Trở về từ vùng dịch là một bộ phim tài liệu đặc biệt, khi nó có sự hợp tác giữa 3 đơn vị thuộc Đài THVN, đó là Ban Thời sự, Ban Truyền hình đối ngoại và cơ quan thường trú Đài THVN tại Mỹ. Bộ phim mang tới cho khán giả câu chuyện về hành trình trở về quê hương của những người Việt tại Mỹ, một hành trình mà theo chia sẻ của ê-kíp sản xuất là không đơn giản và dễ dàng.
Để tìm hiểu thêm về tác phẩm cũng như chuyện hậu trường tác nghiệp đầy đặc biệt này, Báo Điện tử VTV News đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Lê Minh – phóng viên thường trú của Đài THVN tại Mỹ.
MỘT DỰ ÁN RẤT ĐẶC BIỆT CẢ VỀ... THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ NỘI DUNG
Nhà báo Lê Minh là một trong những thành viên trong ê-kíp sản xuất bộ phim tài liệu đặc biệt Trở về từ vùng dịch. Khi nói về sản phẩm này, điều đầu tiên anh chia sẻ đó là lời khẳng định: "Trở về từ vùng dịch đặc biệt về cả thời gian thực hiện và nội dung".
"Đây có lẽ là bộ phim mà việc lên ý tưởng cũng như triển khai được diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhất so với tất cả các dự án mà tôi đã từng tham gia. Ý tưởng được ra đời trong cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Đài THVN với các cơ quan thường trú tối 28/4 (giờ California). Sau khi tôi báo cáo về việc quay phim Lê Trọng Đức cùng vợ và 2 con nhỏ sẽ về nước trên chuyến bay đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ San Francisco về nước, dự kiến diễn ra vào ngày 2/5, Tổng Giám đốc Trần Bình Minh nhận định đây là chuyến bay rất đặc biệt và là cơ hội hiếm hoi có phóng viên của Đài bay cùng. Vì thế, lãnh đạo Đài THVN đã giao cơ quan thường trú California phối hợp Ban Thời sự vạch chi tiết những nội dung cần thực hiện trên chuyến bay để quay phim Lê Trọng Đức triển khai".
Nhà báo Lê Minh cho biết, sau khi kết thúc cuộc họp, ê-kíp sản xuất đã lập tức nghiên cứu thông tin, trao đổi với nhà báo Đỗ Đức Hoàng – Phó Trưởng Ban Thời sự, đề nghị phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan liên quan trong nước, đồng thời đề nghị Ban Thời sự cử phóng viên trực tiếp tham gia.
Tại Mỹ, ê-kíp cũng soạn công văn gửi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại TP. San Francisco và Chi nhánh Văn phòng Việt Nam Airlines tại Mỹ. Đến khoảng 3h sáng ngày 29/4 (giờ California), tất cả các công văn đã được gửi đi.
Ngoài phóng viên của Ban Thời sự, nhà báo Lê Minh cho biết, ê-kíp sản xuất bộ phim tài liệu này còn có một nhân vật khác, đó là nhà báo Trần Thu Hà - Trưởng phòng Chuyên mục tiếng Việt, Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN. Chị cũng là một trong những hành khách trên chuyến bay trở về này do chương trình học theo học bổng tại Mỹ của chị phải chuyển sang học trực tuyến, và được đề nghị về nước trong thời gian sớm nhất để tránh lây nhiễm.
"Mặc dù sau đó chuyến bay bị hoãn, nhưng chúng tôi vẫn tiến hành ghi hình toàn bộ các nội dung tại Mỹ theo dự kiến, với niềm tin rằng cuối cùng chuyến bay cũng sẽ diễn ra", nhà báo Lê Minh kể lại.
"Đó là bức tranh cảm xúc thực tế của họ trong suốt thời gian mắc kẹt tại Mỹ cho tới khi đặt chân về quê hương. Trong đại dịch, con đường về nhà không đơn giản và dễ dàng"
Vào 7h ngày 7/5, tại Sân bay Quốc tế San Francisco, ê-kíp sản xuất chia thành hai nhóm, tận dụng mọi cơ hội và thời gian để ghi lại toàn bộ những gì diễn ra trước chuyến bay. Phóng viên Thu Hà và quay phim Lê Trọng Đức lên máy bay tiếp tục tác nghiệp trong suốt hành trình về tới Việt Nam. Còn ê-kíp của cơ quan thường trú ở lại, ghi hình những khoảnh khắc chuyến bay đặc biệt này rời sân bay quốc tế San Francisco. Khi máy bay hạ cánh sân bay Vân Đồn, ê-kíp của phóng viên Khuất Minh thuộc Ban Thời sự đã chờ sẵn ghi hình máy bay hạ cánh, phối hợp nhóm phóng viên đi trên chuyến bay ghi lại mọi hoạt động đón 343 công dân Việt Nam từ Mỹ trở về. Sau chuyến bay dài này, hai nhóm tại Việt Nam vẫn tiếp tục công việc ghi nhận tại trung tâm cách ly.
"Như vậy là toàn bộ quá trình từ khi ý tưởng hình thành đến lúc phát sóng của bộ phim này chỉ diễn ra trong đúng 1 tháng 12 ngày. Đây là một khoảng thời gian sản xuất đặc biệt ngắn đối với một dự án phim VTV đặc biệt", nhà báo Lê Minh nói.
Không chỉ đặc biệt về thời gian thực hiện, bộ phim Trở về từ vùng dịch còn mang tới những câu chuyện thực tế với đủ mọi cung bậc cảm xúc trong hành trình trở về đầy gian nan của những công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Mỹ khi nơi đây trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới. Phim mang tới những hình ảnh về hoạt động, tâm huyết và những chia sẻ thực tế của đội ngũ phi công, tiếp viên và nhân viên y tế đã chấp nhận hiểm nguy, vượt chặng đường dài với hơn 30 giờ bay từ Việt Nam sang đón đồng bào từ tâm dịch trở về; cùng với đó là câu chuyện cuộc sống chân thực đầy tính nhân văn và tinh thần trách nhiệm bên trong những trung tâm cách ly.
"Có thể các bạn thấy những chi tiết trong bộ phim ở đâu đó, nhưng điểm đặc biệt nhất của bộ phim đó là góc nhìn trải nghiệm chân thực của những người bị mắc kẹt trong đại dịch vì những lí do khách quan và chủ quan buộc phải về nước. Đó là bức tranh cảm xúc thực tế của họ trong suốt thời gian mắc kẹt tại Mỹ cho tới khi đặt chân về quê hương. Trong đại dịch, con đường về nhà không đơn giản và dễ dàng", nhà báo Lê Minh nói.
NHỮNG CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG VỀ TÌNH ĐỒNG BÀO, TÌNH NGƯỜI
Trực tiếp sinh sống và làm việc tại Mỹ, nhà báo Lê Minh có cơ hội ghi nhận cuộc sống của công dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại quốc gia này ra sao trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất. Chính vì lẽ đó, anh đã được chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện xúc động của những người Việt sinh sống tại Mỹ ở thời điểm này.
"Khi đại dịch bùng phát tại Mỹ, với số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh theo cấp số nhân, hàng loạt trung tâm nghiên cứu, trường học, cơ sở thương mại đóng cửa, rất nhiều người Việt đang học tập và làm việc tại Mỹ rơi vào hoàn cảnh cảnh khó khăn. Chương trình học tập, nghiên cứu bị gián đoạn, không còn chỗ ở do các ký túc xá đóng cửa, không thuê được nhà ở tạm do chưa đủ tuổi hoặc không đủ tiêu chuẩn tín dụng…, không ít người bị đơn vị bảo trợ hủy thị thực, cắt kinh phí và yêu cầu về nước. Một số may mắn ở nhờ được người quen, số còn lại không rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, ở lại cũng không được mà về nước cũng không xong do không còn chuyến bay. Tôi vẫn khuyên những em sinh viên, du học sinh vẫn có chỗ ăn ở an toàn là nên ở lại, vừa để tránh nguy cơ lây nhiễm trên đường bay về, vừa để giảm bót gánh nặng cho trong nước khi mọi người cũng còn đang phải gồng mình chống dịch. Nhưng với những hoàn cảnh trên thì đúng là rất cần phải trở về", anh nói.
Nhà báo Lê Minh vẫn không quên được câu chuyện hơn 30 sinh viên, du học sinh bị mắc kẹt tại sân bay Dallas, Texas hồi giữa tháng 3 do bị hủy chuyến bay khi đang trên đường về nước. Sau khi di chuyển về sân bay San Francisco, chỉ có hơn một nửa về được Việt Nam, hơn 10 người còn lại tiếp tục bị hủy chuyến bay. Số này sau đó được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco hỗ trợ thuê cho một căn nhà để ở tạm trong lúc chờ chuyến bay mới về nước.
Điều đáng nói là bên cạnh những khó khăn về tài chính và nguy cơ lây nhiễm, họ còn phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận, những người không ở trong hoàn cảnh của họ và không hiểu nguyên nhân vì sao họ phải trở về. Anh đã liên hệ, hỏi thăm, động viên và muốn kể câu chuyện này trên sóng, nhưng rồi lại thôi vì không muốn các em chịu thêm nhiều áp lực hơn nữa.
Nhà báo Lê Minh cũng được chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ. Dù số lượng ít ỏi, song họ đã gồng mình lên để thu thập, xử lý hàng ngàn yêu cầu giúp đỡ, đồng thời trực tiếp tới các sân bay, nhà ga để hỗ trợ các công dân Việt Nam bị mắc kẹt giữa vùng dịch; đi quyên góp nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước rửa tay, những thứ vô cùng khan hiếm, để cung cấp cho những người có nhu cầu. Cùng với đó là không kể ngày đêm phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và phía Mỹ để đưa công dân trở về. Khuôn mặt căng thẳng của họ mới chỉ giãn ra đôi chút khi hơn 300 người được về nước trên chuyến bay đặc biệt vào ngày 7/5, bởi họ vẫn còn phải lo cho hơn 4000 người nữa vẫn cần trở về.
"Tôi cũng đã chứng kiến và vô cùng xúc động khi thấy có nhiều bà con Việt kiều đứng ra nhận giúp đỡ cho đồng bào mình trong hoàn cảnh khó khăn. Người thì cho ở nhờ, người thì đóng góp nhu yếu phẩm, người thì hỗ trợ đưa đón… Rõ ràng, trong cơn bĩ cực ấy, tình đồng bào lại có dịp được đơm hoa. Đó cũng chính là những câu chuyện, là điều thôi thúc tôi và ê-kíp thực hiện bộ phim này sau khi được lãnh đạo Đài THVN giao", nhà báo Lê Minh tâm sự.
TRÁCH NHIỆM VÀ BẢN NĂNG CỦA NGƯỜI PHÓNG VIÊN KHÔNG CHO PHÉP ĐƯỢC NGỒI YÊN
Nhà báo Lê Minh cho hay, lượng tin bài của cơ quan thường trú gửi về nước tăng lên khá nhiều từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Bởi theo anh, là phóng viên thì trong những hoàn cảnh như hiện tại càng phải tác nghiệp, vì có nhiều thông tin cần phải cập nhật, nhiều vấn đề phải đề cập đến và nhiều câu chuyện cần phải kể với khán giả.
"Nhu cầu thông tin rất cao, vì thế chúng tôi phải phối hợp, trao đổi thường xuyên hơn với ở nhà để không chỉ cập nhật diễn biến tình hình mà cả cách thể hiện sao cho phù hợp với tiêu chí của từng bản tin. Ngoài những cuộc giao ban định kỳ với Ban Thời sự, Lãnh đạo Đài còn thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các Cơ quan thường trú để trực tiếp nắm tình hình, động viên anh em đang ở tuyến đầu, đồng thời liên tục nhắc nhở anh em phải đảm bảo không để bị lây nhiễm cho bản thân và gia đình, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Điều này đã giúp rất nhiều về mặt tinh thần cho anh em thường trú trong bối cảnh tác nghiệp ở giữa tâm dịch của thế giới", nhà báo Lê Minh kể lại.
"Tuy nhiên, việc tác nghiệp ngày càng khó khăn hơn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Việc ra ngoài bị hạn chế bởi lệnh phong tỏa. Việc phỏng vấn người dân cũng khó khăn hơn do họ ngại tiếp xúc, nhất là khi mình là người châu Á – vốn đã bị kỳ thị do cho rằng dịch bệnh khởi phát từ khi vực này. Việc xin phép tác nghiệp tại hầu hết các địa điểm cũng khó khăn do các cơ quan quản lý chuyển sang làm việc từ xa.
Bên cạnh đó, việc ra ngoài tác nghiệp cũng gia tăng nguy cơ bị lây nhiễm. Vì thế, theo diễn biến tình hình dịch bệnh, chúng tôi buộc phải chuyển dần từ trực tiếp đi tác nghiệp sang phỏng vấn từ xa qua các ứng dụng. Khó khăn nhất đối với truyền hình đó là phải có hình ảnh. Chúng tôi đã phải tận dụng tối đa hình ảnh tư liệu, các nguồn thông tin, hình ảnh do chính quyền và báo chí sở tại cung cấp, thậm chí tự vẽ đồ họa và thay đổi linh hoạt, sáng tạo thêm cách thể hiện… để đảm bảo chuyển tải thông tin một cách đầy đủ, chính xác, sinh động và dễ hiểu nhất có thể".
Để tránh lây nhiễm, anh và đồng nghiệp chỉ gặp nhau khi đi làm việc ngoài hiện trường, không qua lại nhà nhau. Mỗi khi ra ngoài, họ thường phải có lọ nước sát trùng trong túi và đeo khẩu trang, điều đôi khi khiến họ trở nên khác biệt do ở Mỹ, người dân chỉ dùng khẩu trang khi đã bị bệnh. Sau khi đi tác nghiệp về nhà, anh cũng phải khử trùng trang thiết bị trước khi mang vào nhà. Quần áo cũng phải thay ra ngay và cho vào máy giặt để tránh lây nhiễm cho gia đình.
"Trong giai đoạn đầu khi dịch bắt đầu bùng phát, nước rửa tay và dung dịch sát khuẩn không mua ở đâu được, chúng tôi đã đi tìm rượu Vodka có nồng độ cồn cao để thay thế. Nhưng may có các anh chị Việt kiều chia sẻ cho vài lọ, rồi sau đó ở Việt Nam gửi sang, nên giờ chúng tôi đã có khá đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay để phòng dịch", anh nói.
Làm việc tại tâm dịch của thế giới, những phóng viên, quay phim của cơ quan thường trú Đài THVN tại Mỹ cũng có những khoảng khắc lo lắng nhưng chưa bao giờ họ có cảm thấy hoang mang.
"Lo lắng là làm sao vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, vừa phải đưa được thông tin về một cách đầy đủ và chính xác nhất. Lãnh đạo Đài vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi là trong lúc này thì việc giữ gìn cho bản thân và gia đình không bị nhiễm bệnh khi ở giữa tâm dịch cũng đã là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Nhưng với trách nhiệm và bản năng của người phóng viên, chúng tôi không thể cho phép mình được ngồi yên. Vì thế chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để cân bằng hai yếu tố này. Đến giờ, khi tất cả vẫn an toàn và công việc vẫn chạy, cùng với sự quan tâm động viên thường xuyên của Lãnh đạo Đài, thì chúng đã yên tâm hơn rất nhiều, dù dịch bệnh có thể vẫn còn tiếp diễn trong đôi ba tháng nữa", nhà báo Lê Minh chia sẻ.
"Cũng may là vợ và các con chúng tôi cũng rất tin tưởng, quyết tâm ở lại hỗ trợ để chúng tôi yên tâm làm việc. Những lúc như thế này, chúng tôi càng thấy vai trò quan trọng của hậu phương".
"Bản thân tôi rất nóng lòng muốn được xem sản phẩm cuối cùng khi lên sóng. Dù là người trực tiếp tham gia dự án này từ đầu, nắm được những câu chuyện, nội dung được đề cập đến trong phim, nhưng tôi vẫn rất hồi hộp. Bởi đây là ý tưởng và kỳ vọng của Lãnh đạo Đài THVN, là công sức, là kết quả sự phối hợp chung của rất nhiều người mà trong đó tôi chỉ đóng góp một phần rất nhỏ bé.
Dù được triển khai trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức, hy vọng truyền tải được những gì tinh túy nhất mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, trải nghiệm qua hành trình hết sức đặc biệt và ý nghĩa này", nhà báo Lê Minh kết lại.
Bộ phim tài liệu Trở về từ vùng dịch sẽ được phát sóng khung VTV Đặc biệt vào ngày 1/7 trên kênh VTV1. Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!