Phim tài liệu "Lựa chọn của tôi": Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào

PV-Chủ nhật, ngày 19/09/2021 07:03 GMT+7

VTV.vn - Những câu chuyện về tình nguyện viên trong tâm dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến khán giả cảm phục về tấm lòng cao cả và sự hi sinh của họ.

Những tài xế cấp cứu đặc biệt 

Nguyễn Thị Hà Nhi, năm nay 25 tuổi, là nữ tài xế của đội thiện nguyện Nhất Tâm. Là một cô gái độc thân, Nhi ở với em trai khi bố mẹ sinh sống tại Bình Dương. 

Vốn là một chuyên viên thẩm mỹ, nhưng khi dịch bệnh bùng phát, Hà Nhi đã xung phong và trở thành nữ tài xế duy nhất của đội thiện nguyện. Dù là con gái nhưng Hà Nhi luôn xác định nếu là việc đàn ông làm được thì mình cũng có thể làm được. 

Đã gần 2 tháng liên tục, Hà Nhi bền bỉ, kiên trì và nhẫn nại thực hiện nhiệm vụ vận chuyển các bệnh nhân F0 đến các bệnh viện và khu điều trị cách ly. Khi biết Nhi và em trai làm lái xe cấp cứu trong tâm dịch, dù công việc này khá vất vả, mệt nhọc và không kém phần nguy hiểm khi có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng bố mẹ Nhi đều ủng hộ hai con, đặc biệt là cô con gái.

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 1.

"Trước lúc tham gia lái xe, tôi đã phụ nấu bếp để nấu những phần cơm cho các khu cách ly, một ngày 1.000 đến 2.000 phần, có ngày 3.000 phần. Sau khi bên đội thiện nguyện Nhất Tâm thiếu tài xế lái xe, tôi xin qua bên đó để lái xe chở F0 đi cách ly. Có những ngày làm đến 2h sáng. Có một ngày chạy nhiều nhất là 14 chuyến.

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 2.

Rảnh lúc nào thì tôi nghỉ ngơi lúc đó và tranh thủ thời gian ăn uống. Không biết vì sao nữa nhưng tôi muốn được làm nhiều hơn nữa. Tôi có động lực lắm, chưa bao giờ nghĩ là tôi sẽ bỏ cuộc" - Hà Nhi tâm sự. 

Tôi đi gặp nhiều hoàn cảnh. Tôi thấy những em bé 1 tháng, 2 tháng, 1 tuổi, 2 tuổi mặc những bộ đồ bảo hộ. Những em bé làm tôi rơi nước mắt. Khoảnh khắc khóc mà nhiều nhất là khi một người lớn tuổi bị kiệt sức và thở, trong khi trên xe không có ai hết, chỉ có mình tôi. Họ ngồi sau họ cứ đập cửa xe, nên làm tôi hoảng hốt.

Hà Nhi - Tài xế lái xe cứu thương tình nguyện:

Bác sĩ Trần Văn Dương là trưởng một phòng khám đa khoa ở huyện Bình Chánh. Anh và các đồng nghiệp đã lái xe cứu thương vận chuyển miễn phí cho bệnh nhân F0 từ khi dịch bệnh bùng phát ở TP Hồ Chí Minh đến nay, trực tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho người dân ở các khu cách ly, thậm chí sẽ mang thuốc đến tận nơi nếu họ cần.

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 4.

"Khi bắt đầu công việc này thì mình cũng nghĩ là chỉ có một mình mình làm thôi. Nhưng hiện tại thì đội xe của mình có 6 người, trong đó có 4 bác sĩ, 1 tài xế và 1 kỹ thuật viên.

Ban ngày mình sẽ vận chuyển F0 từ các trung tâm y tế, các phường xã của CDC TP Hồ Chí Minh, vận chuyển về các bệnh viện dã chiến. Buổi tối mình sẽ hỗ trợ các bệnh nhân trong vùng cách ly cũng như vùng phong tỏa không được chăm sóc y tế.

Khi đại dịch xảy ra thì cũng như chiến tranh vậy đấy. Mọi người có tinh thần tương trợ lẫn nhau. Mình thấy một số hoàn cảnh rất khó khăn, thì mình không thể nào đứng nhìn được" - anh Dương nói về công việc mình đang làm.

Để có hàng trăm chuyến xe đưa bệnh nhân đến nơi điều trị an toàn, các tài xế luôn phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch, mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn, giữ khoảng cách và lái xe an toàn. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui giúp được nhiều người, vẫn còn đó nỗi buồn và sự day dứt trước những số phận mong manh trong đại dịch.

Sau những bữa cơm ăn vội, những phút giây tranh thủ nghỉ ngơi, không quản ngày, đêm, mưa nắng, những tài xế lái xe cứu thương lại lên đường. Họ đã góp một phần sức lực để dịch bệnh qua đi, để mọi người mạnh khỏe và sớm trở về đoàn tụ bên gia đình.

Một số bệnh nhân lớn tuổi kèm theo các bệnh lý nền nữa. Những ca đó đã trở nặng rồi thì mình xử lí cũng không kịp, và vận chuyển cũng không kịp thời đến những bệnh viện chuyên sâu điều trị COVID-19. Quá trình đó, mình rất hối hận.

Bác sĩ Trần Văn Dương - Tài xế lái xe cứu thương tình nguyện

Những điều dưỡng đặc biệt

Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi với quy mô 500 giường là một trong những cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nặng và vừa. Mỗi ngày hàng chục y bác sĩ căng mình để giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Tại đây, có một "điều dưỡng đặc biệt", một chàng trai F0 đã vượt qua cửa tử và tình nguyện ở lại giúp đỡ các y bác sĩ, chăm sóc bệnh nhân. 

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 6.

Hà Ngọc Trường, sinh năm 1993, được chuyển vào bệnh viện Củ Chi để điều trị COVID-19 từ ngày 16/6. Đã từng là bệnh nhân COVID-19 nặng mà không có người thân bên cạnh, Trường hiểu hơn ai hết một cái nắm tay lúc cô đơn có ý nghĩa như thế nào với tinh thần của người bệnh.

"Vô đây thì mọi người sẽ cảm thấy thương nhau hơn. Vì nhìn họ thương lắm. Mình nghĩ là mình trai trẻ, có sức khỏe, mình vượt qua tử thần rồi nên mình có thể giúp họ bất cứ việc gì để giúp họ vượt qua cơn dịch này, để về với gia đình" - Ngọc Trường chia sẻ. 

"Cho đến thời điểm này là đã hơn 2 tháng, Trường vẫn đang ở lại đây để giúp các bác sĩ. Số lượng công việc mà đội ngũ y tế phải làm rất là nhiều. Khi mà có sự hỗ trợ của các bạn tình nguyện viên, nhất là những bạn F0 đã khỏi bệnh thì điều đó như một nguồn động lực, giúp sức rất lớn cho nhân viên y tế" - bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung. 

Nhiều người cứ coi em như người thân. Họ nắm tay em nói: "Trường ơi đừng bỏ chị". Em không tài nào ngủ được. Em cứ đứng với họ suốt đêm.. Họ về được tới nhà, họ gọi điện cho em hay nhắn tin cho em là em thấy được họ bình an trở về là em vui lắm.

Hà Ngọc Trường - Tình nguyện viên tại Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Củ Chi

Giống như nhiều gia đình khác ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày đại dịch hoành hành, gia đình của Trường cả 5 người đều bị dương tính. Ngày 10/8, mẹ của Trường đã không thể qua khỏi. Bà qua đời lúc anh vẫn đang ở trong viện để chăm sóc các bệnh nhân. Trường đã không có dịp được gặp mẹ lần cuối.

Vượt qua nỗi buồn đau của bản thân, Trường đã quyết định tiếp tục ở lại bệnh viện, với mong muốn có thể giúp đỡ các y bác sĩ và bệnh nhân chừng nào mà họ còn cần đến anh. Đó cũng là cách để báo hiếu mẹ và góp phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống lại COVID-19.

Từ số lượng ít ỏi ban đầu, đến nay lực lượng tình nguyện viên chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh ngày càng đông đảo, tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sĩ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho người bệnh.

Từ một nhà thiết kế chỉ tiếp xúc với vải vóc, bản vẽ và những người nổi tiếng, Nguyễn Minh Tuấn đã trở thành một trong số tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân nặng và nguy kịch tại bệnh viện hồi sức COVID-19 tại Thủ Đức. 

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 8.

Công việc chính của Tuấn là làm công tác dọn vệ sinh thay thế cho nhân viên vệ sinh, thu gom rác thải và lau chùi bệnh viện. Nhiệm vụ thứ hai là hỗ trợ các y bác sĩ và điều dưỡng, theo dõi các bệnh nhân để khi họ có vấn đề gì thì có thể báo cáo ngay để kịp thời chữa trị.

"Ở đây thì các bệnh nhân thấy rất cô đơn, hoảng loạn khi họ mắc bệnh. Mình quan tâm, chăm sóc, an ủi bằng những lời nhẹ nhàng nhất để họ cảm thấy có tinh thần và vực dậy tinh thần của họ để chống chọi lại bệnh tật" - Tuấn chia sẻ. 

Hình ảnh những bệnh nhân chạm tới lòng trắc ẩn của mình, mình đã quyết định đăng ký ngay để tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Khả năng xấu nhất mình có thể bị F0 thì mình cũng có thể đảm bảo sức khoẻ. Ba mình đã từng là bộ đội nên mình cũng giữ tinh thần yêu nước như vậy.

Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn Tình nguyện viên tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức là bệnh viện hồi sức chuyên sâu, thuộc tầng cao nhất trong tháp điều trị 3 tầng tại TP Hồ Chí Minh, nơi điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Từ gần 2 tháng nay, nơi đây đón một đoàn tình nguyện viên đặc biệt, đó là những chức sắc, tăng ni, và tín đồ thuộc 3 tôn giáo khác nhau là: Phật giáo – Công giáo và Tin lành.

Thầy Thích Chúc Khai, tăng chúng chùa Long Hoa, quận 10, TP Hồ Chí Minh xung phong tình nguyện chống dịch và được bầu làm trưởng đoàn thiện nguyện phụng sự tại bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức.

Khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế, thầy cũng như tất cả các tình nguyện viên tôn giáo khác bận rộn hỗ trợ các y bác sĩ trong mọi công việc liên quan đến bệnh nhân: từ lau dọn vệ sinh, khử khuẩn, thay tã, làm thuốc, đến chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh.

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 10.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, những tình nguyện viên tôn giáo phụng sự bệnh viện luôn mang theo một sứ mệnh: đó là mang lại sự an lành trong tâm trí của người bệnh. Những lời động viên an ủi, những cái nắm tay nơi dịch bệnh khắc nghiệt nhất đã truyền đến sự an yên, ấm áp, giúp bệnh nhân cảm thấy vững tâm trong cuộc chiến.

Chúng tôi luôn mang thông điệp tâm an vạn sự an. Có rất nhiều bệnh nhân hoang mang - sợ hãi - chán nản chúng tôi đều đến bên động viên.

Thầy Thích Chúc Khai - Trưởng đoàn tình nguyện viên Tôn giáo phụng sự bệnh viện

Lựa chọn dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, có nghĩa là đối diện với nguy cơ lây nhiễm, là chấp nhận nguy hiểm rủi ro đến với mình. Dù đã được tập huấn và tiêm vaccine đầy đủ, 9 tình nguyện viên trong đoàn thiện nguyện tôn giáo đã bị dương tính trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân. Cả nhóm được cách ly và được theo dõi sức khỏe ngay tại bệnh viện. Không lo sợ, không hoang mang, các tình nguyện viên luôn giữ tâm thế bình an, chờ ngày khỏe lại để tiếp tục con đường mình đã chọn.

Phim tài liệu Lựa chọn của tôi: Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào - Ảnh 12.

Bất chấp rủi ro nơi tuyến đầu chống dịch, vượt qua những nỗi niềm riêng, những con người bình dị mà thầm lặng đang góp phần kép dài sự sống, đẩy lùi dịch bệnh, với niềm tin rằng: "Mây đen sẽ tan nhanh và Bình minh sẽ tới".

Phim tài liệu: Lựa chọn của tôi

21h20 ngày mai (18/9), VTV1: Phim tài liệu Lựa chọn của tôi - Khi tình thương chiến thắng nỗi sợ 21h20 ngày mai (18/9), VTV1: Phim tài liệu Lựa chọn của tôi - Khi tình thương chiến thắng nỗi sợ BTV - Đạo diễn Trần Xuân: Con là động lực lớn nhất để tôi hoàn thành phim tài liệu 'Trở về cuộc sống' BTV - Đạo diễn Trần Xuân: Con là động lực lớn nhất để tôi hoàn thành phim tài liệu "Trở về cuộc sống" Phim tài liệu 'Trở về cuộc sống': Bước qua ranh giới sinh tử để trở về Phim tài liệu "Trở về cuộc sống": Bước qua ranh giới sinh tử để trở về

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

phim tai lieu

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước