Nhà báo Lại Văn Sâm: "Tôi là người rất khó lường”

Lê Hoa - Ảnh: Hải Hưng-Chủ nhật, ngày 26/01/2014 06:00 GMT+7

Vẫn biết rằng, “sẽ có nhiều người ghét mình bởi vì mình nói thẳng" nhưng điều ấy với anh không quan trọng.

Thẳng thắn, bộc trực là điều dễ nhận thấy khi ngồi trò chuyện cùng nhà báo Lại Văn Sâm - Trưởng ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế. Vẫn biết rằng, “sẽ có nhiều người ghét mình bởi vì mình nói thẳng" nhưng điều ấy với anh không quan trọng. Bởi được làm những điều mình thấy cần làm, nên làm và thích làm, theo anh, cuộc sống ấy mới thực sự thú vị!

* Thời gian qua, các game format ngoại tràn về Việt Nam, đã có so sánh "cuộc chiến" giữa game nội và ngoại như trứng chọi đá… So sánh ấy có khiến những người làm nghề trong ban anh bị "tổn thương" ?

- Thực tế là khi bắt đầu làm kênh VTV3, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện sáng tác và tự mình nghĩ ra các format. Những ngày đầu tiên, các chương trình toàn "made in Vietnam" và do ban sản xuất như Câu lạc bộ bạn yêu nhạc, SV’ 96, Đường lên đỉnh Olympia, Ở nhà chủ nhật, Vườn cổ tích, Bảy sắc cầu vồng… Đến khi tiếp cận và đưa chương trình của nước ngoài vào, độ chênh lệch giữa format ngoại và nội quá lớn. Tuy vậy, việc đưa các chương trình của nước ngoài vào cũng có hai mặt của nó. Một mặt là những nhà sản xuất Việt rất thích vì mình đã đủ sức để làm các chương trình của thế giới theo format của họ. Mặt khác, những chương trình mà mình sản xuất tự nhiên bị so sánh và bị chán hẳn. Nó chán là bởi cảm nhận của khán giả. Những người làm nghề bao giờ làm chương trình mà mình nghĩ ra vẫn thích hơn. Nhưng quả thật nó vẫn còn nhiều hạn chế.

Năm 2013, Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế đã thành lập thêm phòng Ý tưởng và tổ chức sự kiện. Từ khi ra đời, phòng đó đã "đẻ" được rất nhiều ý tưởng. Một vệt chương trình SV vào buổi sáng chủ nhật, thay đổi một năm 4 format: MV của tôi, Tài năng SV, Việt Nam của tôi, Mr & Mrs nếu khán giả xem sẽ rất thích. Nhưng nó vẫn không thể nào so được với format ngoại. Không phải bởi tính nghề nghiệp mà bởi sự đầu tư cho chương trình chưa đúng mức, từ sân khấu, âm thanh ánh sáng, giải thưởng đến tất cả điều kiện chơi… Chương trình lại được xếp vào khung giờ không được tốt nên lượng khán giả theo dõi cũng hạn chế.

Chúng tôi vẫn cứ sản xuất các trò chơi nhưng phải thừa nhận một điều là mình không bao giờ so được với thế giới. Bảo người Việt Nam thông minh, đúng là thông minh thật nhưng để ra được phát kiến lớn, đột phá mới tôi nghĩ trong mọi lĩnh vực không nhiều. Mình không bao giờ giỏi bằng người ta cả. Đến khi người ta làm ra rồi, mình mới há mồm ra bảo thế mà mình không nghĩ ra. Nhưng nếu mình phát động và nghĩ thì không ra, có ra thì ở mức độ này thôi. Những chương trình thực tế như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… đã có format sẵn của nước ngoài. Một số chương trình chúng tôi được làm nhân các sự kiện thì thấy sự sáng tạo của mình cũng rất tốt, khán giả xem cũng rất thích. Nhưng những chương trình thường kì lại là câu chuyện khác. Ý tưởng không phải không có nhưng khả năng biến thành hiện thực gặp rất nhiều khó khăn.

*Rõ ràng, những người sản xuất đã rất nỗ lực để thay đổi, làm mới nhằm thu hút khán giả hơn. Nhưng như anh từng nói, những cố gắng thay đổi ấy vẫn chỉ nằm trong “cái ao làng”. Chả nhẽ tương lai của các chương trình giải trí tại Việt Nam cứ tối tăm mãi như vậy?

- Các chương trình giải trí có nhiều thể loại, có trò chơi, chương trình thực tế, có show, chương trình lớn. Thực ra, kiểu gì thì kiểu cũng là loay hoay trong phạm vi của Việt Nam thôi. Và những chương trình lớn mà mình đầu tư, nếu nói là để có những format xuất khẩu, bán cho nước nọ nước kia thì khó lắm. Cho đến bây giờ, chỉ có duy nhất một format của mình được nước ngoài quan tâm và họ muốn mình giúp để làm là Đường lên đỉnh Olympia nhưng vẫn chỉ loanh quanh khu vực, vẫn là "ao". Mình không thể nào có tham vọng vì mình chưa đến tầm. Nói thế thôi chứ mình phải biết sức mình, biết mình là ai, chứ đừng ngộ nhận, tưởng mình là oai lắm.

* Anh đánh giá thế nào về cuộc chiến game nội và ngoại hiện nay?

- Thực ra tôi chưa bao giờ coi đó là cuộc chiến cả. Tôi chưa bao giờ đặt ra mục tiêu là mình phải chiến đấu với game ngoại. Tôi nghĩ đừng phân biệt Việt Nam hay nước ngoài, cái gì hay nhất, tinh túy của thế giới thì làm để khán giả xem. Tôi nói thật, bây giờ có làm, nếu họ không thích thì họ bật sang kênh khác để xem. Cùng vào tối thứ bẩy, The Voice được Việt hóa phát sóng thì trên kênh AXN họ cũng phát The Voice của Mỹ. Tôi tin là một lượng lớn khán giả nếu như có cơ hội xem thì họ sẽ bật The Voice của Mỹ để xem chứ họ không xem của Việt Nam. Họ không quan tâm tôi cần của Việt Nam, cái gì hay thì họ xem. Nói vậy thôi, việc game ngoại đổ bộ vào nhiều là điều tích cực. Mình có thể học tập trí tuệ của thế giới, của nhân loại. Rõ ràng từ khi có các gameshow ngoại vào, nó làm cho bản thân những người làm truyền hình, như ở ban tôi chẳng hạn, được nâng tầm lên rất nhiều. Các bạn đã đưa vào những ý tưởng mới học tập của nước ngoài chỗ này một tí, chỗ kia một tí vào trong chương trình của mình.


Tôi là người rất khó lường

* Anh được nhóm làm chương trình Chúng tôi là chiến sỹ mời trở lại “thế chỗ” MC Quang Minh ghi hình 9 số. Là sếp nhưng anh không ngại làm thay nhiệm vụ của nhân viên. Có vẻ như anh là một sếp khá dễ tính?

- Ở Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế, bao giờ sản xuất các chương trình mới, các bạn cũng muốn tôi “xông” cho hên. Format Chúng tôi là chiến sỹ 2014 có nhiều thay đổi mới. Thế nên tôi cũng nhận lời, hi vọng nó hên. Tôi thường nhận mình là… Phan Đình Giót, chỗ nào thiếu người là “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Thế nên, bất kể chương trình nào, gọi thiếu người dẫn là tôi “trám” vào đấy để chữa cháy cho họ.

Có lần, trong chương trình Việt Nam của tôi, nhóm thực hiện đề nghị tôi và BTV Hồng Cư làm đội trưởng hai đội chơi. Trong chương trình ấy, Hồng Cư đã nói một câu khá đúng với con người tôi. Đó là “Hôm nay đối thủ của tôi lại là thủ trưởng của tôi. Đấy là một con người rất khó lường, lúc thì rất vui và rất dễ, lúc thì khó tính”. Tôi là người như thế. Đúng là tôi rất dễ với nhân viên, không quan cách, không phân biệt sếp và nhân viên mà luôn coi là đồng nghiệp, bạn bè. Nhưng vào công việc, tôi lại rất nghiêm túc, các bạn biết tôi như thế nên cũng cư xử rất phải đạo, có thể đùa hết mình nhưng vào việc là đâu ra đấy. Không phải là dễ tính hay không mà tôi nghĩ mình kêu gọi mọi người làm việc phải đam mê, phải nhiệt tình, không ngại việc, không chọn việc mà sẽ làm bất cứ cái gì khi cần. Mình nói với các bạn như vậy và khi các bạn cần thì mình không phải nói suông. Không phải chứng tỏ điều gì đâu nhưng con người tôi là như thế. Nếu bạn để ý, tôi đã dẫn hết tất cả các chương trình trên kênh của tôi rồi, chỉ có mỗi chương trình tôi chưa dẫn bao giờ là Đường lên đỉnh Olympia.

* Đối với sân chơi Chúng tôi là chiến sỹ, anh tự nhận mình là lính già, vậy với Ai là triệu phú thì sao, thưa anh? Có vẻ như đối với sân chơi này, anh là “mặt tiền” khó ai có thể thay thế?

- Chúng tôi là chiến sỹ còn có lính trẻ, đối với Ai là triệu phú, tôi vẫn là duy nhất từ đầu đến giờ nên không có ai để mà so sánh. Tôi vừa trẻ vừa già vì tôi theo nó chục năm nay rồi (cười)

Ai là triệu phú đúng là khó thay. Không phải tôi cảm thấy là khó thay đâu nhưng vì chương trình ấy tồn tại quá lâu và gắn với tên tuổi của tôi. Cũng mấy lần tôi đề nghị thay nhưng đơn vị tài trợ không đồng ý. Tôi cũng có nói với lãnh đạo Đài về dự định làm hết năm thứ 10 rồi tôi sẽ nghỉ, không dẫn Ai là triệu phú nữa. Nhưng lãnh đạo Đài cũng khuyên tôi không nên nghỉ dẫn và có thể dẫn chương trình đến khi nào tôi không còn sức thì thôi. Đấy cũng là một niềm vui với tôi bởi như vậy là khán giả còn chấp nhận mình, lãnh đạo cũng thấy mình còn trụ ở đấy được. Hôm vừa rồi, tôi xem chương trình kỉ niệm ông Bob Barker – MC của The price is right (Hãy chọn giá đúng) - tròn 90 tuổi. Nếu như tôi dẫn chương trình đến 80 tuổi như ông ấy thì tuyệt vời, chỉ sợ lúc ấy móm mém, nói không ra hơi.

* Anh là người thẳng thắn và dám nói ra những điều người khác không dám nói. Sự thẳng thắn ấy có khiến anh gặp phiền phức trong cuộc sống?

- Tôi không biết là có phiền không nhưng chắc chắn một điều là sẽ có nhiều người ghét mình bởi vì mình nói thẳng. Nhưng cái đấy với tôi không quan trọng lắm. Chứ còn phiền thì không bởi tôi không làm phiền ai và chẳng thấy ai làm phiền mình hết. Từ xưa đến giờ, cách tôi sống, quan hệ cũng như việc tôi làm không phải với mục đích để người ta yêu quý mình mà hoàn toàn là mình thấy cái gì cần làm, nên làm và thích làm. Ngay cả lời nói, tôi cũng không bao giờ nói dối, nói cái không phải suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ, nếu mà vì cái đấy mà mình bị làm phiền thì cuộc sống này quá chán. Hóa ra mọi người sống với nhau đều giả tạo hết, mọi sự vui vẻ, vừa lòng nhau đều là giả tạo à!? Tôi không quan niệm thế!

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước