Không cần phải đến ngày mùng 8-3, người dân thủ đô vẫn có thể bắt gặp con phố mang cái tên đặc biệt này tại góc đường của Hà Nội. Từ năm 2010, con phố này đã được đặt là 8-3 nhằm tưởng nhớ một thời đã qua của nhà máy sản xuất công nghiệp lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ - Nhà máy dệt 8-3.
Vào năm 1960, nhà máy dệt 8-3 đã chính thức được khởi công xây dựng. Sau 5 năm, nhà máy đã được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 8-3-1965 nhằm kỉ niệm ngày Quốc tế phụ nữ. Cho đến tận ngày nay, mặc dù đã không còn hoạt động, nhà máy dệt 8-3 vẫn là một kí ức đẹp, một kỉ niệm không thể quên của những người công nhân tại đây.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy dệt 8-3 nhân dịp chuẩn bị khánh thành vào ngày 8/3/1965.
Cứ đến ngày Quốc tế phụ nữ hàng năm, những cựu công nhân lại tụ họp cùng nhau, dựng rạp tổ chức văn nghệ đón mừng ngày đặc biệt này. Chẳng ai bảo ai, các cán bộ công nhân viên đã về hưu từng làm việc tại nhà máy dệt lại có mặt dưới sân khu tập thể 8-3. Mỗi người một việc, họ tạo nên một ngày hội của riêng mình, một ngày của phụ nữ nhà máy dệt 8-3. Đối với họ, đây là dịp để ôn lại những kỉ niệm của một thời tuổi trẻ gắn bó với nhà máy dệt năm xưa, đó chính là năm tháng của những nữ công nhân vừa hăng say làm việc vừa chiến đấu trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh.
Hội những nữ công nhân hưu trí tại nhà máy dệt 8-3 tụ tập cùng ôn lại kỉ niệm xưa.
"Mặc dù đi làm nhưng mỗi người vẫn phải mang theo một mũ rơm và một khẩu súng. Mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động, các dân quân tình vệ ngay lập tức đội mũ rơm, đeo súng chạy lên nóc nhà. Trong khi đó, công nhân nữ sẽ ở lại chờ đèn báo hiệu để di chuyển xuống hầm thông gió tránh bom. Có những lúc ngồi chờ trong hầm, các chị em nói chuyện với nhau: Nếu như bom ném trúng nhà máy, chúng ta dù chết ở đây thì cũng chẳng ai tìm thấy được", bà Nguyễn Thị Thúy – một người công nhân đã từng làm việc tại nhà máy dệt 8-3 từ những ngày đầu tiên thành lập năm 1960 – hồi tưởng lại.
Trong thời kì đất nước còn loạn lạc, nhà máy hoạt động còn khó khăn, những nữ công nhân vẫn chưa lúc nào ngừng yêu đời, yêu nghề. Đối với họ, được làm việc là một niềm vui, giúp họ luôn cảm thấy có ích cho xã hội và đất nước. Nói thêm về những năm tháng xưa cũ, bà Thúy chia sẻ: "Khi mới khánh thành, nhà máy mới chỉ có 4 máy sợi và 100 máy dệt, công nhân tay nghề còn non nớt nhưng vẫn phải làm việc. Mặc dù vậy, tình đoàn kết giữa mọi người trong nhà máy vô cùng gắn bó, tình đoàn kết còn tăng cao hơn khi đất nước kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ".
Bà Nguyễn Thị Thúy - cựu công nhân nhà máy dệt 8-3.
"Trước đây, công nhân nam sẽ làm nhiệm vụ sửa máy nhưng kể từ sau khi họ ra chiến trường, chúng tôi – những người công nhân nữ - ở lại nhà máy làm toàn bộ phần việc vốn trước đây của cánh đàn ông. Cón nhiều khó khăn hơn thế nữa, nhưng nghĩ về miền Nam ruột thịt, tất cả chúng tôi đều đồng lòng cố gắng và làm việc hăng say hơn nữa", bà Thúy nghẹn ngào kể lại.
Cuộc sống của thời kì ấy chẳng có cơm ngon, áo đẹp như thời đại ngày nay, thế nhưng tinh thần và tình yêu nước nồng nàn dường như đã trở thành một nguồn năng lượng dồi dào cho những nữ công nhân nhà máy để tiếp tục sống một cuộc đời tràn đầy tiếng cười. Những ngày vàng son của nhà máy dệt 8-3 đã qua đi, nhưng điều đó có lẽ vẫn không làm phai đi kỉ niệm và những công lao của nhóm người lao động để lại cho chúng ta ngày nay.
Khán giả có thể nghe thêm những chia sẻ, tâm sự của những nữ công nhân hưu trí trong phóng sự "Ký ức của những nữ công nhân nhà máy dệt 8-3", phát sóng vào 21h ngày 7/3 trong bản tin thời sự tiếng việt VTV4.
Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!