PV Vũ Em: Giọt nước mắt của nạn nhân thôi thúc ê-kíp vạch trần phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền”

Lan Chi-Thứ sáu, ngày 23/06/2023 14:54 GMT+7

VTV.vn - Chia sẻ về loạt phóng sự vừa đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia, phóng viên Vũ Em đã tiết lộ nhiều câu chuyện hậu trường khó quên.

Giải Báo chí quốc gia luôn là giải thưởng cao quý và là niềm vinh dự dành cho đội ngũ những người làm báo. Tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022, loạt 3 bài Nhức nhối nạn phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" (thể loại Tin, Phóng sự, ký sự) của nhóm tác giả: Trần Vũ Em (Vũ Em), Trần Văn Cường (Văn Cường), Nguyễn Minh Quân (Minh Quân), Tạ Thị Hậu (Tạ Hậu) - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài THVN đã được trao giải C. Các tác phẩm đều được phát sóng trong bản tin Chuyển động 24h vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022.

Chia sẻ về niềm vui này, phóng viên Vũ Em nói, anh và các đồng nghiệp rất bất ngờ và vui mừng vì các tác phẩm đã được ghi nhận và vinh danh. Vũ Em chia sẻ, khi bắt tay thực hiện loạt phóng sự này, cả ê-kíp không nghĩ vì mục đích được giải mà điều quan trọng là muốn phản ánh những tồn tại để được giải quyết triệt để, nhất là những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.

"Khi nhận được thông báo tác phẩm đoạt giải, nhóm phóng viên chúng tôi cảm thấy được động viên rất lớn. Giải thưởng này chắc chắn là cột mốc và là động lực lớn cho ê-kíp trong chặng đường làm nghề sau này" - Vũ Em thay mặt ê-kíp bày tỏ.

Với cá nhân Vũ Em, đây là lần đầu tiên anh được vinh dự nhận Giải Báo chí quốc gia. Vũ Em cho rằng đây là giải thưởng lớn mà bất kỳ nhà báo nào làm nghề cũng cảm thấy hạnh phúc khi gửi tác phẩm dự thi và đoạt được giải thưởng. Tiết lộ về xuất phát điểm thực hiện loạt phóng sự, Vũ Em cho hay đề tài về phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" không phải lần đầu thực hiện và cũng đã được nhiều đồng nghiệp phản ánh trước đó.

"Tôi cũng rất đắn đo khi thực hiện loạt phóng sự điều tra này. Tuy nhiên, chúng tôi có nhận được tâm thư của các nạn nhân là những công nhân có đồng lương ít ỏi, có bệnh thì ‘vái tứ phương’ nhưng chẳng may bị các phòng khám ‘vẽ bệnh’ - từ không có bệnh thành có bệnh, rồi mang nợ vì chi phí điều trị quá lớn mà không khỏi. Các nạn nhân rất bức xúc và ấm ức rơi nước mắt. Tôi rất xót thương cho họ và cảm thấy cần hành động. Giọt nước mắt ấy đã thôi thúc tôi bàn bạc với ê-kíp, xin ý kiến lãnh đạo cơ quan và quyết định một lần nữa phải vào cuộc" - Vũ Em kể.

Để hoàn thành loạt phóng sự này, cả ê-kíp đã lăn xả suốt 2 tháng trời. Theo phóng viên Vũ Em, đây là vệt phóng sự kỳ công vì cùng lúc có hai nhóm phóng viên tham nhập vào hai phòng khám để ghi hình những bằng chứng "vẽ bệnh, moi tiền". Bên cạnh đó, để có thể giải quyết triệt để vấn nạn này, nhóm phóng viên phải còn phối hợp thông tin với các cơ quan chức năng để phát hiện quả tang hành vi sai phạm của các phòng khám này. Từ đó, các phòng khám đã bị đóng cửa hoàn toàn.

Trong các phóng sự đã được phát sóng, các phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" đều đã bị rút giấy phép hoạt động nhưng vẫn bất chấp pháp luật để thực hiện việc thăm khám cho bệnh nhân. Lợi dụng những bệnh nhân có dấu hiệu bị mắc các căn bệnh tế nhị, khó nói đến thăm khám, những nhân viên của các phòng khám đã "vẽ" ra bệnh để thuyết phục bệnh nhân phải điều trị với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Nhiều người không may mắn đã trở thành nạn nhân của các phòng khám này.

Vấn đề này cũng được phản ánh nhiều trên báo chí vậy nên điều trở ngại đầu tiên của ê-kíp khi thực hiện loạt phóng sự này là sự cảnh giác của các phòng khám. Thêm vào đó, theo phóng viên Vũ Em, vì các phòng khám đều hoạt động không phép nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. "Tôi khá lo lắng về nguy cơ mình và ê-kíp lây nhiễm bệnh khi phải nhập vai bệnh nhân đến khám và điều trị những căn bệnh nhạy cảm, khó nói. Điều đáng ngại nữa là những người bệnh trước đó đều phản ánh nhân viên phòng khám có thể thực hiện luôn các tiểu phẫu mà không hề hỏi ý kiến, không hề báo trước. Điều này đồng nghĩa nhóm phóng viên có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào" - Vũ Em chia sẻ.

Hình ảnh trong phóng sự được phát sóng trên Chuyển động 24h

Nhiều trở ngại là vậy nhưng cả ê-kíp đều có sự tính toán, bàn bạc rất kỹ để biết cách đảm bảo an toàn cho chính mình. Khi nhập vai bệnh nhân, các phóng viên đều bị lấy máu để xét nghiệm rồi được đưa vào phòng khám các bệnh nam khoa. Vũ Em cho biết dù các phóng viên trong vai bệnh nhân đều khỏe mạnh nhưng phòng khám lại kết luận mắc các căn bệnh nguy hiểm như: ung thư, viêm tuyến tiền liệt, thậm chí bị dọa vô sinh nếu không điều trị kịp thời.

Việc giả làm bệnh nhân để thu thập bằng chứng và không bị nhân viên của các phòng khám này phát hiện khi ra - vào liên tục chính là điều khiến nhóm phóng viên phải "cân não". Vũ Em kể: "Các nhân viên phòng khám dẫn chúng tôi vào các phòng phẫu thuật, tiểu phẫu rồi ra sức dọa bệnh nặng cần tiêm truyền để điều trị và bắt phải đóng tiền. Trong tình huống này, các phóng viên hết sức ‘cân não’ để vừa ghi hình vừa tránh bị lộ. Điều lo lắng nhất là khu vực này chỉ một người được vào nên chúng tôi cũng tính toán rất kỹ để đảm bảo an toàn cho bản thân".

Sau khi đã nắm được đầy đủ bằng chứng sai phạm của các phòng khám, khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, ê-kíp cũng bí mật ghi lại hình ảnh ngay tại phòng khám lúc đó. Phóng viên Vũ Em tiết lộ, khi ấy, những thành viên khác trong ê-kíp cũng tiếp tục đóng vai bệnh nhân để có thể ghi lại hình ảnh nhân viên phòng khám đưa các bệnh nhân ra ngoài bằng lối cầu thang bộ. "Nhập vai rồi mới thấy xót xa cho các bệnh nhân đã bị những phòng khám này ‘làm tiền’ trên sức khỏe ra sao" - Vũ Em tâm sự.

Để ghi được những hình ảnh đắt, làm bằng chứng xác đáng vạch trần chiêu thức "làm tiền" của các phòng khám này, nhóm phóng viên phải giấu kín máy quay. Bởi thế, độ căng thẳng cũng nhân lên gấp đôi khi vừa phải giữ an toàn cho bản thân vừa có được những góc máy chuẩn. Điều này không hề dễ dàng với các quay phim.

Ghi lại toàn bộ quy trình thăm khám tại các cơ sở này nhưng có nhiều hình ảnh không thể đưa lên sóng bởi yếu tố nhạy cảm và phải bảo mật thông tin cá nhân của những người tới khám bệnh. Vũ Em chia sẻ, trong một số cảnh quay, khi phóng viên vào vai bệnh nhân, quay phim phải lựa góc máy tránh lọt những hình ảnh nhạy cảm ở tình huống phóng viên bị ép thực hiện các thủ thuật ở phòng khám. Song, điều quan trọng nhất với quay phim vẫn là đảm bảo tính xác thực trong từng khuôn hình.

Là phóng viên chuyên trách lĩnh vực y tế, không chuyên về điều tra, tuy nhiên, Vũ Em đã được đào tạo kỹ năng điều tra cũng như học hỏi từ các đồng nghiệp và dần được trau dồi trong quá trình làm nghề. Thực hiện loạt phóng sự này, cả Vũ Em và các đồng nghiệp đều hiểu rằng phải tìm cách ghi được những hình ảnh sắc nét và chân thực nhất, không được tác động vào sự thật. Thêm vào đó, ê-kíp cũng cần bình tĩnh và biết điểm dừng phù hợp để đảm bảo an toàn.

"Mỗi tình huống điều tra, chúng tôi lại có cách xử lý khác nhau. Từ những lần dấn thân như thế này cũng mang lại cho các phóng viên chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất của phóng sự điều tra chính là sự thật khách quan" - Vũ Em bày tỏ.

Sau khi loạt phóng sự này lên sóng Chuyển động 24h, dư luận đều bức xúc về hành vi vi phạm của các phòng khám. Các phòng khám này và những phòng khám khác có hành vi tương tự sau đó cũng bị lực lượng chức năng xử lý triệt để. Vạch trần được những điều khuất tất của các phòng khám cũng là cách để lấy lại công bằng cho những người bệnh đã bị mất tiền oan và từng là nạn nhân của các phòng khám ấy.

Với giải C Giải Báo chí quốc gia cho thể loại Tin, phóng sự, ký sự truyền hình, niềm vui của cả ê-kíp là loạt phóng sự đã được lan tỏa cũng như sự ghi nhận của Hội đồng Giải dành cho các tác phẩm. "Đây chắc chắn là một cột mốc, động lực để làm nghề. Nghề báo có những khó khăn, áp lực, những chông gai mà mỗi người đều trải qua hàng ngày nhưng khi nhìn lại cũng có những quả ngọt, những điều ý nghĩa cho cộng đồng để có thêm sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ" - Vũ Em chia sẻ.

Theo Vũ Em, có được giải thưởng lần này là cả một nỗ lực, sự góp sức của mỗi thành viên trong ê-kíp. Giải thưởng chắc chắn sẽ tạo thêm động lực để anh và các đồng nghiệp tiếp tục theo đuổi những giá trị cao đẹp của nghề báo trong từng tác phẩm dù lớn hay nhỏ. "Truyền hình là sản phẩm của tập thể nên sự thành công của tác phẩm không gì nằm ngoài sự đóng góp rất lớn của từng thành viên" - Vũ Em bộc bạch.

TP Hồ Chí Minh: Phối hợp xử lý triệt tiêu nạn 'vẽ bệnh moi tiền' TP Hồ Chí Minh: Phối hợp xử lý triệt tiêu nạn "vẽ bệnh moi tiền" Công an TP Hồ Chí Minh buộc xuất cảnh hai người nước ngoài liên quan phòng khám 'vẽ bệnh' Công an TP Hồ Chí Minh buộc xuất cảnh hai người nước ngoài liên quan phòng khám "vẽ bệnh" Nhức nhối nạn phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” Nhức nhối nạn phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước