MC Phí Linh giao lưu với thầy giáo và các khách mời từ hàng ghế khán giả tại Thay lời tri ân 2020. (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ tôn vinh nghề trồng người cao quý, chương trình Thay lời tri ân còn mang đến những thông điệp đầy nhân văn, truyền cảm hứng qua hình ảnh các thầy- cô hết lòng vì học sinh thân yêu. Phó trưởng Ban Khoa giáo Trịnh Quốc Đông - Tổng đạo diễn Thay lời tri ân trong suốt 7 năm qua, chia sẻ những câu chuyện hậu trường đầy tâm huyết của đội ngũ sản xuất chương trình.
Nhà báo, đạo diễn Trịnh Quốc Đông (trái) và các đồng nghiệp.
THAY LỜI TRI ÂN - NHỮNG CÂU CHUYỆN CHÂN THỰC, GIÀU CẢM XÚC
"Cống hiến", "Thầm lặng", "Hạnh phúc" là các chủ đề của Thay lời tri ân trong 3 năm gần đây. Năm nay là một năm đầy khó khăn với các thầy cô và học trò do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hẳn chủ đề của chương trình cũng sẽ rất đặc biệt, thưa anh?
Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lựa chọn chủ đề cho chương trình Thay lời tri ân chúng tôi gặp nhiều khó khăn và phải thay đổi liên tục. Thường thì các năm trước chúng tôi tìm chủ đề trước sau đó mới tìm các nhân vật phù hợp. Năm nay chúng tôi cũng áp dụng cách thức đấy nhưng qua gần 2 tháng không tìm thấy chủ đề nào ưng ý. Cuối cùng chúng tôi đã làm ngược lại là tìm các nhân vật trước và đặt chủ đề sau. Từ đó chúng tôi đã tìm ra chủ đề cho Thay lời tri ân năm 2021 là Gieo mầm. Chủ đề này dựa theo ý tưởng của bài thơ Người làm vườn trong tập thơ Người gieo hạt của cô giáo Lê Mai. Đây là bài thơ cô đã viết sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Bài thơ không chỉ là tâm huyết, trải nghiệm, nghĩ suy mà còn là một lời sẻ chia, nhắn nhủ: Chỉ khi nào, người làm vườn nâng niu, chăm sóc những "hạt giống quý" bằng tất cả tình yêu thì mới có thể mang đến cho đời những "mùa quả ngọt", là sự nở hoa kết trái kỳ diệu của tài năng, trí tuệ, tâm hồn học trò.
Hình ảnh trong phóng sự của chương trình Thay lời tri ân 2021.
Chương trình xoay quanh ba vấn đề chính: Gieo mầm yêu thương; Gieo mầm tri thức; Gieo mầm tương lai. Qua các câu chuyện cụ thể, chúng tôi muốn đem đến cho khán giả cái đẹp của cuộc đời người giáo viên nhân dân- giản dị và cao thượng. Cái Tâm, cái Đức của cô thầy dồn vào trong chữ, để Cái chữ nở Hoa hiến tặng đời, để ta thêm yêu thương, trân trọng, biết ơn bao thầy cô giáo vùng cao đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cao cả, vinh quang: dạy Chữ, dạy Người.
Nhân vật các thầy cô giáo cùng các câu chuyện trồng người trong Thay lời tri ân thường ở vùng sâu, vùng xa, trải rộng khắp các miền Nam - Bắc, trong điều kiện dịch bệnh đi lại còn khó khăn như hiện nay thì việc tác nghiệp của các phóng viên ra sao, thưa anh?
Chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng, nội dung kế hoạch sản xuất từ tháng 8/2021. Đây là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách nên việc tổ chức sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Có những nhân vật rất hay nhưng lại ở nơi đang thực hiện giãn cách hoặc ở vùng xanh - yêu cầu người từ vùng dịch đến phải cách ly nên ekip không thể đến được. Chúng tôi đã tính đến phương án nhờ các đồng nghiệp ở các địa phương thực hiện phóng sự. Tuy nhiên, điểm đặc thù của các phóng sự trong Thay lời tri ân là giàu cảm xúc, chân thực, mất nhiều công sức, thời gian mới thực hiện được nên chúng tôi vẫn quyết định phải trực tiếp đi sản xuất.
Nhiều thành viên trong ekip đã sẵn sàng chấp nhận cách ly 7 - 14 ngày theo yêu cầu của địa phương để có thể trực tiếp đến các vùng sâu, vùng xa để trực tiếp sản xuất phóng sự. Ví như, trong chương trình năm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu với khán giả câu chuyện của hai cô giáo ở xứ Nghệ tình nguyện đi cách li với học trò. Phóng viên của chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đến được quê hương của hai cô là Quế Phong - huyện biên giới xa xôi, cách trở của tỉnh Nghệ An.
Hình ảnh trong phóng sự của chương trình Thay lời tri ân 2021.
Hay để làm phóng sự về ba thầy cô giáo cắm bản, gửi gia đình lại dưới xuôi, lên đỉnh núi tận cùng lãng quên, gieo chữ cho gần 100 học sinh người Mông, ekip phóng viên đã có một hành trình vô cùng vất vả. Riêng việc lặn lội tìm đến đỉnh núi mà cô thầy cắm bản thôi đã rất gian nan... Điểm đến là Pờ Chừ Lủng - vùng đất bị lãng quên- nơi có một bản người Mông mà có người dân 15 năm không xuống núi, vì sự xa xôi, cách trở. Không tính các phương tiện khác, để lên được đỉnh núi đá cao, nhọn hoắt, lô xô tìm đến với thầy cô cắm bản phải leo núi nhiều tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, có những câu chuyện đã diễn ra chúng tôi sử dụng các tư liệu của chính các thầy cô quay lại bằng điện thoại.
Là chương trình được truyền hình trực tiếp nhưng chỉ qua phóng sự ngắn cùng với giao lưu ở trường quay nhưng ekip sản xuất của Thay lời tri ân luôn đem đến cho khán giả những thông tin rất đắt, khắc họa chân dung những người thầy, cô hết lòng với sự nghiệp trồng người. Hẳn là khâu sản xuất được bàn bạc, đầu tư kĩ lưỡng ngay từ khi lên ý tưởng kịch bản?
Điểm hấp dẫn nhất, cảm xúc nhất của chương trình Thay lời tri ân chính là các phóng sự chân thực, thông tin đắt giá chạm vào cảm xúc của người xem. Tự thân các câu chuyện đầy tính nhân văn đã mang đến sự xúc động, hấp dẫn, hơn nữa chúng tôi đã dành ra vài ngày- đêm để cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng làm việc với các thầy, cô để ghi trọn những khoảnh khắc ấn tượng của thầy cô dành cho học sinh nên càng thuyết phục. Chính bởi vậy ý tưởng kịch bản và khâu chọn nhân vật quyết định đến sự thành công của chương trình. Khi lên kịch bản chúng tôi đặt nhân vật là trung tâm. Từ câu chuyện của các nhân vật, chúng tôi mới tính đến phần giao lưu, tiết mục nghệ thuật, tạo thêm hiệu ứng để tạo cảm xúc.
Phần giao lưu với khách mời luôn tạo nhiều cảm xúc trong chương trình. (Hình ảnh tại Thay lời tri ân 2020)
Quá trình chọn nhân vật được chúng tôi triển khai ngay từ đầu năm. Có những nhân vật, câu chuyện hay tìm thấy từ đầu năm nhưng gần đến ngày phát sóng thì chúng tôi lại thay vì phát hiện ra những câu chuyện hay hơn, lan tỏa mạnh hơn. Ví dụ năm 2020, chúng tôi đã quay xong phóng sự về một thầy giáo dạy mầm non ở Lai Châu. Tuy nhiên, gần đến ngày phát sóng chúng tôi phát hiện ra câu chuyện các thầy giáo ở Quảng Bình bơi vượt lũ để lấy lương thực về cho các em học sinh nên chúng tôi đã thay nhân vật. Qua nhiều năm làm chương trình Thay lời tri ân tôi thấy cần một chữ "duyên". Có "duyên" thì mình mới gặp được các nhân vật hay.
NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT HẠNH PHÚC CỦA EKIP SẢN XUẤT
Đồng hành cùng chương trình trong vai trò là tổng đạo diễn rất nhiều năm, cá nhân BTV Trịnh Quốc Đông nhớ nhất những kỉ niệm nào với các nhân vật của Thay lời tri ân?
Có 2 kỷ niệm mỗi khi nhớ đến là động lực để cho tôi và ekip làm chương trình Thay lời tri ân làm tốt hơn. Thứ nhất là, năm 2016 tôi mới biết và gặp được thầy giáo Đặng Văn Cương - Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi và cậu bé "tí hon" Đinh Văn Krể. Khi chúng tôi vào Quảng Ngãi để thực hiện phóng sự mới cảm nhận hết những gì đẹp nhất trong câu chuyện này. Cho đến giờ tôi không thể quên được ánh mắt, cử chỉ, hành động trìu mến tràn đầy tình thương của thầy Đặng Văn Cương dành cho cậu bé Đinh Văn Krể. Cậu bé tí hon người H’Rê khi sinh ra chưa được 5 lạng bị hội chứng người lùn, đầu chim, suýt bị bố mẹ bỏ vào rừng. Và có lẽ cậu sẽ mãi mãi bi lạc lõng giữa cộng đồng làng bản, sống lủi thủi và bị hắt hủi do sự quá dị biệt của mình, mà nhiều người bảo bị ma rừng ám. Cậu đã được thầy Cương chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ để có thể thành người một cách đúng nghĩa.
Câu chuyện xúc động của thầy Đặng Văn Cương và cậu bé Đinh Văn Krể trong Thay lời tri ân 2017.
Và, qua 7 năm tôi làm tổng đạo diễn chương trình Thay lời tri ân có kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên đó là những giọt nước mắt của chính các thành viên trong ekip sản xuất. Khi các phóng sự được phát, khi những lời tâm sự của khách mời giao lưu cất lên thì cũng là lúc ekip không cầm được nước mắt. Từ quay phim cho đến các biên tập viên, kỹ thuật trường quay đều khóc. Đó là những giọt nước mắt để sẻ chia những khó khăn, đồng cảm với câu chuyện của các thầy cô đã thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Có những năm làm xong chương trình một chị biên tập viên trên đường về nhà khoảng 12h đêm vừa đi đường vừa khóc, vừa cười. Ngày hôm sau chị ấy gặp tôi và kể lại, chị cũng không lý giải được cảm xúc của mình. Tôi nghĩ rằng đó giọt nước mắt hạnh phúc của người làm nghề báo.
Là người chịu trách nhiệm nội dung của chương trình, anh có thể bật mí đôi chút về những câu chuyện độc đáo sẽ có trong Thay lời tri ân 2021?
Năm 2021, là năm học đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chính bởi vậy chúng tôi đã lựa chọn câu chuyện chứa đầy tình thương, trách nhiệm của các thầy cô khi tình nguyện cách ly cùng các em học sinh ở Nghệ An và Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi chọn nhân vật kết để đưa ra thông điệp chính của chương trình là "gieo mầm tương lai’’ hoàn toàn khác so với mô típ nhân vật đã từng xuất hiện trong các chương trình Thay lời tri ân trước. Điều này tạo nên cảm xúc và thú vị cho chính nhân vật và khán giả.
Chương trình Thay lời tri ân năm 2020.
Người dẫn dắt chương trình đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho nhân vật cũng như lan tỏa cảm xúc tới khán giả. Các chương trình trước đây, MC đã làm rất tốt vai trò này, năm nay, dự kiến MC nào sẽ đồng hành cùng Thay lời tri ân, thưa anh?
Đúng vậy, vì là chương trình chưa đầy cảm xúc nên người dẫn chương trình trước hết phải biết khai thác tốt tâm lý, chi tiết trong các câu chuyện của nhân vật. Ngoài ra, khi dẫn phải hòa mình và đồng cảm với nhân vật thì họ mới chia sẻ hết thông tin và cảm xúc. Người dẫn trong Thay lời tri ân năm 2021 sẽ là BTV - MC Hồng Nhung - người đã đồng hành trong rất nhiều các chương trình trước.
Cảm ơn đạo diễn Trịnh Quốc Đông!
Chương trình Thay lời tri ân 2021 chủ đề Gieo mầm sẽ được THTT lúc 20h40 ngày 14/11 trên kênh VTV1. Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!