Mượn cảm hứng từ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hình ảnh hai bà cháu bên bếp lửa đùm bọc che chở nhau trong thời chiến tranh gian khổ đã được tái hiện trên sân khấu Ký ức vui vẻ. Ngay khi nhìn thấy hoạt cảnh này, dàn nghệ sĩ đã nghẹn ngào rưng rưng khi cả tuổi thơ chợt ùa về với nỗi nhớ bà, người thân, với mùi khói bếp quen thuộc.
Đối với Á hậu Thùy Dung, dù lớn tới đâu cô vẫn là "trẻ con" trong gia đình. Ký ức của cô gắn liền với nồi bánh chưng ngày Tết và ông bà ngoại. Nhìn thấy bếp lửa, hình ảnh người bà hiền hậu chợt hiện về khiến cô không cầm được nước mắt. Giờ đây, không còn ông bà ngoại nữa nhưng những ký ức thân thương luôn tồn tại mãi mãi trong trái tim Thùy Dung.
Tâm sự của Thùy Dung khiến NSND Tự Long, Hồ Bích Trâm rơi nước mắt đồng cảm. NSND Tự Long kể hồi còn bé, người dân ở quê anh đun bằng rơm, rạ, lá, nhà nào có điều kiện thì phải phơi khô củi từ giữa năm để Tết dùng nấu bánh chưng. Bếp ở quê anh là loại bếp gang có 3 chân với một vòng tròn và 3 cái chẽ để đặt nồi, đun lâu gang tụt xuống phải gá lên vòng tròn, thậm chí có lúc nồi canh đổ ụp xuống bếp phải nấu lại. NSND cho biết nhiều người đọc thư của người yêu, của con mà đang nấu bếp cũng là để giấu đi cảm xúc giống như khói bếp làm cay chảy nước mắt.
Trong khi đó, diễn viên Hồ Bích Trâm lại có kỷ niệm vui lẫn buồn liên quan tới bếp lửa. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, tuổi thơ của cô gắn liền với bão lũ miền Trung. Dù hiện tại cuộc sống đã khá hơn, cô cũng sắm sửa cho gia đình đầy đủ nhưng mẹ của Hồ Bích Trâm vẫn khăng khăng dùng bếp củi vì cơm nấu cháy ngon hơn, cá kho đượm vị hơn.
Bếp lửa trong ký ức của Hồ Bích Trâm còn gắn liền với nồi cám heo và cô bé con ngày đó thức dậy từ 4-5 giờ sáng nấu cám chăm "heo còi". Ngày bán heo, ba của Hồ Bích Trâm mua cho con gái một chiếc kiềng cùng với 100 quả trứng vịt lộn để cả nhà cùng ăn.
Hồ Bích Trâm kể lại: "Từ nhỏ, tôi đã sống gần gũi với bếp lửa nên rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh này. Tháng trước, tôi về quê đúng lúc nhà đang mất điện, mẹ nấu cho tôi một nồi nước tắm bằng bếp củi. Bất cứ dịp nào tôi về quên, kể cả dịp Tết, mẹ luôn nấu bằng bếp củi dù tôi đã mua nồi cơm điện, bếp ga để gia đình dùng. Tôi hỏi mẹ vì sao lại nấu bằng bếp củi, mẹ nói nấu củi có cơm ngon, có cháy để ăn, kho đồ ăn cũng ngon hơn bếp ga và tiết kiệm điện".
Hồ Bích Trâm hài hước khoe có kinh nghiệm 15 năm nấu bếp củi, nấu cám cho lợn. Cha của cô nuôi 60 con lợn, trong đàn có một con lợn bị còi, nên cha cho riêng cô để chăm, còn cô lấy đó là "động lực" để nấu... cám cho lợn. Cô kể phải cắt dây lang trộn chung với cám và nấu từ 4-5 giờ sáng bằng bếp củi.
Hồ Bích Trâm cho biết giây phút lắng đọng trong chương trình khiến cô nhớ nhà mình ở quê. Khi còn nhỏ ở quê, mỗi khi nấu cơm xong còn củi, cha cô hay bảo cô nướng bánh tráng để bán. Nhìn chiếc bếp củi, cô bật khóc "bánh tráng thì còn nhưng cha thì không".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!