Phim Trò đời - "Nếu không quyết làm, sẽ không bao giờ làm được”

Kiều Trinh-Thứ năm, ngày 12/09/2013 06:33 GMT+7

 Đây là chia sẻ của Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) với phóng viên VTV, khi nói tới những dự án phim mang tính đột phá của VFC trong năm 2013.

Phim truyền hình ngày càng thu hút được lượng lớn khán giả trong nước theo dõi và nhận được những đánh giá ngày một tốt hơn. Để có được kết quả đó, Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) đã mạnh dạn tiến hành những dự án phim mới.

Phim Trò đời, dựa theo một số truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng đang phát sóng trên VTV1 hiện đang được công chúng đặc biệt quan tâm. Bên cạnh dòng phim chính luận vốn là thế mạnh, năm 2013 VFC cũng mở rộng đầu tư nhiều hơn vào những bộ phim tâm lý, xã hội, giới trẻ. Đặc biệt, bắt đầu từ 2013, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới trong sản xuất phim truyền hình.

Để tìm hiểu thêm về quá trình tiến hành các dự án phim có sự đầu tư khá lớn của Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam VFC, chuyên mục Gõ cửa ngày mới đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC).

‘ Phim Trò đời được thực hiện với nhiều nỗ lực của ê kíp sản xuất .

PV: Ngày 9/8, bộ phim Trò đời dựa trên những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã chính thức lên sóng. Đây thực sự là một sự đột phá cho phim truyền hình mang hơi hướng của điện ảnh trên sóng VTV. Xin đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, đó có phải một hướng đi mới của VFC không, trước sự nở rộ của rất nhiều hãng phim tư nhân cũng làm phim truyền hình?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Đối với VFC khi quyết định thực hiện dự án phim Trò đời, ngay từ ban đầu chúng tôi có suy nghĩ rằng, nếu né tránh những phim về lịch sử hoặc những phim về quá khứ, cứ e ngại về việc sản xuất phim và bối cảnh không có, thì không biết lúc nào chúng ta mới có thể làm được.

Điểm khác biệt lớn là chúng tôi không chỉ lựa chọn duy nhất một tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, mà có kết hợp những tác phẩm khác của nhà văn Vũ Trọng Phụng như Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây… Sự kết hợp này sẽ khiến bức tranh xã hội và hệ thống nhân vật trong phim được thể hiện một cách sinh động hơn. Nếu Số đỏ chỉ tập trung vào nhân vật Xuân tóc đỏ, thì trong phim chúng tôi có thêm một nhân vật nữ là cô Đũi cũng đại diện cho tầng lớp lao động, chịu sự va đập của cuộc sống và thay đổi.

Điều chúng tôi quyết định làm lại Số đỏ là chúng tôi nhìn thấy ở những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng những vấn đề mà trong xã hội của ngày hôm nay vẫn còn có hơi hướng và giúp cho cho chúng ta thể hiện được việc mượn chuyện xưa để nói chuyện nay.

‘ Ê kíp làm phim Nhật Bản trong phim "Người cộng sự" . (Ảnh: VFC)

PV: Sau hơn nửa năm chuẩn bị, tháng 6 vừa qua, bộ phim Người cộng sự, hợp tác với một hãng truyền thông lớn của Nhật Bản đã bấm máy và trong tháng 9/2013 sẽ hoàn thành. Anh có thể nói gì về dự án làm phim này cũng như sự hợp tác với Nhật Bản.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Với dự án Người cộng sự có ý nghĩa vô cùng to lớn, đầu tiên là nằm trong dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt – Nhật, về góc độ nghề nghiệp lần đầu tiên chúng tôi được thực hiện một dự án phim có tính chuyên nghiệp, sự đầu tư lớn cả về nguồn lực, chi phí, con người.

Với sự hợp tác với Nhật Bản, chúng tôi đã có cơ hội để thực hiện được những dự án mà điều kiện trước đó chúng tôi chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, tầm vóc và ý nghĩa của bộ phim cũng giúp cho đoàn làm phim có sự kỹ lưỡng và thực hiện nó theo guồng chuyên nghiệp, bài bản hơn.

PV: Rõ ràng làm phim về những nhân vật lịch sử luôn là áp lực cho đoàn làm phim, vậy Trung tâm sản xuất phim truyền hình đã phải chuẩn bị như thế nào cho bộ phim này?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Có lẽ đây là dự án mà tôi cũng như đội ngũ của VFC tham gia đã dành rất nhiều thời gian. Chúng tôi bắt đầu triển khai từ cuối năm 2012 và đến 6/2013 mới bắt đầu bấm máy. Chỉ có 100 phút phim lên sóng, nhưng sự chuẩn bị để hoàn thành bộ phim lại qua một thời gian khá dài. Chúng tôi đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng từng yếu tố một, từng nội dung kịch bản, cảnh quay, phục trang, hình ảnh…

Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên 2 nước, vì vậy đội ngũ làm phim của cả hai nước cũng có cơ hội để chia sẻ với nhau nhiều hơn. Tất nhiên, Việt Nam có thể còn có những hạn chế nhất định về phương tiện kỹ thuật, nhưng cách thức làm phim lại có những nét tương đồng. Với sự cộng tác và nỗ lực của cả hai bên, chúng tôi rất hi vọng rằng chất lượng bộ phim sẽ có được tính chuyên nghiệp.

PV: Theo dõi lịch sản xuất phim của 2013, chúng tôi được biết cuối năm 2013 đầu 2014 chúng ta sẽ bấm máy một dự án phim dài tập về những người Việt ở nước Nga. Nói đến người Việt ở nước Nga thì rất gần gũi với Việt Nam vì có rất nhiều thế hệ người Việt đã sinh sống và làm việc ở Nga, đây chắc hẳn là một áp lực đối với những người sản xuất?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Mặc dù đã triển khai và bắt tay đi khảo sát suốt năm 2012 và đầu năm 2013, chúng tôi vẫn phải tập trung xây dựng kịch bản vì khi đã có phim đề cập cuộc sống người Việt ở châu Âu, lần này không thể chỉ nói về một bức tranh rộng nữa mà chỉ nói về những vấn đề cốt lõi vì nó mang tính chất điển hình để thấy rằng đó là những người đã từng sống và làm việc tại nước Nga.

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi của phóng viên VTV với Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC).

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước