Phim về đề tài nông thôn: Chất chứa những nỗi niềm

Linh Quy-Thứ năm, ngày 06/03/2014 09:36 GMT+7

“Ông Phần nông thôn” đã có nhiều chia sẻ cũng như những nỗi niềm, trăn trở với dòng phim nông thôn hiện nay.

Tiếp nối câu chuyện 6 năm về trước, Làng ma – 10 năm sau dễ khiến người ta nghĩ đến sự ăn theo và khó tránh khỏi bị đặt lên bàn cân so sánh với Ma làng, ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra, kịch bản Làng ma – 10 năm sau có thể dựng thành một bộ phim hoàn toàn mới, không cần phải liên quan với Ma làng bởi hai phim có hai câu chuyện rất khác nhau. Nhưng tôi vẫn chọn Ma làng vì tôi muốn những bộ phim về nông thôn của tôi có sự liên kết với nhau.

Kể cả khi Làng ma – 10 năm sau không được người xem đánh giá cao như Ma làng thì tôi vẫn thành công khi đã nối tiếp số phận của những người nông dân cùng cực, đến bao giờ mới hết trắc trở đây? Điều tôi muốn nhấn mạnh là những vấn đề nhức nhối đã và đang được xã hội quan tâm, chứ không đơn thuần đưa ra một câu chuyện giải trí dễ dãi, tầm phào.

Từng có kinh nghiệm với Ma làng phần 1 và dòng phim nông thôn nói chung, ông hẳn gặp nhiều thuận lợi khi thực hiện Làng ma – 10 năm sau?

Ngoài kinh nghiệm và kiến thức thực tế có được sau nhiều năm làm nghề, thành công của Ma làng cũng giúp tôi và ê-kíp làm phim dễ dàng tiếp cận với Làng ma – 10 năm sau về cách thức thực hiện cũng như tiến hành. Đơn giản nhất là khi chúng tôi trở lại quay tại xã Lương Sơn – Hòa Bình, bà con và chính quyền tại đó đã coi chúng tôi như người nhà, họ tận tình giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong quá trình làm phim.

Tôi ấp ủ ý tưởng làm tiếp phần 2 của Ma làng từ khá lâu và đã hoàn thành kịch bản từ cách đây hai năm. Tuy nhiên, việc đưa phim vào sản xuất gặp một số khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư.

Trước khi đến với nhà sản xuất hiện tại, tôi làm việc với một nhà đầu tư có tiền nhưng không biết cách làm phim nên dự án bị đứt gánh giữa đường. Nhờ vậy mà tôi có thời gian chỉnh sửa, chăm chút cho bộ phim nhiều hơn.

Tôi viết kịch bản này trước khi xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn, trong kịch bản cũng có một vụ chống đối tương tự. Khi sự việc xảy ra, tôi quyết định bỏ đi câu chuyện đó, vì tôi muốn tránh việc bộ phim bị coi là cóp nhặt chuyện ở ngoài vào.

Làng ma – 10 năm sau có quá nhiều diễn viên, chỉ tính những nhân vật có tên đã lên đến con số 70, chưa kể đến các diễn viên quần chúng, do đó việc quản lí sản xuất là vô cùng khó khăn. Ngoài ra, khâu tìm bối cảnh cũng không gặp suôn sẻ như trước kia.

Năm 2013, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và sự đổ vỡ thị trường bất động sản nên để tìm được những bối cảnh như khu đất đang quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án… là không hề dễ dàng.

Hay ở phần 1, có xuất hiện hình ảnh một cây đa cổ kính rất đẹp, nhưng sau đó nó được công nhận là cây đa di sản và người ta gắn một chiếc biển công nhận vào giữa cây, nên đến phần 2, chúng tôi đã không thể tận dụng được nữa.

Thành công của Ma làng, Gió làng Kình, Đất và người… và giờ là Làng ma – 10 năm sau, đủ cho thấy sức hấp dẫn nhất định của những bộ phim thuộc dòng phim nông thôn – chính luận. Là một người gắn bó với đề tài này, theo ông điều mấu chốt quyết định sự thành công của thể loại phim nông thôn là gì?

Bất cứ bộ phim nào cũng vậy, điều khán giả quan tâm bao giờ cũng là nội dung phim có hấp dẫn, có chi tiết thú vị, có nhân vật tính cách, có cá tính hay không? Mà phim về đề tài nông thôn nói riêng và các bộ phim Việt Nam nói chung hiện nay mắc một căn bệnh khá nặng, đó là “bệnh không có tính cách”, không có những nhân vật điển hình.

Chúng ta cứ chê phim Hàn Quốc, nhưng tôi thấy có thể học hỏi được nhiều điều từ họ. Họ luôn xây dựng được những nhân vật đời thường như bà mẹ khó tính, bà cô không chồng chuyên gây rắc rối… nhưng luôn khiến khán giả quan tâm, chờ đợi.

Về phía mình, tôi luôn cố gắng để tạo ra những nhân vật có tính cách, cá tính. Đơn cử, trong Đất và Người, Chu Văn Quềnh là một nhân vật do tôi bịa ra chứ không hề có trong tiểu thuyết gốc, thế nhưng người xem phim nhiều khi không cần biết nội dung chính trị là gì mà chỉ quan tâm đến Chu Văn Quềnh. Và cũng chính nhờ Chu Văn Quềnh mà tôi truyền tải được nội dung một mảnh đất lắm người nhiều ma, khiến cho người xem bị “ngấm” từ lúc nào không hay. Tương tự, với các nhân vật như cô Ló, ông Dỏ, ông Tòng (trong Ma làng) hay Khuếnh (trong Gió làng Kình) cũng vậy…

Vài năm trở lại đây, những bộ phim về đề tài nông thôn đang đổ bộ ồ ạt trên các kênh sóng truyền hình, từ trung ương đến địa phương. Thật không khó để bắt gặp những bộ phim liên quan đến lúa, bưởi, cam, quýt, cá rô, cá tra, lợn gà... Ông có nhận xét gì về sự phát triển dòng phim nông thôn trong giai đoạn hiện nay?

Có thể nói, những vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện nay đang nằm ở nông thôn, người dân bám lấy ruộng đất nhưng ruộng đất đang bị thu hẹp lại, rồi việc chúng ta đã nghèo rất lâu, vậy bây giờ mở mang phát triển thì sẽ như thế nào?

Đề tài nông thôn vì vậy là đề tài nóng bỏng nhất, đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà làm phim. Bên cạnh đó, một lượng lớn khán giả truyền hình nằm ở khu vực nông thôn, nếu có những bộ phim phản ánh những vấn đề của chính mình thì họ ắt sẽ theo dõi và bàn luận, bởi vậy tôi cũng đặt cho mình quyết tâm tập trung nghiên cứu đề tài nông thôn.

Nhiều nhà làm phim nhiệt huyết, sẵn sàng thử sức với mảnh đất màu mỡ là vậy, tuy nhiên chúng ta lại đang gặp lỗ hổng lớn ở khâu biên kịch.

Tham gia công tác giảng dạy ở trường Sân khấu Điện ảnh và Học viện báo chí, tôi nhận thấy một thực trạng đáng báo động trong giới trẻ, đó là văn hóa đọc đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Không có nhiều kinh nghiệm, thiếu kiến thức khiến các nhà biên kịch trẻ của chúng ta không thể cho ra lò những tác phẩm có tính thuyết phục đối với người xem.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề hướng dẫn sáng tác, mà nếu không có sự định hướng thì đương nhiên người viết sẽ chọn phương án dễ nhất.

Cụ thể, cần phải thay đổi ra sao để phim nông thôn có thể đến gần với người xem hơn nữa, thưa đạo diễn?

Hiện nay, nhiều công ti không dám đầu tư vào phim chính luận, họ sợ đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm, hơn nữa cũng lo khả năng thu hút quảng cáo. Do đó, tôi cho rằng Nhà nước cần phải có một chủ trương, chính sách riêng cho dòng phim chính luận.

Tôi đánh giá rất cao chủ trương quay lại dòng phim một tập của VTV. Đây là một quyết định khá táo bạo do những bộ phim ngắn tập không chạy theo thị trường, không đạt được nhiều doanh thu từ quảng cáo mà hướng đến những đề tài có tính nhân văn.

Làm phim một tập yêu cầu độ nén rất cao, cần phải tổ chức tình huống chặt chẽ và phải đưa đến khán giả một chủ đề tư tưởng sâu sắc, rõ ràng… Tuy nhiên, kịch bản phim một tập thường không hấp dẫn người viết bởi nhuận bút thấp, nhiều nhà biên kịch trẻ vừa vào nghề đã lao ngay vào những dự án phim dài tập mà không cần quan tâm “đứa con” tinh thần của mình đã đủ chín hay chưa. Do đó, cần lắm những sân chơi như vậy để có thể đào tạo những nhà biên kịch chắc tay cho điện ảnh và truyền hình Việt Nam hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước