Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong nền công nghiệp 4.0

Ban Khoa giáo-Thứ năm, ngày 31/01/2019 19:36 GMT+7

VTV.vn - Làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các Viện nghiên cứu, trường Đại học hay các bạn trẻ đang khởi nghiệp về sở hữu trí tuệ trong nền công nghệ 4.0?

Sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Trong công nghệ thông tin và đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm, vấn đề bản quyền lại càng cần quan tâm sâu sắc hơn.

Kết quả điều tra phần mềm toàn cầu năm 2018 của Liên minh Phần mềm quốc tế trên 110 quốc gia và nền kinh tế cho thấy tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trên máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%, giảm 4% so với kết quả công bố vào năm 2016.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền phần mềm là ở ý thức thay vì nhận thức chấp hành pháp luật như trước đây. Thực tế cho thấy việc dùng phần mềm không bản quyền gây ra nhiều rủi ro về an ninh mạng.

Theo Cục An toàn thông tin, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia bị lây nhiễm mã độc là do tỷ lệ phần mềm bản quyền nói chung, phần mềm diệt virus có bản quyền nói riêng còn thấp. Việc sử dụng các phần mềm vi phạm có thể khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ về bảo mật do chưa có các bản vá cập nhật và thiếu đi sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía các nhà cung cấp.

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Việc xử lý các vấn đề gây ra do phần mềm không có bản quyền không chỉ gây thiệt hại về tiền, thời gian, năng suất lao động mà còn có thể khiến doanh nghiệp lộ dữ liệu khách hàng dẫn đến mất uy tín và giảm sút giá trị thương hiệu.

Vậy làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các Viện nghiên cứu, trường Đại học hay các bạn trẻ đang khởi nghiệp trong nền công nghệ 4.0?

Để giải đáp vấn đề này, chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ đã mời tới trường quay luật sư Lê Quang Vinh - Công ty luật Bross & Partners và PGS, TS. Lê Thị Thu Hà - Giảng viên Đổi mới sáng tạo & Sở hữu trí tuệ, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương.

Theo chia sẻ của hai vị khách mời, các doanh nghiệp cần sử dụng các phần mềm có bản quyền của nước ngoài và các công cụ quản lý phần mềm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho nhân viên trong công ty, đồng thời trao đổi với các đối tác trong ngành về vấn đề bản quyền để cùng nâng cao nhận thức. Ngoài ra, doanh nghiệp cần bình tĩnh rà soát, xử lý khi có vấn đề kiện tụng xảy ra để loại bỏ những yếu tố phi nguyên gốc.

Câu chuyện Sở hữu trí tuệ: Làm thế nào để phát triển thương hiệu nông sản địa phương? Câu chuyện Sở hữu trí tuệ: Làm thế nào để phát triển thương hiệu nông sản địa phương? Câu chuyện Sở hữu trí tuệ: Vì sao có những chỉ dẫn địa lý chưa thể phát huy được giá trị? Câu chuyện Sở hữu trí tuệ: Vì sao có những chỉ dẫn địa lý chưa thể phát huy được giá trị? Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ? Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước