“Siêu thủ lĩnh”: Hành trình đi tìm nhà lãnh đạo trẻ tài năng

NT, Ảnh: VTV6-Thứ hai, ngày 23/09/2013 11:06 GMT+7

 Với format hấp dẫn, “Siêu thủ lĩnh” trên VTV6 hứa hẹn sẽ là sân chơi bổ ích và là cuộc hành trình thú vị để tìm kiếm những nhà lãnh đạo trẻ tài năng.

Sân chơi truyền hình thực tế đầu tiên dành cho những nhà lãnh đạo trẻ

Lên sóng VTV6 mùa đầu tiên vào năm 2012, Siêu thủ lĩnh lúc bấy giờ còn có tên gọi là Tuổi trẻ và Tổ quốc. Chương trình kết hợp giữa định dạng trò chơi truyền hình, phóng sự, truyền hình thực tế đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ trên cả nước tham dự. Đây cũng là cuộc thi truyền hình thực tế đầu tiên về những người lãnh đạo trẻ ở Việt Nam có những đóng góp cho xã hội và cộng đồng.

Thay vì hàng ngày những người trẻ quan tâm đến những thông tin thiếu định hướng có giá trị “ảo”, thực dụng như: sao đi xe gì, mặc gì, ăn gì… thì Siêu thủ lĩnh sẽ mang đến thông điệp ý nghĩa về giá trị sống tích cực và truyền cảm hứng tiến bộ hơn cho thế hệ trẻ. Qua đó, người trẻ có thể học tập khi nhìn thấy những hình mẫu sống có lý tưởng, năng động, nhiệt huyết và đam mê cống hiến cho đất nước phát triển.

‘ Thí sinh đang thuyết trình về tác phẩm trong Bảo tàng Dân tộc học

Nhóm đồng hành cùng cuộc thi bao gồm: ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược FPT, nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban Thanh thiếu niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Bích Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng CECEM. Năm ngoái, sau 4 vòng thi và 16 tập phát sóng, Tuổi trẻ và Tổ quốc đã tìm ra người chiến thắng thuộc về chàng trai Nguyễn Ngọc Giao sinh năm 1990, có tham vọng “biến” người nông dân trồng café thành doanh nhân café.

Tuy nhiên, sau sự thành công của năm đầu tiên lên sóng, những người thực hiện chương trình Tuổi trẻ và Tổ quốc vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được bởi họ mong muốn cuộc thi sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, đến gần với công chúng hơn và quyết định đổi tên thành Siêu thủ lĩnh. Nếu như Tuổi trẻ và Tổ quốc có sự kết hợp giữa thí sinh và dự án xã hội thì Siêu thủ lĩnh 2013 sẽ tập trung nhiều hơn vào các thí sinh, đặc biệt là tố chất lãnh đạo của họ.

Những nhà lãnh đạo trẻ đương đầu với thử thách

Từ hơn 500 hồ sơ, Ban tổ chức Siêu thủ lĩnh đã tuyển chọn được 70 thí sinh tranh tài. Tất cả phải trải qua 6 thử thách thực tế gồm: nấu cháo phát cho các bệnh nhân ở bệnh viện K, làm phim về sức khỏe an toàn tình dục, thiết kế bài học về môi trường cho trẻ em, tham gia trại hè rừng Cúc Phương, thiết kế một mô hình tổ khu phố mẫu cho phường Bồ Đề ở Long Biên, tổ chức triển lãm Văn hóa của mình, tổ chức sự kiện ở Học viện Báo chí và tuyên truyền… Mỗi thử thách có thời gian từ 5 đến 48 tiếng và chương trình sẽ loại dần thí sinh cho đến khi chỉ còn lại 2 đến 3 người xuất sắc nhất tham dự vào vòng chung kết Siêu thủ lĩnh 2013.

Mới đây nhất, ê-kíp sản xuất chương trình đã thực hiện ghi hình xong thử thách thực tế tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau khi thí sinh chụp ảnh chân dung và nói về lãnh đạo, nấu ăn, làm phim, thiết kế bài học môi trường, thiết kế tổ khu phố mẫu… thì triển lãm về câu chuyện qua ảnh là thử thách với 6 thí sinh xuất sắc nhất. Các thí sinh có nhiệm vụ trong 48 tiếng phải tổ chức một triển lãm mang tên “Văn hóa của mình - Góp hồn cho phố”. Thông qua những hình ảnh đặc sắc, triển lãm kể về những câu chuyện ý nghĩa với nét văn hóa tiêu biểu của người dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Đó là những tập quán, phong tục lâu đời mà họ vẫn giữ gìn, phát triển và làm đẹp thêm cho văn hóa thủ đô.

‘ Hai đội tham dự chương trình

Cụ thể, thí sinh sẽ chia làm 2 đội và mỗi đội sẽ có danh sách của 11 người dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ của các đội là trong vòng 4 tiếng phải gọi điện thuyết phục những người có trong danh sách đồng ý đến gặp, trò chuyện và chụp ảnh. Sau đó, thí sinh sàng lọc tất cả các ảnh và ghi lại câu chuyện mà họ mong muốn rồi cùng với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam duyệt những tấm ảnh nào được đăng ở triển lãm. Tiếp đó, thí sinh một ngày tiến hành công việc thiết kế và in sản phẩm.

Buổi triển lãm có sự tham gia của nhóm đồng hành, đại diện của Bảo tàng Dân tộc học và Viện nghiên cứu xã hội & môi trường. Thí sinh có 2 ngày triển lãm và đại diện Isee sẽ chọn ra một đội xuất sắc nhất in tác phẩm lên Tạp chí truyền hình, Đài THVN.

“Tuy hôm triển lãm trời bão nhưng khán giả đến rất đông và ấn tượng với triển lãm của cả 2 đội. Đó là những hình ảnh chất lượng tốt, câu chuyện hay, mới lạ, độc đáo và xúc động về người dân tộc thiểu số mà họ chưa biết. Khán giả Việt Nam và nước ngoài đều có chung cảm nhận là bất ngờ và thích thú” - BTV Nguyễn Anh Ngọc, phòng Nội dung 2, Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN cho biết.

‘ Một thử thách được diễn ra tại bảo tàng Dân tộc học

Thủ lĩnh và những khoảnh khắc rớt nước mắt

Điểm thú vị ở Siêu thủ lĩnh còn thể hiện rõ ràng tính cách, cảm xúc của các thí sinh trong từng tập, đặc biệt là quá trình họ ở cùng nhau trong ngôi nhà chung. Sau khi tham dự thử thách và bị loại khỏi cuộc chơi, thí sinh sẽ phải đối chất với nhóm đồng hành trong một căn phòng. Tại đó, những câu hỏi thật nhất như: bạn thấy ai là người yếu nhất, ai là người đáng bị loại?… thì thí sinh sẽ không ngại ngần mà nói thẳng quan điểm của mình.

Cụ thể tại phòng đối chất, nhiều tình huống bất ngờ đã xảy ra như thí sinh chia sẻ cảm xúc bị tổn thương bởi những người bạn có câu hỏi vô tư về người dân tộc thiểu số mà không biết rằng chính thí sinh đó cũng là người dân tộc Tày. Ngoài ra, Siêu thủ lĩnh còn là những khoảnh khắc rơi nước mắt khi thí sinh thấy mình thất bại hay chia sẻ câu chuyện bị kỳ thị trong suốt 10 năm đầu đời sống ở nước ngoài… Tuy nhiên, tất cả những cung bậc cảm xúc vui, buồn, phấn khích đều khiến các thí sinh hiểu nhau và phát triển tốt hơn.

‘ Tác phẩm của đội Xanh

Và để có được hình ảnh chân thật nhất về xúc cảm của thí sinh, những người thực hiện Siêu thủ lĩnh đã phải xử lý một bài toán khó về nguồn lực, máy móc và mất gần một năm để nghĩ ra format hấp dẫn. Nếu các chương trình truyền hình thực tế khác có ít nhất 2 máy quay cho một thí sinh thì ở Siêu thủ lĩnh với 4 máy quay họ đã hoàn thành một tập phát sóng. Điều này đồng nghĩa với việc, ê-kíp chương trình phải “lựa cơm gắp mắm” nhưng chất lượng và hiệu quả vẫn đáp ứng đủ tiêu chí đề ra.

Tiếp đó, việc tìm kiếm nội dung thử thách cũng là một vấn đề đau đầu, trăn trở của những người sản xuất chương trình. Bởi tham dự Siêu thủ lĩnh vốn đã là những nhà lãnh đạo trẻ có kinh nghiệm và sáng tạo. Vì vậy, các thử thách phải khiến họ hứng thú và cảm thấy bị cuốn hút bởi những trải nghiệm khác nhau đầy thú vị.

“Chúng tôi đã ghi hình liên tục được 14 số trong 2 tháng vừa qua (tất cả có 17 số phát sóng). Chúng tôi dồn công sức cho chương trình chỉ có mong muốn duy nhất là tạo cảm hứng cho những người trẻ ở Việt Nam. Thông qua Siêu thủ lĩnh, khán giả sẽ nhìn thấy những con người trẻ năng động, nhiệt huyết và có thể tự tin, góp phần thay đổi sự phát triển cho đất nước mình.

"Chúng tôi mong chờ và kỳ vọng sẽ có nhiều khán giả đón xem chương trình để thông điệp của Siêu thủ lĩnh có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Như vậy, lời nhắn về sự thay đổi đến từ giới trẻ sẽ được truyền đi sâu xa và thực sự có ý nghĩa hơn” - BTV Nguyễn Anh Ngọc nói.

Siêu thủ lĩnh đang phát sóng trên VTV6 vào 9h Chủ nhật hàng tuần. Mời quý vị chú ý đón xem!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước