Tập 7 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ trở lại đầy kịch tính với những màn đàm phán cân não, không hề nhún nhường giữa các Shark và startup. 2/3 startup gọi vốn thành công dù không "sành sỏi" về quản trị nhưng được nhà đầu tư đánh giá cao về đam mê sản phẩm.
Mở đầu tập 7 là lời mời chào đầu tư đến từ hai nhà khoa học Nguyễn Thế Anh và TS. Đỗ Hoàng Tùng với sản phẩm Plasma - công nghệ mới giúp cho vết thương lành nhanh.
Theo trình bày của hai nhà đồng sáng lập, công nghệ Plasma nhiệt độ thấp có tác dụng diệt khuẩn và kích thích quá trình liền thương. Sản phẩm này đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào ứng dụng, có hàng ngàn căn bệnh đã được điều trị, đặc biệt là rất tốt cho sản phụ. Nhà đồng sáng lập của Plasma Đỗ Hoàng Tùng cũng chính là Tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Y tế công nhận sáng chế Plasma.
Công ty Plasma Việt Nam được thành lập từ năm 2015 với 4 nhà đồng sáng lập. Với giá bán 700 triệu đồng/máy, hiện công ty chỉ mới chính thức bán được 2 chiếc, còn 12 chiếc đang trong giai đoạn ký kết với các bệnh viện. Đặc điểm của cỗ máy Plasma là có nguyên vật liệu tiêu hao, nên doanh số thu về chủ yếu đến từ nguyên vật liệu tiêu hao.
Theo báo cáo tài chính gần đây nhất, Plasma hiện đang lỗ 2,1 tỷ đồng, vốn điều lệ 5 tỷ đồng nhưng vốn thực góp để hoạt động trong suốt 2,5 năm vừa qua lên đến 30 tỷ đồng. Nếu kêu gọi thành công 17 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần từ nhà đầu tư tại Shark Tank, Plasma sẽ tập trung chi phí bán hàng và nghiên cứu sản phẩm mới. Nghe dự định của nhà sáng lập, Shark Dzung Nguyễn liền đưa ra nhận xét: "Mỗi năm anh tiêu từ 14 - 15 tỷ đồng, vậy thì 17 tỷ gọi được anh sẽ tiêu chỉ một năm". Ngay lập tức, Thế Anh bác bỏ điều này, nhà sáng lập khẳng định: "Plasma đã tát nước ra khỏi ao, giờ chỉ việc bắt cá".
Thế Anh thành thật cho biết, hơn 70 sản phẩm của Plasma đang được gửi cho các bệnh viện dùng thử miễn phí, còn khoảng 30 máy đang tồn kho đợi bán. Shark Việt bất ngờ lên tiếng khuyên startup nên đuổi việc kế toán trưởng và trưởng phòng kinh doanh đi vì tồn kho nhiều quá và việc cho các bệnh viện dùng thử miễn phí là đường chết của doanh nghiệp.
"Tôi thấy ở ngành y có thực trạng thế này! Thường các giáo sư, tiến sĩ và bác sĩ làm chuyên môn thì rất giỏi nhưng kinh doanh thì có vấn đề" - Shark Việt chia sẻ.
Đồng quan điểm, Shark Hưng dí dỏm nhận xét: "E rằng các bạn làm kinh doanh thì nhân loại sẽ mất đi một nhà khoa học giỏi và sẽ có một nhà kinh doanh tồi".
Không phủ nhận, Thế Anh mạnh dạn bày tỏ muốn nhận được sự giúp sức từ các nhà đầu tư. Startup cũng bày tỏ tham vọng muốn doanh số năm nay đạt được từ 15 – 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, rắc rối chưa dừng lại ở đó! Sau khi bị Shark Phú xoáy sâu vào vấn đề vốn chủ sở hữu và vốn vay, Thế Anh mới cho hay 4 nhà sáng lập chỉ góp 3 tỷ, còn 27 tỷ đồng đi vay từ một nhà đầu tư khác. Vì vậy, nhanh chóng nhận định y tế không phải là lĩnh vực thế mạnh, hai nhà đầu tư Thái Vân Linh và Dzung Nguyễn là những người đầu tiên đưa ra lời từ chối.
Shark Phú đưa ra lời đề nghị tương đối chắc chắn, sẽ đầu tư 17 tỷ đồng cho 30% dưới dạng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 10%/năm, sau 2 năm đạt KPI sẽ chuyển thành cổ phần.
Đánh giá Plasma là ứng dụng mới và mang tính ứng dụng cao, Shark Hưng và Shark Việt quyết định cùng nhập cuộc với lời đề nghị đầu tư 17 tỷ cho 20% cổ phần, kèm điều kiện nhà đầu tư sẽ giải ngân trước 6 tỷ đồng, nếu đạt KPI sẽ tiếp tục giải ngân. Riêng Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng phải nắm giữ 51% cổ phần Plasma và trong 3 năm các nhà sáng lập không được exit.
Trước lời đề nghị của Shark, Thế Anh và Hoàng Tùng xin phép có thời gian bàn bạc với các cổ đông khác. Sau màn thương thuyết "giằng co" căng thẳng, cuối cùng, kết thúc viên mãn đã diễn ra với cái gật đầu của hai nhà đồng sáng lập Plasma Việt Nam. Sự gia nhập của hai nhà đầu tư Shark Hưng và Shark Việt đã mở ra cơ hội để Plasma Việt Nam có thể phát huy những tiềm năng của công nghệ mới, đầy tính ứng dụng này rộng rãi hơn, góp phần nâng cao chất lượng nền y tế nước nhà.
Mời quý vị đón xem các màn thương thuyết tiếp theo của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 phát sóng vào 20h30 thứ Tư hàng tuần trên kênh VTV3!