VTV.vn - Chương trình Nhà hát những giấc mơ sẽ được phát sóng vào 14h mùng 3 Tết (14/2) trên kênh VTV3.

Nhà hát những giấc mơ là món quà thường niên mà ê-kíp Ban Sản xuất các chương trình Giải trí dành tặng cho khán giả nhí trên khắp cả nước mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Khi chia sẻ về chương trình năm nay, nhà báo Lại Bắc Hải Đăng đã dùng ba từ để hình dung về nó - ĐÁNG YÊU, NHẪN NẠI VÀ BẤT NGỜ

Đúng như tên gọi, Nhà hát những giấc mơ sẽ trở thành địa chỉ để các em nhỏ hát lên những giấc mơ của mình; thực hiện giấc mơ được ca hát, được diễn xuất trên sân khấu. Đây cũng là nơi mà các nghệ sỹ, nhạc sỹ, biên đạo và ê-kíp yêu quý các em nhỏ của VTV thực hiện giấc mơ xây dựng sân khấu nhạc kịch đầu tiên cho thiếu nhi.

ĐÁNG YÊU...

"Tôi nghĩ đây là một chương trình đáng yêu. Kịch bản chương trình được viết khi tôi và ê-kíp phải chuyển đổi hình thức làm việc qua mạng ở đợt dịch COVID-19 đầu tiên, mỗi người ở nhà rồi hợp online và bắt đầu "chém gió" từng chi tiết. Mỗi người thích một nhân vật khác nhau, thường mọi người thích các nhân vật trong Marvel nhưng chúng tôi quyết định phải làm nhân vật của Việt Nam, làm sao để trẻ con thích nhân vật này giống như những hình mẫu nhân vật hiện đại mà chúng đang thích… Quá trình xây dựng nhân vật thật ra rất hài hước", nhà báo Lại Bắc Hải Đăng kể.

Nhà hát những giấc mơ là một thế giới các nhân vật cổ tích khác nhau, bị trộn lẫn nhưng có mối quan hệ mới.

"Thuyền trưởng" của Nhà hát những giấc mơ cho biết, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình năm đầu tiên, anh và đồng nghiệp đã muốn sau đó mỗi năm sẽ làm một vở nhạc kịch dành cho khán giả nhí, với các nhân vật như Tiên Răng Sún, Cướp biển Tí Sặc, Bếp trưởng Tí Toáy.. trở thành thương hiệu cho chương trình. Mỗi năm, một nhân vật lại trở thành một nguồn cớ để tạo nên cốt truyện và năm nay, đó là cuộc phiêu lưu vào trong giấc mơ của chàng cướp biển Tí Sắc - người có trí nhớ lẫn lộn, khiến nhân vật này bị lai, lẫn lộn với các nhân vật khác.

"Điều thú vị là tôi viết kịch bản nay khi bùng phát đợt dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam. Mọi việc làm tại nhà và dành thời gian để suy nghĩ. Xuất phát từ cái tên Nhà hát những giấc mơ nên câu chuyện trong chương trình sẽ là một giấc mơ" - nhà báo Lại Bắc Hải Đăng nói tiếp - "Giấc mơ của trẻ con cũng rất "lôm côm", ban ngày chúng đọc hoặc xem gì thì sẽ bị ấn tượng lẫn lộn. Cũng như với các con tôi, chúng cũng thường nhầm nhân vật này với nhân vật kia, như Lọ Lem và Tấm… vì có nhiều chi tiết giống nhau. Khi tôi chứng kiến các con nhầm những điều thú vị như thế, tôi xây dựng một thế giới mà mọi nhân vật có nhiều tính cách pha trộn, Thạch Sanh nở ra từ quả thị nhưng sở hữu một chiếc búa thần… Nó cũng là duyên cớ để tôi phát triển nhân vật".

"Nghĩ ý tưởng lâu, ghi chú ra những thứ mình thích, nhưng khi viết ra thì chỉ mất 3 – 4 đêm".

Mùng 3 Tết! Đừng bỏ lỡ Nhà hát những giấc mơ 2021 - Ảnh 3.

"Năm ngoái, chương trình không thực giống một vở nhạc kịch trọn vẹn. Những nhân vật người lớn tham gia chương trình như Xuân Bắc, Châu Anh hay Phương Uyên chỉ đóng vai trò là giám khảo hay dẫn truyện. Ở chương trình năm nay, có nhiều nhân vật người lớn. Xuân Nghị vào vai Lý Thông, Thanh Sơn vào vai Thạch Sanh, công chúa là Trần Vân, Hoàng hậu kiêm dì ghẻ là Lan Phương...", nhà báo Lại Bắc Hải đăng cho hay.

"Các nhân vật trong cốt truyện có tính cách phức tạp. Bạn hãy thử hình dung Thạch Sanh bị lai giữa cô Tấm, phải đon đả, điệu đà rồi đôi khi mạnh mẽ như thần Thor, tôi nghĩ trẻ em không đóng được. Các bé khá thuần, tính cách đơn giản, hoặc đóng vai xấu, hoặc đóng vai tốt, không thể nửa nọ nửa kia".

"Tôi rất thách nhân vật Lý Thông của vở kịch này. Tên thật của nhân vật là Lý Thông Minh, "lai" giữa Lý Thông (truyện Thạch Sạch) và Phú Ông (truyện thằng Bờm)… Quan trọng là đây không phải người xấu. Lý Thông có 3 điều ước từ Tiên Cá bống. Cậu ấy chỉ lăm lăm dùng 3 điều ước cho mình. Khi đã dùng hết 2 điều ước, Thạch Sanh gặp nguy hiểm, Lý Thông phân vân, nhớ lại tình cảm anh em và quyết định dùng điều ước cuối giúp em mình. Trộn trong tính cách nhân vật này không phải người xấu nên tôi lo rằng các bạn nhỏ đóng vai này không thể ra chất nhân vật, vì thế nên có sự tham gia của các diễn viên người lớn trong chương trình".


Mùng 3 Tết! Đừng bỏ lỡ Nhà hát những giấc mơ 2021 - Ảnh 4.

Là một sản phẩm dành cho thiếu nhi với phong cách nhạc kịch, phần âm nhạc của Nhà hát những giấc mơ được ê-kíp sản xuất rất chú trọng đầu tư. Nhưng đây cũng là phần khó nhất.

"Khi viết kịch bản, tôi đã cố gắng viết những phần mà mình muốn là hát nhưng tôi không phải là nhạc sĩ nên chỉ viết kiểu văn vần hoặc thơ. Tôi ghi toàn bộ phần đó vào kịch bản và đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh Minh. Cậu ấy giới thiệu cho tôi các bạn rất trẻ. Họ đọc kịch bản và bằng cảm thụ của mình viết nhạc, sửa lại phần lời cho phù hợp. Minh đóng vai trò là đạo diễn âm nhạc… Khi trả bài tôi thấy các bạn trẻ có đóng góp rất nhiều trong phần âm nhạc. Đó là điều hay khi khuyến khích được đội ngũ rất trẻ tham gia vào chương trình.

Nhạc kịch được chia ra rất nhiều loại. Tôi vẫn nói rằng với năng lực và nguồn lực của mình, chúng tôi chỉ có thể làm kịch nhạc. Nó là một vở kịch, nhưng ở những điểm có cảm xúc như vui, buồn thì đưa thành âm nhạc". 

BẤT NGỜ...

Mùng 3 Tết! Đừng bỏ lỡ Nhà hát những giấc mơ 2021 - Ảnh 5.

"Tôi không phải dân chuyên viết truyện, thưởng chỉ viết ngắn. Vì thế, khi viết cả kịch bản dài thì mình tưởng tượng một kiểu nhưng tới lúc các cháu diễn lại khác đi một tí, rất hay, giống như những điều mình tưởng tưởng bị lệch đi một chút. Tôi nghĩ nó tạo sự bất ngờ cho mọi người", nhà báo Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ về nhất bất ngờ của Nhà hát những giấc mơ 2021.

Một điều thú vị khi sản xuất Nhà hát những giấc mơ là nhà báo Lại Bắc Hải Đăng đã lựa chọn được gương mặt diễn viên người lớn tham gia vở kịch của mình từ khi viết kịch bản.

Mùng 3 Tết! Đừng bỏ lỡ Nhà hát những giấc mơ 2021 - Ảnh 6.

"Khi viết kịch bản, có 2 nhân vật tôi đã nhắm từ trước cho chương trình. Một là nghệ sĩ Xuân Bắc, khi viết tôi đã bị ảnh hưởng hình ảnh của anh ấy. Nhân vật thứ hai là Lý Thông của Xuân nghị, vì lúc đó Xuân Nghị rất nổi tiếng với Nhà trọ Balanha, tôi thấy bạn ấy rất hợp vai. Nhân vật tôi thích nhất khi viết kịch bản là Lý Thông của Xuân Nghị".

Với Xuân Nghị, đây là một nhân vật hợp từ ngoại hình tới tính cách, còn Thanh Sơn là điểm bất ngờ mà chắc là các bạn nhỏ thích


Tuy nhiên, nhân vật khiến anh bất ngờ nhất trong dàn diễn viên nay chính là Thanh Sơn. 

"Nhân vật khiến tôi cảm thấy bất ngờ và thành công là Thạch Sanh do Thanh Sơn thủ vai" - nhà báo Lại Bắc Hải Đăng khẳng định - "Thạch Sanh trong hình dung ban đầu là diễn viên có ngoại hình to cao, tôi từng trêu Thành Trung rằng – Anh có vai diễn hợp với cậu quay trở lại rồi!. Nhưng đến khi mời Thanh Sơn, tôi đã có một bất ngờ".

"Khi làm SV tôi có mời Sơn đóng phần Ống kính SV, tôi nhận ra cậu ấy có khả năng biến chuyển rất nhanh. Vì thế tôi đã mời cậu ấy dẫn Trạng nguyên nhí. Đó cũng là một phép thử. Tôi cũng lo rằng liệu bạn ấy có hợp với các bạn diễn viên nhí không vì Sơn hợp với các vai diễn đẹp trai, không liên quan trẻ con. Nhưng hóa ra Sơn từng làm việc nhiều với trẻ con tại nhà hát, nên tôi quyết định mời bạn ấy vào vai Thạch Sanh. Bạn ấy cực kỳ tuyệt vời, một người hài hước, đóng được cả sự điệu đà của cô Tấm".

"Với các chương trình trẻ con, nghệ sĩ Xuân Bắc luôn là điểm sáng. Anh ấy tiếp nhận kịch bản và biến thành lời thoại của mình một cách ngẫu hứng. Vì mình quen với khả năng của anh ấy nên mình đã dành sự bất ngờ cho Thanh Sơn và Xuân Nghị".

NHẪN NẠI...

Nhà báo Lại Bắc Hải Đăng bật mí, kịch bản của Nhà hát những giấc mơ lên tới 100 trang. Không chỉ vậy, kịch bản có nhiều chi tiết đan xen, khiến các thành viên trong ê-kíp khó nắm bắt ngay.

Mùng 3 Tết! Đừng bỏ lỡ Nhà hát những giấc mơ 2021 - Ảnh 9.

"Khi giải thích về chương trình, ê-kíp họp tới lần thứ 5 vẫn như mới. Vì nó cũng trúc trắc và mọi người khó hiểu. Nhưng điều thú vị là khi đưa kịch bản cho các em nhỏ, chỉ khoảng 3 ngày các em đã thuộc" - nhà báo Lại Bắc Hải Đăng nói - "Vì kịch bản quá dài, tôi không thể nhớ được tất cả các chi tiết, nhưng các cháu nhớ ngay, chính các cháu còn nhắc cho các cô, chú trong quá trình ghi hình. Tôi thấy trẻ con khá hồn nhiên khi tiếp cận các loại hình. Cũng không hẳn phải thế này hay thế kia chúng mới thích, miễn là chúng hiểu câu chuyện, âm nhạc hợp để hát là thích. Tôi thấy hợp với chương trình này nhất chính là các bạn nhỏ".

"Có những bộ phận tới trường quay nhìn các bé diễn mới hình dung ra được, đọc kịch bản không hiểu" - nhà báo Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ - "May là trong nhóm có một bạn từng có kinh nghiệm làm việc với trẻ con, bạn ấy là người gần như là hiểu kịch bản của tôi nhất để hướng dẫn cho các cháu". 

"Các thành viên trong ê-kíp đều nhẫn nại. Từ đạo cụ, mỹ thuật đến kỹ thuật… đều làm việc hết sức, tới nửa đêm mới kết thúc buồi ghi hình. Mọi người có thể kêu vì mệt nhưng không ai cáu gắt hay tỏ thái độ để ảnh hưởng các cháu".

Mùng 3 Tết! Đừng bỏ lỡ Nhà hát những giấc mơ 2021 - Ảnh 10.

"Đây là chương trình kỷ lục về chờ đợi, nhiều khi diễn viên đến đóng đúng một phân cảnh rồi chờ tới nửa đêm để đóng cảnh tiếp. Không phải vì sắp xếp như vậy mà có trục trặc từ các diễn viên nhí, không làm được thì phải làm lại, thay đổi bối cảnh… May là nhìn thấy ê-kíp đang hỗ trợ các bạn nhỏ nên các diễn viên không có kêu ca gì, không cáu gắt… nhiều khi còn dỗ các bạn nhỏ thay cho ê-kíp".

Một thế giới mộng mơ, hài hước và đầy những vô lý của trẻ nhỏ sẽ trở nên rất đáng yêu, đáng xem trên sân khấu của Nhà hát Những giấc mơ. Chương trình phát sóng 14h hôm nay (mùng 3 Tết) trên VTV3. Mời quý vị và các bạn đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước