Phim tài liệu trực tiếp sẽ tạo làn sóng mới?

Yến Trang-Thứ sáu, ngày 18/07/2014 05:15 GMT+7

Tại Việt Nam, ấn tượng với một bộ phim tài liệu (PTL) thường đến từ những giọng đọc truyền cảm hay những bản nhạc không lời êm tai. Điều này vô tình khiến vai trò của hình ảnh và âm thanh thực bị giảm đi nhiều phần. Vì vậy, một bộ phận các nhà làm phim trẻ Việt đang dần quay lưng với phong cách này để tìm kiếm những giá trị cốt lõi, chân thực hơn.

"Làn sóng" PTL trực tiếp

Theo ý kiến của một bộ phận các nhà làm phim, PTL truyền thống “hình ảnh + lời bình” mang tính áp đặt chủ quan cá nhân của người làm phim quá nhiều. Họ là những nhà làm phim yêu thích phương pháp làm PTL điện ảnh trực tiếp – phương pháp ghi lại trực tiếp và đồng bộ một cách khách quan hình ảnh và âm thanh từ hiện thực, tối giản lời bình và sự dàn dựng của đạo diễn.

‘ Các bạn trẻ tham gia học làm PTL thực tế tại TPD

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của các giảng viên Xưởng phim Varan (Pháp), cách làm phim chân thực này mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và bước đầu có những tiếng nói riêng. Tuy nhiên, để thể loại PTL trực tiếp này tiếp cận được với khán giả Việt Nam - những người vốn quen xem những bộ PTL mà cảm xúc, tư tưởng được “hướng dẫn” bởi lời bình và âm nhạc - là cả một chặng đường khó khăn của các nhà làm phim cấp tiến.

Cùng với Varan, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) - một tổ chức phi lợi nhuận - đã và đang cố gắng cách tân trong thể tài điện ảnh vốn luôn bị mặc định là khô khan, kén người xem này. Thông qua các lớp học làm phim miễn phí được triển khai từ năm 2009, đến nay, TPD đã tạo nên một cộng đồng làm phim trẻ lớn nhất cả nước với hơn 1.000 thành viên.

‘ Một cảnh trong phim "Con đi trường học" của Hà Lệ Diễm

Ngay khi tiếp xúc với cách làm PTL theo hình thức điện ảnh trực tiếp, Hà Lệ Diễm - Sinh viên Báo chí (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) đã bị thuyết phục bởi sự chân thực, gai góc và nhân văn của thể loại phim này. Theo Lệ Diễm: “Trong những bộ PTL trực tiếp hình ảnh, nhân vật đóng vai trò chủ đạo, yếu tố lời bình gần như bị triệt tiêu”.

Trung thành với phong cách đó, bộ PTL Con đi trường học của Hà Lệ Diễm sản xuất trong khuôn khổ dự án Social Doc của Trung tâm TPD đã xuất sắc dành giải Cánh diều Bạc (không có giải Vàng) năm 2014 cho thể loại phim ngắn.

Phim độc lập cũng là xu hướng tất yếu

Bên cạnh làn sóng mới của PTL trực tiếp, xu hướng làm phim độc lập cũng phát triển song hành tại Việt Nam. Làm phim độc lập là sự mạo hiểm, khi các nhà làm phim trẻ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính. Nhưng bù lại, họ có toàn quyền với “đứa con tinh thần” thay vì chịu sự chi phối của nhà sản xuất hay tài trợ.

Chính vì thế, dấu ấn cá nhân là điều không thể phủ nhận ở các PTL theo hướng độc lập. Tại Việt Nam, có rất nhiều đạo diễn đã và đang dấn thân theo con đường nghệ thuật chông gai này và đạt được những thành công như đạo diễn/nhà thơ Phan Huyền Thư, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Nguyễn Kim Hải…

‘ Phan Đăng Di - một trong những đạo diễn sẽ góp phần "truyền lửa" cho các nhà làm phim trẻ

Theo học viên Mai Lê Dũng (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội): “Mỗi bộ PTL là một bài toán hóc búa không dễ tìm lời giải đáp. Nhưng lợi ích nó mang lại luôn nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Các tác giả độc lập sẽ được mài giũa toàn diện tất cả các khâu để cho ra một bộ phim. Từ tiền kì, quay phim cho tới hậu kì, họ sẽ phải chủ động trong mọi công việc”.

Điện ảnh tài liệu không lời bình và làm phim theo xu hướng độc lập là những thể nghiệm mới đã được đưa vào giảng dạy. Đây chính là cách các nhà làm phim tạo ra khán giả cho mình – những người trẻ được đào tạo để nắm bắt được ngôn ngữ chân thực nhất của hình ảnh, đồng thời, chính những bạn trẻ này cũng chính là thế hệ đạo diễn kế cận đầy tài năng của dòng PTL trực tiếp.

Để xây dựng một thế hệ đạo diễn PTL được trang bị đầy đủ kỹ năng, sự chủ động, linh hoạt và cảm xúc chân thành – những yếu tố tiên quyết cần có ở một nhà làm phim tài liệu độc lập - là một quá trình bền bỉ và nhiều khó khăn.

Nơi sóng bắt đầu...

Tổ chức lần đầu vào ngày 10/4/2010, đến nay, giải thưởng "Búp sen Vàng" đã trở thành một trong những giải thưởng quan trọng nhất của cộng đồng các nhà làm phim không chuyên. Những bộ PTL, phim truyện ngắn thực hiện trong khuôn khổ dự án "Chúng ta làm phim" từng được đề cử giải thưởng "Búp sen Vàng" đã và đang “chinh chiến” ở nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, mang lại niềm tự hào to lớn cho cộng đồng làm phim trẻ thuộc trung tâm TPD.

Tiếp nối những thành công của 4 mùa giải trước, "Búp sen Vàng 2014" với chủ đề Nơi sóng bắt đầu được tổ chức nhằm tôn vinh các tác phẩm (phim truyện và phim tài liệu ngắn) và các nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất trong một năm qua của dự án "Chúng ta làm phim".

‘ Giải thưởng "Búp sen Vàng" đã trở thành một trong những giải thưởng quan trọng nhất của cộng đồng các nhà làm phim không chuyên

Tại buổi trao giải (dự kiến ngày 3/8/2014), Nơi sóng bắt đầu sẽ ra mắt mô hình "Con tàu vượt sóng" của các nhà làm phim trẻ, mô hình có kích thước 2,5m x 3m với cánh buồm in dấu vân tay của các nhà làm phim thể hiện quyết tâm vượt qua mọi thử thách để theo đuổi đam mê điện ảnh của các bạn trẻ. Những cơ sở đào tạo phi lợi nhuận như TPD, Hanoi DocLAB hay những đạo diễn tâm huyết với thế hệ trẻ như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đạo diễn Phan Huyền Thư… chính là những nhân tố quan trọng góp phần “truyền lửa” cho các nhà làm phim trẻ.

Khách mời của buổi ra mắt là các nhà báo, nhà làm phim có uy tín như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà quay phim - NSƯT Lý Thái Dũng… cùng các gương mặt ngôi sao được giới trẻ yêu thích, mến mộ.

Đây không chỉ là nơi giúp họ nhận được những kiến thức về điện ảnh, mà còn là nơi họ có thể tìm thấy sự giúp đỡ về trang thiết bị, tài chính, sự đóng góp về chuyên môn hay những cơ hội học tập mới. Nơi sóng bắt đầuchính là nơi những tài năng điện ảnh sẽ được "chắp cánh".

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước