung tâm tin tức châu Á - Thái Bình Dương, Đài ABC News, Australia cho biết: "Công chúng cần phải tôn trọng công việc của nhà báo, đó là mang lại thông tin. Mặt khác nhà báo cũng phải đáp ứng những nhu cầu của khán giả, nếu không họ sẽ tắt TV. Cùng lúc, trong quá trình hợp tác với công chúng, nhà báo cũng cần thỏa thuận với họ theo kiểu: chúng tôi sẽ không cho phép những bình luận vô trách nhiệm, chúng tôi muốn phân biệt rạch ròi giữa ý kiến và sự kiện".

"Hợp tác - Tôn trọng - Minh bạch - Tin cậy - Nhân văn" hơn bao giờ hết, những yếu tố này vô cùng quan trọng đối với các nhà báo trong quá trình phục vụ khán giả thời đại số ngày nay.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước