MC Phí Linh: “Sợi dây sinh tử” và áp lực tìm thấy những điểm chạm và giá trị cốt lõi

Tiêu Trang Ngọc Bảo-Thứ sáu, ngày 04/10/2024 10:31 GMT+7

VTV.vn - Nói về “Sợi dây sinh tử” – chương trình tôn vinh những nỗ lực thầm lặng của người chiến sĩ cảnh sát PCCC-CNCH, Phí Linh nói cô gặp nhiều áp lực khi làm chương trình này.

Một vật dụng cá nhân nhỏ bé...

Vật bất ly thân của các chiến sĩ PCCC - CNCH...

Có mặt trong mọi nhiệm vụ, mọi địa hình, mọi hoàn cảnh hiểm nguy...

Những sợi dây cứu hộ đã đồng hành với sứ mệnh cứu người ở khắp nơi trong thảm họa thiên tai những ngày qua...

Biểu tượng của sự sống, sự kết nối ý chí và hành động giữa người với người...

Biểu tượng cho sự đoàn kết, tinh thần cùng nhau dấn thân, vượt qua hoạn nạn...

(Ảnh chụp màn hình)

SỢI DÂY SINH TỬ...

MC Phí Linh: “Sợi dây sinh tử” và áp lực tìm thấy những điểm chạm và giá trị cốt lõi - Ảnh 6.

(Ảnh chụp màn hình)

Sợi dây sinh tử là chương trình tôn vinh những nỗ lực thầm lặng của người chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ cũng như các lực lượng vũ trang nhân dân đã nỗ lực ứng phó trong cơn bão vừa qua. Hưởng ứng ngày toàn dân Phòng cháy chữa cháy và Tháng an toàn Phòng cháy chữa cháy, ngày truyền thống lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH (4/10), chương trình cũng đưa ra nhiều thông điệp ý nghĩa về các biện pháp khắc phục sự cố cháy nổ, trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy, với hình thức thể hiện phong phú, sinh động.

Từ hình ảnh sợi dây cứu hộ mà người chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH luôn mang theo bên mình và sợi dây này được chính những người lính cứu hỏa gọi với nhau là Sợi dây sinh tử, ê-kíp thực hiện chương trình đã lấy tên gọi này làm chủ đề cho chương trình - một hình ảnh được hình tượng hóa, để thấy sợi dây cứu hộ cũng chính là sợi dây kết nối vô hình của tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đoàn kết, sợi dây gắn kết giữa người với người, giữa người cứu nạn, và người bị nạn, giữa một bên là hiểm nguy, một bên là sự sống, một bên là quyết tâm, một bên là hy vọng. Những sợi dây cứu hộ cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tất cả các lực lượng cứu hộ cứu nạn trong cơn bão vừa qua.

Trước khi được phát sóng trên VTV1 vào ngày 6/10, chương trình Sợi dây sinh tử đã được phát sóng trên kênh VTV2 vào ngày 1/10. Và Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với MC Phí Linh về Sợi dây sinh tử, những câu chuyện hậu trường khi cô và ê-kíp thực hiện chương trình này. Trong Sợi dây sinh tử, Phí Linh đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất và người dẫn dắt câu chuyện.

Phí Linh nói đây là lần đầu tiên cô tiếp cận với nội dung liên quan đến công việc của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

"Từ khi về làm việc tại Ban Khoa giáo, Đài THVN, Linh đã được trải qua rất nhiều lần đầu tiên, được tiếp cận với những nội dung hoàn toàn mới, đòi hỏi mình cần phải trưởng thành hơn, có một chuyện môn vững vàng hơn" - Phí Linh nói trong phần mở đầu của cuộc trò chuyện - "Và với chương trình lần này cũng vậy. Được đơn vị phân công việc và mình cố gắng làm hết sức mình dù PCCC-CNCH không phải lĩnh vực mình thường xuyên có điều kiện theo dõi".

"Điều khó khăn Linh nói ở đây, đó là với mình đây là một lĩnh vực mới mẻ nhưng lại quá quen thuộc với những người ở bên trong lòng nó. Các chương trình tôn vinh lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hằng năm vẫn diễn ra và đối tượng khán giả quen thuộc trung thành của đề tài này chắc chắn sẽ có những sự kỳ vọng, hoặc họ sẽ không dễ hài lòng với những điều mới mẻ nhưng không phản ánh được cốt lõi vấn đề".

(Ảnh chụp màn hình)

Vậy, việc làm một chương trình như Sợi dây sinh tử có phải một áp lực với Phí Linh?

- Linh nghĩ là mình tự đặt ra một áp lực cho mình trước mỗi chương trình mà mình làm nhà sản xuất. Áp lực đó là phải tìm ra được những điểm chạm, tìm ra được một giá trị cốt lõi nào đó chứ không phải chỉ là minh họa hay là miêu tả lại. Mình phải làm sao để cho khán giả thấy rằng mình thực sự đã quan tâm đến họ.

Đối tượng khán giả của lĩnh vực phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ - bên cạnh người dân - còn là đông đảo lực lượng cán bộ chiến sĩ cảnh sát công an, những người đã gắn bó, thậm chí vào sinh ra tử với nhiệm vụ này trong nhiều năm qua... Vậy họ sẽ xem được gì, họ sẽ tìm thấy điểm chạm gì từ một chương trình làm về chính họ? Điều này thật sự cần một ê-kíp có sự thấu hiểu, chứ không phải chỉ là nhìn từ bên ngoài. Trong khi đó, thời gian để Linh tiếp xúc với đề tài này chưa nhiều.

Từ khi nhận đề bài cho đến khi thực hiện chương trình mình mới bắt đầu nghiên cứu quan sát và rút ra những cảm nhận của mình về công việc của những người lính cứu hỏa. Tổng cộng quá trình đó chỉ diễn ra trong khoảng gần hai tháng. Nên đối với Linh đó là áp lực rất lớn.

MC Phí Linh: “Sợi dây sinh tử” và áp lực tìm thấy những điểm chạm và giá trị cốt lõi - Ảnh 8.

Phí Linh trong chuyến tác nghiệp, thực hiện chương trình Sợi dây sinh tử.

Áp lực của Linh là làm sao mình có thể kể về công việc của những chiến sĩ PCCC - CNCH để những người xem chương trình của mình có thể hiểu về công việc ấy. Với một người mới quan sát được 2 tháng như mình, làm cách nào để kể về công việc của những con người đã làm công việc đấy nhiều năm thậm chí là nhiều chục năm?

Chủ đề của chương trình này cũng không phải mình chọn ngay từ đầu, phải mất hơn một tháng sau khi Linh bắt tay vào đề tài này thì mới chọn được tên chủ đề của chương trình là Sợi dây sinh tử - một cái tứ không hề mới với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhưng đúng là trong thời điểm Bão Yagi vừa qua thì sợi dây cứu hộ lại là hình ảnh vô cùng ý nghĩa cứu được nhiều người.

'Với riêng Linh, Linh cũng có một sợi dây mà mình đã bám chắc và leo được đến đích, đó là sợi dây kết nối giữa bản thân Linh và khán giả. Linh muốn mình phải làm được gì đó cho khán giả của mình, và đặc biệt hơn, mình phải quan tâm đến khán giả của chương trình này, đó chính là quan tâm đến các chiến sĩ CS PCCC-CNCH'.

BTV Phí Linh.


Những khách mời đặc biệt xuất hiện trong Sợi dây sinh tử. (Ảnh: Chương trình cung cấp)

Có vẻ như Linh đã có rất nhiều áp lực và băn khoăn khi thực hiện chương trình này?

- Linh luôn đặt ra câu hỏi là làm sao để mà quan tâm khi mình chưa thực sự hiểu về công việc của họ? Cũng phải cảm ơn chuyến đi thực tế đến Quảng Ninh và Hải Phòng đi làm phóng sự cho chương trình đã cho Linh một sự cảm nhận thực tế về đời sống chiến đấu của những người lính cứu hỏa. Giây phút Linh đứng ở giữa biển khơi mênh mông cùng với những người lính cứu nạn cứu hộ trên sông biển, giây phút Linh bước vào trụ sở của họ, nơi vừa mới bị tốc mái liêu xiêu sau cơn bão, thật sự làm Linh đã rất xúc động, và mình đã nghĩ rằng là mình có làm gì cũng chỉ là một phần nhỏ bé, không thể thấy hết được những vất vả gian khổ của những người lính. Nên mình phải cố gắng hết sức mình.

Với tất cả những ai đã làm chương trình về lực lượng vũ trang thì đều hiểu rằng tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, nghiêm túc và kỷ luật trong huấn luyện và tác chiến là những nhiệm vụ thiêng liêng với họ. Và đâu đó chính vì điều này khiến mình rất khó để khai thác những tâm tư, những trăn trở riêng của những người chiến sĩ. Có những nhân vật hoàn toàn đóng với mình, khó có thể khai thác cảm xúc của họ. Tuy nhiên vẫn có vài lát cắt cảm xúc đã được thực hiện ở đây, xuất phát từ quan sát và tìm hiểu của ekip với nhân vật. Khi lên sân khấu, Linh có thể khiến họ tin tưởng một phần, vì đã tiếp xúc trong quá trình làm phóng sự, quá trình trao đổi trước chương trình… họ tin mình, và chia sẻ với mình chứ không chỉ là phát biểu nữa.

MC Phí Linh: “Sợi dây sinh tử” và áp lực tìm thấy những điểm chạm và giá trị cốt lõi - Ảnh 11.

MC Phí Linh trò chuyện với một chiến sĩ tại trường quay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Có vẻ như khối lượng công việc của Phí Linh trong Sợi dây sinh tử là không ít?

- Đây là lần đầu tiên mình vừa viết kịch bản nội dung, vừa biên tập phần nghệ thuật; làm việc trực tiếp làm việc với biên đạo múa, đạo diễn âm nhạc, thực hiện phóng sự, lại vừa dẫn toàn bộ chương trình, vừa điều phối sự kiện vì chương trình diễn ra như một sự kiện truyền hình trực tiếp. Linh có thể nói là mình kiệt sức sau khi chương trình hoàn tất.

Linh rất muốn thực hiện vai trò đạo diễn được triệt để hơn nhưng vì mình dẫn chương trình rồi nên không thể làm cùng lúc nhiều việc như vậy. Linh cảm thấy tiếc cho phần đạo diễn sân khấu vì có những ý tưởng chưa thật sự truyền tải được. Sau khi nhìn lại cả chương trình thì, Linh cũng biết rằng những cảm xúc mà chương trình có thể đem lại mới chỉ lột tả một phần nào đó, một phần khía cạnh công việc của những người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nhưng Linh muốn chia sẻ rằng một phần nhỏ đó là sự quan tâm, một tình cảm riêng ê-kíp dành cho lực lượng, và cũng là tâm huyết với nghề của những người làm truyền hình như Linh.

Linh tự chấm thì mình đã làm được bao nhiêu phần mình mong đợi?

- 6/10. Có một điều bất lợi khi Linh và ê-kíp ghi hình chương trình là vào đúng thời điểm oi bức của Hà Nội và trường quay ngoài trời khá nóng và các chiến sĩ phải chịu nóng khi xem chương trình. Bản thân ê-kíp cũng đổ mồ hôi rất nhiều. Mình vừa là người dẫn lại chạy đôn chạy đáo các phần nên cũng không giữ được phần nhìn đẹp chỉn chu như các sự kiện mình từng dẫn trước đây. Linh nghĩ đây là điểm trừ lớn nhất. Trước đó, mình cũng có nhiều đêm thức trắng để làm phóng sự và kịch bản. Nên Linh muốn xin lỗi nếu như khán giả có thấy Phí Linh không chỉn chu như mọi khi.

Nhân đây, Linh cũng muốn nói thêm rằng đây là chương trình đầu tiên mà các tiết mục nghệ thuật tôn vinh người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được làm mới lại hoàn toàn về mặt âm nhạc và đi theo một đường dây logic về nội dung. Và đạo diễn âm nhạc đã không chỉ làm mới mà còn đưa vào trong âm nhạc một không gian gần gũi gắn bó với người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Vẫn là họ, nhưng âm nhạc tạo ra sự kết nối hơn, ở trong đó có cả tính chân thực, có cả tính hình tượng, có những yếu tố mới mẻ của những giai điệu mới. Linh khá tâm đắc với phần âm nhạc của chương trình. Phần này cũng là món quà những người làm chương trình muốn gửi tới khán giả chính của chương trình - các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng. Họ xứng đáng được tôn vinh và được xem những tiết mục nghệ thuật chất lượng nhất, ở một trình độ sản xuất âm nhạc và trình diễn nhất định, hơn là nghe hát những bản thu có sẵn.

Sau khi làm Sợi dây sinh tử, bạn thấy thích vai trò nào trong cả 2 vị trí mình đã làm?

- Linh nghĩ là không dừng ở niềm thích thú mà là một nhiệm vụ mà khi xác định đã làm là mình phải làm tận tâm. Vị trí công việc nào cũng có cái dễ và cái khó và càng làm công việc liên quan đến sản xuất nội dung, điều phối và đạo diễn chương trình thì mình càng hiểu rằng công việc của người dẫn chương trình chưa bao giờ đơn giản. Tất nhiên, nếu như mình xác định rằng mình chỉ đọc giấy làm đúng như kịch bản thì cũng có thể là đơn giản với mình nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm với ê-kíp. Còn nếu vừa là một người dẫn, vừa thấu hiểu nội dung chương trình, vừa nhạy cảm với những tình huống trên sân khấu, vừa xinh đẹp ung dung, chịu trách nhiệm cho nhận diện của chương trình, thi đó vẫn luôn là một hành trình nhiều thử thách với Linh.

Trên hành trình mong muốn đi đến tận cùng với những giá trị mà mình cho rằng đó là giá trị nội dung đích thực, mình phải thỏa hiệp nhiều, và cũng đơn độc, rất là đơn độc. Nhưng ở trong chương trình lần này, Linh đã có các cộng sự rất tâm huyết, cầu thị.

MC Phí Linh: “Sợi dây sinh tử” và áp lực tìm thấy những điểm chạm và giá trị cốt lõi - Ảnh 13.

Phí Linh và Hồng Phúc đảm nhận vai trò người dẫn trong Sợi dây sinh tử. (Ảnh: Chương trình cung cấp)

Điều Phí Linh và ê-kíp gửi gắm qua chương trình này?

- Sợi dây sinh tử là cách mà lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tự gọi tên cho vật dụng nhỏ bé mà họ luôn mang theo bên mình, họ gọi đó là sợi dây sinh tử, không chỉ bởi sợi dây đó cứu được người, đảm bảo an toàn cho chiến sĩ, mà còn bởi vì đối với họ đó là sợi dây neo giữ giữa họ và gia đình, giữa họ và đồng đội, giữa họ và nhân dân để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với khán giả, Linh nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng cần nhớ bên mình cũng có những sợi dây vô hình níu giữ, kết nối chúng ta với những sứ mệnh trong cuộc đời, sứ mệnh đó không nằm ngoài mong muốn kết nối và tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn cho những người thân, cho cộng đồng và cho xã hội.

Xin cảm ơn Giám đốc Âm nhạc Lưu Quang Minh, biên đạo Uyên Chi - những nghệ sĩ có tâm và có tầm - đã bắt tay cùng Linh chắp cánh phần nghệ thuật. Cảm ơn các nghệ sĩ tham gia chương trình, đặc biệt là đồng đội ở Ban Khoa Giáo Đài THVN đã cùng chung sức chung lòng. Xin cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát PCCC - CNCH đã tin tưởng để cùng với ê-kíp làm những thước phim hay. Cảm ơn người bạn dẫn Hồng Phúc vì đã luôn thấu hiểu!

'Hãy luôn nhớ bên bạn có một sợi dây níu an toàn, khi cần sợi dây ấy hãy gọi 114'.

Chương trình Sợi dây sinh tử sẽ được phát sóng vào 14h10 ngày 6/10 trên kênh VTV1. Mời các bạn đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước