VTV.vn - “Ngày trở về 2024” sẽ kể cho khán giả câu chuyện về cách những người con gốc Việt xa quê đã tạo ra giá trị văn hoá mới trên toàn thế giới.

Những "hạt phù sa" bồi đắp văn hoá và tinh thần Việt nơi xa xứ

Mỗi năm, chương trình Ngày trở về lại khai thác một chủ đề mới, hướng tới những người con gốc Việt ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Trong năm thứ 14 này, ê-kíp chương trình mong muốn hướng sự chú ý vào văn hoá Việt Nam tại nước ngoài, ở nơi đó, những con người Việt mang theo lòng tự tôn dân tộc, đưa giá trị, văn hoá đất nước đơm hoa kết trái và trở thành tấm "căn cước tâm hồn" đặc trưng của người Việt.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Hoàng Linh - tổ chức sản xuất chương trình - cho biết: "Qua quá trình tìm hiểu, ê-kíp thấy rằng những người Việt Nam ở nước ngoài có những hoạt động rất ý nghĩa. Họ đã bồi đắp những văn hoá Việt, phát triển thêm và làm cho bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ".

"Mặc dù là những câu chuyện ít người biết đến nhưng những đóng góp của họ rất có giá trị. Ê-kíp chúng tôi nhận ra rằng họ cũng giống như những hạt phù sa của một dòng chảy văn hoá, họ bồi đắp, tích tụ thêm và từ đó nảy lên những "cây trái" là nét văn hoá rất đặc trưng của người Việt Nam, trở thành một nền văn hoá mới".

Theo chia sẻ của nhà báo Lê Hoàng Linh, những nhân vật của năm nay đều vô cùng đặc biệt, thậm chí có những nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

Đó là câu chuyện của nhà nghiên cứu người Pháp gốc Việt Maurice Durand. Ông từng đi khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh lân cận để sưu tầm tranh dân gian Việt Nam. Bộ sưu tập này được biên soạn thành một cuốn sách, gọi là "L’imagerie populaire Vietnamienne - Tranh dân gian Việt Nam" bao gồm 400 tác phẩm hội hoạ ở rất nhiều dòng tranh khác nhau. Không chỉ sưu tầm, ông còn nghiên cứu, phân tích, bình chú uyên bác, tỉ mỉ và toàn diện, "cho phép chúng ta rút ra những kết luận về nền tảng văn hoá của người Việt". Đáng chú ý, công trình này còn nhận được giải thưởng từ Viện Hàn Lâm Văn khắc và Văn chương Pháp.

Tuy nhiên, đáng tiếc là Maurice Durand mất sớm và để lại nhiều công việc còn dang dở. Người con trai của ông là Marcus sau khi tình cờ nhìn thấy một tác phẩm do bố sưu tầm đã vô cùng xúc động. Đó là lúc Marcus quyết định hiệu chỉnh lại công trình của bố, làm lại cuốn sách và toàn bộ hệ thống chú giải. Cuốn sách đã trở thành chìa khoá quan trọng để từ đó góp phần giúp nhiều dòng tranh dân gian của Việt Nam có thể khôi phục lại những bức tranh đã mất, trong đó có dòng tranh Kim Hoàng từng thất truyền bảy thập kỷ kể từ trận lụt năm 1915.

Đó là câu chuyện về nhà hàng Mắm bán món ăn đặc trưng bún đậu mắm tôm của hai vợ chồng Jerald và Nhung tại Mỹ, quán ăn đã được The New York Times bình chọn là một trong những nhà hàng ngon nhất ở New York năm 2023.

Nhà hàng của hai vợ chồng Jerald và Nhung chỉ là một trong số rất nhiều nhà hàng Việt tại New York, được tiên phong bởi những đầu bếp người Việt là người nhập cư thế hệ thứ hai đang làm khuấy đảo thị trường ẩm thực nước Mỹ, trở thành một xu hướng được vô cùng yêu thích. Họ là những người đã gây dựng một tiêu chuẩn mới cho ẩm thực của người Mỹ gốc Việt tại thành phố này, không chỉ lấy cảm hứng từ tinh hoa ẩm thực Việt mà ẩn trong đó còn là trải nghiệm cá nhân để tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.

"Những người Việt trẻ đến New York và rất thành công khi mở những quán ăn Việt. Điều này là do họ đã biết tận dụng những điều tinh tuý trong món ăn Việt Nam và mang tới những thực khách quốc tế", nhà báo Lê Hoàng Linh nhận xét.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 2.

(Ảnh: Yuehua Entertainment)

Chương trình cũng khai thác một câu chuyện riêng về tình yêu nước và cách lan toả văn hoá Việt riêng biệt của các bạn trẻ. Chẳng hạn như thần tượng K-Pop người Việt Nam Hanbin (Ngô Ngọc Hưng) của nhóm nhạc Tempest. Là bạn trẻ Gen Z người Việt đầu tiên trở thành thần tượng tại Hàn Quốc, Hanbin thường xuyên thể hiện tình yêu nước trong các hoạt động biểu diễn của nhóm: sửa vũ đạo thành nghi thức Chào cờ, mừng 30/4 ngay trên sóng chương trình âm nhạc Hàn Quốc, chia sẻ bộ ảnh Hà Nội hoài cổ dưới ống kính của bản thân…

Kết quả là những người hâm mộ đã quyết tâm học tiếng Việt để được nói chuyện, viết thư tay và thể hiện tình cảm với thần tượng. Nói một cách khác, Hanbin đã tạo nên nét riêng của mình và trở nên nổi bật nhờ việc chia sẻ tình yêu với đất nước.

Tương tự, Chi Pu khi tham gia Chị đẹp đạp gió rẽ sóng tại Trung Quốc cũng giới thiệu tới các ngôi sao khác về những nét văn hoá của Việt Nam cùng những món ăn đậm chất Việt. Trọng Hiếu cũng mở một show diễn tại châu Âu để biểu diễn, giới thiệu văn hóa Việt Nam. Anh cũng kết nối người xem bằng những câu chuyện, trải nghiệm mới cùng những nhân vật mà anh có dịp gặp gỡ.

Hay như câu chuyện đặc biệt của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai - người Việt đầu tiên có tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh "Những ngọn nút ngân vang" được Giải thưởng Văn học Dayton vì hoà bình vào năm 2021. Nếu như trước đây, khi nhắc tới Việt Nam với người nước ngoài, điều đầu tiên họ nghĩ tới là "chiến tranh" thì Nguyễn Phan Quế Mai đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn của họ với tác phẩm tiểu thuyết của mình.

Đó là một câu chuyện đậm nét văn hoá Việt với ẩm thực, những câu tục ngữ, ca dao, những mối quan hệ trong gia đình cùng những từ tiếng Việt được viết một cách nguyên vẹn, với đầy đủ dấu, lôi cuốn hàng triệu người đọc trên thế giới về chiều sâu văn hoá và lịch sử của dân tộc.

Trong những chuyến đi quảng bá sách trên khắp thế giới, nhà văn Quế Mai còn giới thiệu về văn hoá Việt Nam bằng việc hát cải lương, đưa nghệ sĩ đàn tranh đi biểu diễn cùng… Đó là cách vô cùng khác biệt để đưa văn hoá nước nhà ra ngoài thế giới. Và rồi sau một hành trình dài khắp năm châu bốn bể, điều để lại cảm xúc sâu sắc nhất cho chị lại là được trở về quê hương, đọc thơ cho những người thân yêu ở ngôi làng tuổi thơ.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 3.

Hay câu chuyện về người phụ nữ gốc Việt Erinn Phương cùng chồng của mình dành 20 năm tâm huyết để tạo ra "Việt Nam Society", quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hoá nghệ thuật Việt Nam với thế giới.

Theo quan điểm của chị Erin, những buổi biểu diễn người Việt ở Mỹ đã bị "đóng băng", cũ kỹ và không ai có thể biết Việt Nam đã thay đổi như thế nào, chiều sâu của văn hoá Việt ra sao. Và đây là lý do chị Erin quyết định kết nối những thế hệ trẻ với nguồn gốc Việt, lan toả hình ảnh của một Việt Nam đổi mới và nhiều màu sắc. Điều đặc biệt hơn nữa là tình yêu văn hoá Việt lại được "truyền ngược" từ gia đình chồng chị Erin trở lại với chị và lan toả ra cả cộng đồng.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 4.

Và câu chuyện cuối cùng là Viettel cùng cách họ lan toả giá trị Việt để giúp đỡ những đất nước nghèo khó. Tại Burundi - đất nước có GDP thấp nhất thế giới, những con người của Viettel đã đích thân tới đây, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những người dân, người tị nạn, di cư bằng việc xây những cột phát sóng. Những cột phát sóng này giúp người dân Burundi có thể sở hữu ví điện tử, có tài khoản trực tuyến và giảm nguy cơ bị cướp bóc, trấn lột hơn.

Viettel cũng giúp thay đổi cuộc sống nơi đây nhiều hơn khi xây dựng trường học, bệnh viện… Một phần nhờ những con người Việt Nam, cuộc sống của người dân ở những vùng khó khăn đã có nhiều cải thiện. Từ đó, thương hiệu Việt Nam ở Burundi, Đông Timor… không còn chỉ là nón lá, áo dài mà đã mang lại những cảm xúc, những đổi thay nhiều hơn đối với cuộc sống con người.

Dù tất cả những câu chuyện, những nhân vật đều khác nhau nhưng cuối cùng vẫn để truyền tải tới người xem về một thông điệp của chương trình, đó chính là khát khao muốn cống hiến, muốn đưa hình ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới.

"Những con người, những nhân vật trong Ngày trở về 2024 đều giống như những hạt phù sa. Họ đưa hình ảnh Việt Nam giàu có bản sắc nhưng vẫn hiện đại vươn tầm thế giới. Nhìn chung, đó là một "bữa tiệc" văn hoá Việt của những người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài", nhà báo Lê Hoàng Linh hứa hẹn.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 5.

"Trẻ hoá" chương trình không đồng nghĩa đánh mất độ sâu lịch sử

Trò chuyện cùng BTV Vũ Thuý Hằng - người đã đồng hành cùng Ngày trở về từ những số đầu tiên, chị xác nhận đề tài năm nay mới mẻ hơn so với những năm trước khi bàn tới các vấn đề văn hoá.

"Đây là chủ đề vừa mới vừa cũ. Văn hoá không phải vấn đề quá lạ khi đã có nhiều người thực hiện, nhiều người đã nói rồi, do đó chúng tôi cũng gặp khó khăn khi quyết định chọn chủ đề này. Chính những khó khăn đã tạo nên cho người làm chương trình những áp lực bởi chúng tôi phải có những mới mẻ, sáng tạo để mang đến khán giả", BTV Vũ Thuý Hằng chia sẻ.

Thực tế là trong suốt 13 năm qua, Ngày trở về đã luôn xây dựng được một tệp khán giả trung thành, luôn mong chờ và háo hức mỗi khi chương trình phát sóng vào dịp Tết. Tuy nhiên, trong năm nay, ê-kíp sản xuất đã quyết định thay đổi, mang thêm sự tươi vui và năng động nhằm dễ tiếp cận tới giới trẻ hơn.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 6.

Nói về đối tượng khán giả mà chương trình Ngày trở về hướng đến, nhà báo Lê Hoàng Linh cho biết: "Có một điều thú vị là khán giả của chương trình rất đa dạng, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam trong nước. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi chủ đề của chương trình dù rất sâu, rất nặng về mặt lịch sử nhưng vẫn thu hút được nhiều khán giả trẻ".

"Chương trình năm nay có khác hơn khi chúng tôi thử thay đổi, hướng đến giới trẻ nhiều hơn nhằm khiến chương trình trở nên sôi động", nhà báo Hoàng Linh tiếp tục, "Tất nhiên, chương trình vẫn mang chiều sâu lịch sử nhưng sẽ có những tiết mục độc đáo, thu hút khán giả trẻ tuổi. Chúng tôi hy vọng những thay đổi này sẽ được khán giả đón nhận bởi đây đều là những nội dung được quan tâm".

Trong quá trình tìm hiểu, các thành viên ê-kíp nhận ra rằng giới trẻ hiện nay cũng rất quan tâm đến văn hoá đất nước, đó là lúc họ suy nghĩ, trăn trở về việc làm sao để có thể khơi dậy tình yêu văn hoá đối với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi.

"Chúng tôi cảm thấy mình cần tìm cách để nói về họ, cách họ lan toả văn hoá Việt để giới trẻ có thể nhìn thấy hình ảnh mình ở đó. Về cơ bản, chúng tôi đang "trẻ hoá" chương trình, đồng thời vẫn giữ độ sâu nhất định để khán giả có thể cảm nhận được ý nghĩa của Ngày trở về", nhà báo Lê Hoàng Linh chia sẻ.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 7.

Để làm được điều này, ê-kíp cũng mang tới nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó có sự xuất hiện của những gương mặt trẻ tuổi. Cụ thể, theo tiết lộ, Ngày trở về 2024 sẽ mang tới một tiết mục đặc biệt mang tên Món ăn Việt chất do rapper B:OKEH sáng tác dành riêng cho chương trình nhằm ca ngợi món ăn quê hương ở khắp năm châu, kể những nét đặc trưng mà ẩm thực Việt đã lan toả trên khắp thế giới.

Cũng trong chương trình, hoạ sĩ trẻ Nam Chi sẽ xuất hiện. Đây là hoạ sĩ đã khôi phục và phát triển dòng tranh Kim Hoàng từng thất truyền. Không chỉ phục dựng những tranh cũ mà Nam Chi còn lấy những motip đó để vẽ mới tranh dựa trên phong cách Kim Hoàng. Ngoài ra, tiết mục biểu diễn áo dài tranh Kim Hoàng của Hoa hậu Ngọc Hân cũng hứa hẹn mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Tiết mục truyền tải thông điệp: từ dòng tranh thất truyền bảy thập kỷ cho tới sự khôi phục thành công.

'Chúng tôi đang 'trẻ hoá' chương trình, đồng thời vẫn giữ độ sâu nhất định để khán giả có thể cảm nhận được ý nghĩa của Ngày trở về'.

Nhà báo Lê Hoàng Linh

Những thay đổi mới mẻ

Việc phải tìm ra những điều mới mẻ cho chương trình luôn là một thách thức lớn cho ê-kíp Ngày trở về trong suốt nhiều năm qua. Về mặt nội dung, chương trình luôn hướng đến những câu chuyện độc đáo nhất, ít người biết đến, ít người khai thác hoặc ít được chú ý trước đó.

Với MC Vĩnh Phú, dù đã bước sang năm thứ ba gắn bó với chương trình nhưng anh thừa nhận vẫn luôn cảm thấy thích thú với sự khác biệt và đổi mới.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 9.

"Mỗi năm tôi làm MC Ngày trở về đều thấy những câu chuyện rất mới và đó là những hành trình dài, không phải 1 - 2 ngày, không phải 1 - 2 tháng mà là cuộc hành trình kéo dài nhiều năm trời".

"Số lượng câu chuyện trong Ngày trở về mỗi năm đều khá nhiều, tuy nhiên, điều đặc biệt là có những chất liệu hiện tại rất mới mẻ, đó là từ Việt Nam ra thế giới chứ không còn chỉ là thế giới về Việt Nam nữa", nam MC hào hứng chia sẻ.

Trong khi đó, BTV Thuý Hằng lại bồi hồi: "Mỗi năm thực hiện Ngày trở về, tôi đều có những cảm xúc giống và khác nhau. Giống ở chỗ tôi luôn háo hức chờ đợi, đồng thời cũng căng thẳng bởi có nhiều áp lực từ khán giả, từ chính bản thân mình và từ nhiều yếu tố xung quanh bao gồm cả áp lực thời gian".

Thế nhưng, nếu việc tìm nội dung mới lạ khó 1 thì việc tìm hình thức thể hiện độc đáo lại khó 10, bởi lẽ những người thực hiện luôn muốn Ngày trở về phải có điểm nhấn trong lòng người xem. Và năm nay, Ngày trở về 2024 chắc chắn sẽ không làm khán giả thất vọng khi sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để mang lại hiệu ứng cảm xúc dâng trào nhất.

Khi được hỏi về câu chuyện phía sau ý tưởng này, BTV Vũ Thuý Hằng và nhà báo Lê Hoàng Linh đều thừa nhận rằng họ đã muốn thử công nghệ thực tế ảo từ rất lâu, đã "nhen nhóm" ý định trong suốt hai năm nhưng không thể tìm được nghệ sĩ thực hiện.

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 10.

Hoạ sĩ Minh Hằng thực hiện kỹ thuật vẽ VR tại trường quay "Ngày trở về 2024". (Ảnh: Chụp màn hình)

BTV Thuý Hằng tiết lộ: "Đến khoảng giữa năm 2023, trong một lần làm phóng sự, tôi tình cờ biết đến hoạ sĩ VR Minh Hằng. Ở thời điểm đó, tôi chỉ tiếp cận bạn để thực hiện phóng sự nhỏ mà thôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu Ngày trở về, ý tưởng đó lại một lần nữa hiện ra và đó là lúc chúng tôi liên hệ với Minh Hằng. Rất may mắn, khi chúng tôi trao đổi về ý tưởng, Hằng tỏ ra rất thích thú và lập tức đồng ý dù chưa hề biết bản thân sẽ phải làm gì và di chuyển trong bao nhiêu ngày".

Ý tưởng cho chủ đề năm nay với công nghệ thực tế ảo là hoạ sĩ sẽ vẽ một dòng sông có những hạt phù sa, từ đó nảy mầm lên những cây tre, bông hoa sen, những toà nhà với lá cờ Việt Nam, chiếc nón, những hình ảnh tranh dân gian… trôi theo những hạt phù sa. Ý tưởng là như vậy nhưng để thực hiện lại là điều vô cùng khó khăn đối với ê-kíp do liên quan tới vấn đề kỹ thuật.

"Làm việc với công nghệ thực tế ảo rất vất vả do chúng tôi không thực sự hiểu biết về loại công nghệ này. Do đó, chúng tôi phải họp rất nhiều với hoạ sĩ VR Minh Hằng để có thể hiểu những kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Đạo diễn và kỹ thuật trường quay cũng có rất nhiều câu hỏi nhằm thực hiện công nghệ thực tế ảo cho chương trình".

"Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng việc thử nghiệm VR sẽ chỉ diễn ra trong vòng nửa ngày", BTV Thuý Hằng tiếp tục, "Nhưng cuối cùng, thời gian đã kéo dài cả một ngày mà vẫn chưa xong. Ê-kíp đều lo lắng và sợ rằng việc thực hiện trực tiếp tại trường quay có thể xảy ra trục trặc".

Sau những nỗ lực của hoạ sĩ và ê-kíp, những hình ảnh vẽ VR đã được hoàn thiện và đều vô cùng ấn tượng.

Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa được đầu tư một cách chỉn chu, kỹ lưỡng từ mặt nội dung cho đến cách thể hiện nhằm làm nổi bật câu chuyện của những con người gốc Việt. Những con người ấy vẫn đang tiếp tục đi trên hành trình sáng tạo để văn hoá Việt bám rễ sâu hơn ở nước sở tại, tạo dựng một chỗ đứng vững chắc, trở thành tinh hoa của thế giới, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và trân trọng.

'Những câu chuyện ở Ngày trở về là những câu chuyện không biên giới, không giới hạn. Nó tạo ra cú xoay chuyển rất ý nghĩa dành cho các khán giả xem truyền hình. Với chương trình này, chúng ta không thể xem dưới định dạng ngắn hoặc dưới dạng lát cắt được, khán giả cần xem trong tâm thế thư giãn và thoải mái của ngày Tết. Khi khán giả cùng xem với gia đình, họ sẽ thấm thía hơn những bài học về sự kết nối với các thành viên'.

MC Vĩnh Phú

Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa được phát sóng vào các khung giờ 1h00, 18h30 Mùng 1 Tết Nguyên đán (10/2) trên VTV4.

Chương trình được phát lại vào các khung giờ:

15h00, 11/2 - VTV3

12h15, 12/2 - VTV2

20h05, 12/2 - VTV1

14h10, 13/2 - VTV1

21h45, 13/2 - VTV Cần Thơ

20h00, 16/2 - VTV3

Gala ngày trở về: Như hạt phù sa

“Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa”: Khi tinh thần Việt mở ra bữa tiệc văn hoá ở nước ngoài - Ảnh 14.

Người thực hiện: Hà Linh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước