Giao lưu đặc biệt mang tên Màu hòa bình do Ban Khoa giáo, Đài THVN thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 vào tối 20/9/2021. Chương trình đã mang đến những câu chuyện thực tế về giá trị và ý nghĩa của hòa bình đối với dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. Để chúng ta thấy được rằng hòa bình thiêng liêng đến nhường nào và phải làm gì để có thể bảo vệ thành quả đầy gian lao ấy.
Khi hòa bình mang... màu đỏ
Phần đầu chương trình, hòa bình được nhắc đến với màu đỏ - màu của những hy sinh, mất mát mà cả dân tộc ta đã phải đánh đổi biết bao năm tháng để có được hòa bình.
Xuất hiện trên sân khấu chương trình là cựu chiến binh Lâm Văn Bảng - Người thành lập Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ông nhập ngũ năm 1965. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris. Chia sẻ với MC Hồng Nhung, ông Lâm Văn Bảng cho biết, ông muốn sưu tầm các hiện vật để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống hòa bình ngày hôm nay và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng - Người thành lập Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (phải).
Đã có rất nhiều người con Việt Nam đánh đổi xương máu để có được hòa bình. Ở phía bên kia, những người cựu binh Mỹ họ cũng phải trả giá, bị ám ảnh và có những món nợ với người Việt Nam cho đến giờ cũng không thể phai nhòa.
Nhà báo Đinh Đức Hoàng đã có cuộc trò chuyện với cựu binh Mỹ Paul George Harding, lính dù thuộc Lữ đoàn không quân 173, tham chiến tại chiến trường Bình Định - Lâm Đồng. "Tôi nhận thấy được sự tàn bạo và vô nghĩa của cuộc chiến và nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong chiến tranh. Lúc tới đây, tôi cứ tưởng kẻ thù của mình độc ác, nham hiểm, nhưng không phải, tôi không thấy kẻ gian nào ở đây cả, mà chỉ thấy người dân Việt Nam khổ cực vì trận chiến" - ông Paul day dứt - "Thực sự là tôi đã sống với những cơn ác mộng. Đó là những điều vô cùng tồi tệ". Đó là lý do vì sao ông quay trở lại Việt Nam để dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.
Paul George Harding dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.
"Bây giờ tôi có một món nợ khác với Việt Nam vì 7 năm qua đã chữa lành trái tim cho tôi" - ông Paul bộc bạch.
... Và những chấm màu xám
Rất nhiều nơi trên thế giới vẫn còn những đôi mắt u buồn của những đứa trẻ, những dáng hình co ro của người già. Ở nơi ấy có lẽ hòa bình chỉ là màu xám.
Phóng sự về Hala cùng 5 anh chị em ruột - những đứa trẻ mồ côi người Syria - đang sống trong một lều tị nạn ở một quốc gia khác. Những đứa bé từng có một căn nhà nhưng bây giờ mỗi ngày chúng phải đi nhặt rác để bán lấy thức ăn và sống từng ngày không biết tương lai ở chốn nào.
Có bao nhiêu đứa trẻ như Hala đã mất tuổi thơ vì bom đạn và vì những cuộc xung đột, những cuộc nội chiến ngay tại chính quê hương mình. Nhiều nơi khác trên thế giới có những trại tị nạn, thậm chí đến 40-50 năm. MC Hồng Nhung tiếp tục có cuộc trò chuyện với ông Vũ Anh Sơn - cố vấn đặc biệt của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Việt Nam - về cuộc sống của người tị nạn, về khát khao hồi hương khi đất nước của họ không còn chiến tranh, xung đột... "Mong muốn của những người tị nạn, của tất cả chúng ta cũng như của tổ chức Liên Hợp Quốc của chúng tôi là hòa bình" - ông Sơn chia sẻ.
Ông Vũ Anh Sơn - cố vấn đặc biệt của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Việt Nam - chia sẻ tại chương trình.
Qua những câu chuyện về người tị nạn, mỗi người thêm hiểu hơn về giá trị hòa bình mà chúng ta đang khao khát.
Hòa bình mang màu xanh hy vọng
Trên những mảnh đất tưởng chừng chỉ có màu xám ấy vẫn có màu xanh của hy vọng. Đó là hình ảnh của người chiến sĩ trong lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thật tự hào trong số ấy có những màu áo xanh của những người chiến sỹ Việt Nam.
Tính đến tháng 8/2021, Việt Nam đã cử 245 lượt cán bộ, nhân viên của quân đội đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và trụ sở Liên Hợp Quốc theo hình thức cá nhân và hình thức đơn vị. 56 lượt sĩ quan đã được triển khai tới các phái bộ. Chúng ta có 3 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 với 189 cán bộ, nhân viên y tế.
MC Hồng Nhung có cuộc trò chuyện với Trung tá Lê Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác tại Nam Sudan và Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, quan sát viên quân sự tại Nam Sudan để hiểu nhiều hơn về nhiệm vụ và sứ mệnh của những người chiến sĩ mũ nồi xanh.
Trung tá Minh Phương là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, với chị Minh Phương, đây cũng là thách thức và là một trải nghiệm đáng quý.
Trong khi đó, Trung tá Lê Ngọc Sơn từng hai lần tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Lần thứ nhất, anh là sĩ quan tham mưu tại Cộng hòa Nam Phi và lần thứ hai làm quan sát viên quân sự tại Nam Sudan.
MC Hồng Nhung cũng có cuộc gặp gỡ với Đại tá Mạc Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - là một trong hai người đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đến với Nam Sudan. Nói về "màu của hòa bình", Đại tá Mạc Đức Trọng cho biết, Liên Hợp Quốc từ khi thành lập đã chọn màu xanh của hòa bình. Hòa bình đòi hỏi mỗi đất nước, mỗi dân tộc phấn đấu hết mình để duy trì hòa bình, đó là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi người lính.
Đại tá Mạc Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (trái).
Những chiến sỹ mũ nồi xanh như những cánh chim hòa bình không mỏi mệt mang màu xanh hy vọng đến với những mảnh đất đang dần kiệt quệ.
Ca khúc Heal the world thay cho lời kết của chương trình với niềm hy vọng hòa bình sẽ đến với tất cả chúng ta!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!