Phim tài liệu: Bà tôi, mẹ tôi, chị em tôi
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ê-kip sản xuất thuộc Trung tâm Phim tài liệu, Đài THVN đã thực hiện bộ phim tài liệu Bà tôi, mẹ tôi, chị em tôi. Bộ phim đã được phát sóng vào lúc 22h00 ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Như một món quà tặng và cổ vũ cho các chị em phụ nữ, trong thời lượng gần 30 phút phát sóng, Bà tôi, mẹ tôi, chị em tôi đưa đến câu chuyện của 3 người phụ nữ.
Câu chuyện đầu tiên được kể từ NSND Hoàng Cúc. Khi đang ở đỉnh cao, cuộc sống của NSND Hoàng Cúc như một bức tranh hoàn hảo khi có sự nghiệp rực rỡ và được nhiều khán giả yêu mến. Nhưng rồi, một cơn ác mộng đã phá vỡ tất cả những dự định, cuộc sống bình thường. Căn bệnh hiểm nghèo, như một kẻ thù vô hình, đã trở thành cú sốc khiến nữ diễn viên không khỏi hoang mang, suy sụp và đau đớn cả thể chất lẫn tinh thần.
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả nỗi đau cả thể xác và tinh thần, NSND Hoàng Cúc chia sẻ, trong quá trình chữa bệnh, bà được tiếp cận với những điều mới mẻ và như thanh lọc tâm trí, gột rửa những bụi bặm, va đập đã trải qua. Nữ diễn viên "Kiếp phù du" tìm đến văn học, thơ ca như một nguồn động viên tinh thần để có một tâm tưởng, nhân sinh quan khác. Để đến cuối cùng, nữ diễn viên học cách chấp nhận, hài lòng với những gì mình có và đón nhận cuộc sống bằng cách khác.
Những vần thơ được NSND Hoàng Cúc sáng tác trong thời gian điều trị bệnh.
Câu chuyện thứ hai đến từ một nữ sinh 22 tuổi người Mông. Từ những bản làng xa xôi của núi rừng Yên Bái, nơi tục bắt vợ vẫn còn ám ảnh, Sùng Thị Sơ đã vùng lên để viết nên câu chuyện của chính mình. Cô gái với tấm bằng cử nhân Luật trong tay, đã chứng minh rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, ước mơ vẫn luôn có thể trở thành hiện thực.
Sùng Thị Sơ (dân tộc Mông) - cử nhân Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thào Thị Súa dân tộc Mông, bạn của Sùng Thị Sơ chia sẻ về cuộc sống sau khi tảo hôn.
Không chỉ vượt lên chính mình mà Sùng Thị Sơ còn trở thành tấm gương, là hình ảnh mà rất nhiều các em học sinh tại Trấn Yên, Yên Bái ngưỡng mộ. Cô gái 2002 trở thành người đồng hành, hỗ trợ cùng các em học sinh trên con đường học tập.
Sùng Thị Sơ trở lại trường học truyền cảm hứng cho các bạn học sinh.
Với tấm bằng cử nhân Luật trong tay, Sùng Thị Sơ ấp ủ ước mơ mang pháp luật đến với bà con đồng bào dân tộc Mông. Cô mong muốn được dịch các văn bản pháp luật sang tiếng Mông để mọi người dễ dàng hiểu và bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, Sơ còn dành thời gian tư vấn pháp luật miễn phí cho mọi người.
Câu chuyện thứ ba là của doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền. Bà là một nữ quân nhân đã về hưu, trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau chiến tranh, cuộc sống có nhiều biến đổi, khó khăn khiến bà nhiều lần có những suy nghĩ tiêu cực. Nữ doanh nhân chia sẻ, bà có một người bạn mà trước khi ra đi đã cầm tay bà và nói rằng: "Bạn hãy sống cả phần của tôi". Câu nói đó đã ám ảnh và đưa bà đến những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ để rồi có được thành công như hiện tại.
Bà Hiền đi thăm xưởng sản xuất của doanh nghiệp mình.
Mỗi câu chuyện là một hành trình riêng, với những khó khăn, thử thách và cả những niềm vui, nỗi buồn, nhưng đều toát lên vẻ đẹp kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Qua những câu chuyện này, ekip sản xuất muốn truyền đi thông điệp cổ vũ những người phụ nữ hãy luôn mạnh mẽ, kiên cường vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để nhận lấy hạnh phúc của riêng mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!