Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 vừa qua, tác phẩm Sứ mệnh 30 năm FDI của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành giải Vàng ở thể loại Chương trình giao lưu – đối thoại – tọa đàm.
Trong tác phẩm, phóng viên VTV đã tìm đến những câu chuyện chưa được kể của những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - thế hệ đầu FDI. Nhiều người trong số họ đã không còn sống, nhiều người đã rời Việt Nam về nước, nhưng cũng có những người vẫn gắn bó và tiếp tục đầu tư và Việt Nam trở thành ngôi nhà thứ 2 của họ.
Chương trình chứa đựng những phân tích lịch sử, những nhân chứng của 30 năm thu hút đầu tư FDI kể về những quyết định đầu tư, những kinh nghiệm đã học được trong quá trình làm việc cọ sát với những chuyên gia
Đại diện ê-kíp lên nhận giải Vàng tại LHTHTQ 38 - nhà báo Xuân Dung (Ban Thời sự, Đài THVN) không khỏi bất ngờ và vui mừng với giải thưởng vừa giành được: "Tôi rất bất ngờ và không ngờ tác phẩm của mình được đánh giá cao và đón nhận đến thế. Chương trình tọa đàm chưa bao giờ là thế mạnh của Ban Thời sự mà phải là phóng sự. Thể loại này bao gồm cả ca nhạc hay các show lớn nên chúng tôi nghĩ những chương trình khác nhẹ nhàng hơn và hấp dẫn hơn đề tài 30 năm FDI – một chặng đường. Đề tài này hơi cứng và lượng người muốn xem không nhiều bằng vì tính chuyên biệt hóa. Vì vậy, tôi không ngờ lại đoạt giải".
Nhà báo Xuân Dung (Ban Thời sự, Đài THVN) nhận giải Vàng LHTHTQ 38 ở thể loại Chương trình giao lưu – đối thoại – tọa đàm
Nhà báo Xuân Dung cũng thừa nhận ban đầu, ê-kíp cho rằng đề tài FDI có phần "khô khan" nhưng càng tìm hiểu, đội ngũ sản xuất càng khám phá được những câu chuyện hay mà ít người biết đến: "Ê-kíp của tôi gồm những người am hiểu về kinh tế, ngoại giao nên khi càng tìm hiểu thì tôi thấy rằng đây lại là một câu chuyện vô cùng hay. Đó là một phần lịch sử của nước ta mà ít khi được nhắc đến so với thời kỳ chiến tranh hay đổi mới. Thế nhưng thời kỳ vừa mở cửa và thu hút FDI là một sự chuyển đổi lớn kinh khủng. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy rằng một thời kỳ lịch sử như vậy lại ít được nhắc đến. Chúng tôi tự đặt câu hỏi, đây là thời kỳ khó khăn, vậy tại sao chúng ta lại vượt qua được".
"Cũng đã có một sự kiện kỷ niệm 30 năm FDI do Chính phủ tổ chức. Thế nhưng, chúng tôi cho rằng như vậy vẫn chưa lột tả hết được tất cả mà phải ‘moi’ được từ những người xây những viên gạch đầu tiên. Chúng tôi mong muốn chương trình tìm ra những câu chuyện ít được kể, những con người ít được biết đến nhưng chính họ đã viết nên lịch sử của FDI thời kỳ ấy. Với múc tiêu như vậy, chúng tôi đã xây dựng một chương trình rất hấp dẫn chứ không khô khan như lúc đầu nghĩ" – biên tập viên của Ban Thời sự cho biết.
Bên cạnh đó, nhà báo Xuân Dung cũng chia sẻ những khó khăn khi đi tìm những vị khách mời quan trọng cho chương trình: "Chúng tôi đã tìm tòi câu chuyện, lục lọi tài liệu ở bên Bộ Kế hoạch đầu tư, tìm đến những người nay đã hơn 80 tuổi mà giữ những giấy phép đầu tiên khi còn viết tay. Nhắc đến FDI là nhắc đến nước ngoài. Chúng tôi cũng đã kết nối từ rất nhiều kênh, từ ngoại giao đến quan hệ cá nhân, phóng viên thường trú, các chuyên gia để tìm đến những người hiện đang ở nước ngoài".
"Ví dụ như chúng tôi đã tìm ra người đại diện của Pepsico hay doanh nhân Nhật Bản gắn bó với Việt Nam trước khi cả mở cửa. Đây cũng là cầu nối đưa các doanh nghiệp Nhật Bản đến với Việt Nam. Kết nối với những nhân vật này rất khó vì người phương Tây thường chỉn chu về giờ giấc".
Nhà báo Xuân Dung và các PV, BTV Thới sự "khoe" giải Vàng trên thảm đỏ của LHTHTQ 38
Qua tác phẩm của mình, nhà báo Xuân Dung cũng muốn mang đến những bài học thiết thực cho thế hệ trẻ về tấm gương của những con người làm việc đầy nhiệt huyết của thế hệ trước: "Ngoài niềm vui vì nhận giải thì tôi cũng vui vì qua tác phẩm của mình, một phần lịch sử ít được nhắc đến đã được đưa ra. Chúng tôi đã khơi dựng lại để cho mọi người thấy thời kỳ ấy khó khăn như thế nào. Con người ngày xưa làm việc nhiệt huyết, sáng tạo và yêu đất nước mình. Họ xây dựng được Luật Đầu tư, thu hút doanh nghiệp nước ngoài chịu đầu tư vào Việt Nam. Không hề có câu chuyện của phong bì mà họ hết mình vì công việc".
"Tôi có thấy rằng, thế hệ trẻ ngày nay nên coi đó là những bài học mà nhìn vào đấy để thấy rằng phải sống hết mình, đặt cái chung lên trên, đóng góp cho đất nước" – đại diện nhóm tác giả của chương trình Sứ mệnh 30 năm FDI nhấn mạnh.
Tác phẩm Sứ mệnh 30 FDI:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!