Robocon Việt Nam 2019: Hãy chú ý đến sự ổn định của robot

P.L-Thứ ba, ngày 02/04/2019 11:11 GMT+7

Các đội tuyển cần lưu ý gì tại cuộc thi Robocon năm nay?

VTV.vn - Theo Trưởng Ban Giám khảo của vòng loại Robocon Việt Nam 2019 phía Bắc, các đội tuyển cần lưu ý đến độ ổn định của robot thay vì đẩy nhanh về mặt tốc độ.

Vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam 2019 đã bắt đầu. Tại khu vực phía Bắc, vòng đấu quy tụ 43 đội tuyển đến từ các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật vốn gắn bó với sân chơi Robocon từ lâu như Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Sao Đỏ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Hà Nội…hay những trường lần đầu tham gia như Đại học Phenikaa và Đại học Xây dựng. Các đội được chia thành 11 bảng, trong đó có 1 bảng gồm 3 đội và 10 bảng còn lại gồm 4 đội mỗi bảng.

Để hiểu rõ hơn về cuộc thi và giúp các đội tuyển có những lời khuyên mang tính chuyên môn cao, phóng viên Báo điện tử VTV News đã có buổi phỏng vấn với Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ Truyền hình, Đài THVN - Trưởng Ban Giám khảo vòng loại Robocon Việt Nam 2019 khu vực phía Bắc.

Robocon Việt Nam 2019: Hãy chú ý đến sự ổn định của robot  - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng - Trưởng Ban Giám khảo vòng loại Robocon Việt Nam 2019 khu vực phía Bắc

Chào Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng, ông có nhận xét gì về chủ đề luật thi năm nay? Theo ông, đâu là những khó khăn đối với các đội tuyển trong việc chế tạo robot và lên chiến thuật tại cuộc thi Robocon 2019?

Chủ đề của cuộc thi ABU Robocon 2019 là "Chia sẻ kiến thức", lấy ý tưởng từ phát minh về hệ thống truyền tin kết nối của người Mông Cổ và trò chơi dân gian của Mông Cổ. Đây là chủ đề khá hay về mặt văn hóa, giúp khán giả hiểu biết thêm về văn hoá Mông Cổ. Tuy nhiên, đây cũng là đề thi khó, tạo nhiều thách thức cho các đội thi.

Theo luật thi năm nay, mỗi đội có 2 robot gồm Robot MR1 (điều khiển bằng tay hoặc tự động) và Robot điều khiển tự động MR2. Số lượng và chủng loại robot thì tương tự như năm ngoái và các năm trước đây.

Tất cả các cuộc thi Robocon trước đây (kể từ cuộc thi Robocon đầu tiên năm 2002) đều cho phép các robot được di chuyển bằng các bánh xe. Tuy nhiên, đề thi năm nay lại yêu cầu Robot tự động MR2 phải di chuyển bằng 4 chân như động vật. Ngoài ra, MR2 còn phải thực hiện động tác khó gồm leo qua bục gỗ (tượng trưng cho đụn cát) và đi qua dây (tượng trưng cho đụn cỏ). Do đó, có thể nói năm nay, việc chế tạo Robot MR1 di chuyển bằng bánh xe thì tương tự như các năm trước, tuy nhiên, do Robot MR2 có cơ cấu di chuyển bằng 4 chân độc lập như động vật cùng với thực hiện các nhiệm vụ như nói ở trên thì năm nay, việc thiết kế chế tạo robot tự động khó khăn hơn nhiều so với các năm trước đây.

Chính vì lẽ đó, năm nay, số lượng các đội đăng ký tham gia vòng loại miền Bắc có giảm đi, đặc biệt là vắng bóng nhiều trường Cao đẳng. Vòng loại cuộc thi phía Bắc năm nay chỉ có 1 trường Cao đẳng tham gia là Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, số lượng đội tuyển Robocon của các trường Đại học chiếm đa số (40/43 đội). Các trường có truyền thống về Robocon như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng yên, Đại học Sao Đỏ, Đại học Giao thông Vận tải... vẫn tham gia. Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có 3 đội tham gia và xuất hiện 1 trường mới tham gia lần đầu đó là Đại học Phenikaa.

Robocon Việt Nam 2019: Hãy chú ý đến sự ổn định của robot  - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Tùng giải đáp thắc mắc của các đội tuyển tại buổi bốc thăm chia bảng ngày 30/3

Một số khó khăn mà các đội tuyển cần lưu ý năm nay là:

- Vấn đề cân bằng của Robot MR2 khi di chuyển: do di chuyển bằng 4 chân nên robot rất dễ bị chệch hướng hay bị đổ ngã.

- Tốc độ di chuyển: do di chuyển bằng 4 chân nên tốc độ di chuyển không thể nhanh được như bánh xe nên chọn lựa giải pháp tăng tốc độ di chuyển của robot khá khó khăn.

- Giải pháp vượt qua chướng ngại vật: robot phải leo qua bục gỗ và trèo qua dây nên dễ bị chệch hướng và bị hạn chế tốc độ di chuyển, do đó, cần phải có giải pháp nhận diện đường đi và vượt qua các chướng ngại vật.

Một trong những điểm khác biệt của cuộc thi năm nay là Ban Tổ chức đã tới tận trường, tận khu vực chế tạo và luyện tập robot của các đội tuyển để khảo sát, tư vấn và tổ chức các buổi livestream giải đáp trực tuyến thắc mắc của các đội tuyển. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của những hoạt động này?

Có thể nói, các hoạt động này mang lại hiệu quả rất cao. Ban Tổ chức và Điều hành thi đấu nhận được phản hồi rất tốt từ phía các trường, các đội tuyển Robocon và các khán giả tham gia các buổi livestream về các hoạt động hỗ trợ này. Cụ thể hơn là:

Đối với hoạt động hỗ trợ trực tiếp các đội tuyển Robocon tại các trường, như các năm trước đây, các đội tuyển thi đấu phải gửi câu hỏi qua email hay website chính thức của Robocon các thắc mắc về cuộc thi. Việc này mất nhiều thời gian để nhận và trả lời câu hỏi, qua đó ảnh hưởng tới việc chế tạo robot của các đội. Năm nay, Tiểu ban Điều hành thi đấu phối hợp với Ban Tổ chức xuống tận các trường để giải đáp thắc mắc trực tiếp cho các đội tuyển về luật thi và các nhiệm vụ trong quá trình thi đấu, tư vấn giải đáp thắc mắc về cơ cấu chuyển động của robot, trao nhận Gerege… Điều này đã giúp các đội tuyển nhanh chóng được giải đáp các thắc mắc, rút ngắn quá trình chế tạo robot, tránh được các lỗi mắc phải trong cuộc thi do hiểu khác về luật thi.

Đối với livestream trực tuyến, một số lợi ích mang lại có thể thấy rõ như:

- Với các đội tuyển mà Tiểu Ban điều hành thi đấu không có điều kiện xuống trường để giải đáp thắc mắc thì các bạn đã đặt câu hỏi trực tiếp qua các buổi livestream trực tuyến. Việc này đã nhanh chóng giúp các đội tuyển, người xem hiểu thêm về luật thi, tránh được các lỗi mắc phải trong thi đấu.

- Cho phép các đội tuyển, các sinh viên và khán giả yêu thích Robocon giao lưu, hỏi trực tiếp Tiểu ban Điều hành thi đấu các câu hỏi, thắc mắc về luật thi, về tiến trình thi đấu, vật liệu, linh kiện, quá trình chế tạo robot...

- Cho phép các đội tuyển có thể xem trên các nền tảng Internet và trên các thiết bị thông minh, theo dõi và xem lại bất kỳ lúc nào các câu hỏi và câu trả lời của các buổi livestream.

Qua buổi giải đáp thắc mắc dành cho các đội tuyển, ông nhận thấy đâu là những vấn đề các đội tuyển quan tâm nhất tại vòng loại khu vực?

Khác với mọi năm, buổi giải đáp thắc mắc ngày 30/3 không có nhiều câu hỏi vì chúng tôi đã xuống tận trường giải đáp cũng như thực hiện giải đáp qua các buổi livestream. Điều này cũng lại khẳng định thành công của các hoạt động hỗ trợ trực tiếp tại trường và qua buổi livestream.

Vấn đề các đội quan tâm nhất vẫn là chuyển động của robot tự động sao cho đúng với luật thi. Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng quay tâm nhiều đến vấn đề về cách thức ghi điểm và tính điểm cho các Shagai do Robot MR1 ném trong quá trình thi đấu.

Ban Tổ chức và Tiểu ban Điều hành thi đấu có những lưu ý gì dành cho các đội tuyển tại vòng loại cuộc thi, thưa ông?

Các đội tuyển cần lưu ý đến độ ổn định của Robot qua các bài thi. Các bạn không nên "đẩy nhanh" về mặt tốc độ mà cần đảm bảo robot hoạt động ổn định, thực hiện chính xác các nhiệm vụ.

Chúc các bạn thi đấu thành công, hoàn thành chính xác các nhiệm vụ của đề thi và giành được chiến thắng tuyệt đối Uukhai!

Cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước