Từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, tại thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, hàng loạt vụ án sử dụng công nghệ VOIP để lừa đảo liên tục xảy ra. Tội phạm đột nhập vào các trang mạng, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản và các giao dịch mua bán của bị hại. Các đối tượng sử dụng tổng đài VOIP gọi điện thoại giả danh là công an, kiểm sát viên… yêu cầu những người này phải nộp một số tiền lớn và sau đó chiếm đoạt số tiền này.
Ngày 11/5/2015, Bộ Công an Việt Nam nhận được công hàm của Bộ Công an Trung Quốc đề nghị hợp tác truy tìm nhóm tội phạm này, bởi hầu hết các địa chỉ IP liên quan đến các cuộc gọi lừa đảo đều nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Truy tìm nhóm lừa đảo người nước ngoài
Hồ sơ của công an thành phố Giang Môn cung cấp có khoảng 40 đối tượng nghi vấn trong đường dây lừa đảo. Các đối tượng này lần lượt nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam từ ngày 22/10/2013 đến ngày 14/3/2015. Hầu hết, họ đều qua cửa khẩu
Nhận được chỉ đạo từ Bộ Công an, ngay lập tức lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm CNC (C50) đã tổ chức một cuộc họp khẩn, giao nhiệm vụ cho các cán bộ chiến sĩ phòng 3 xác minh thông tin, truy tìm nhanh nhóm đối tượng, kịp thời ngăn chặn chúng có thể tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo ở Việt Nam.
Đại tá Phan Quang Phương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm CNC (C50) cho biết nhóm đối tượng này lúc đầu hoạt động ở Trung Quốc nhưng sau khi bị cảnh sát truy đuổi hoặc điều tra xác minh thì chuyển vùng hoạt động sang các nước lân cận, đặc biệt là Việt Nam. Dùng cơ sở hạ tầng về kỹ thuật, Internet, đường truyền mạng của Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội, gọi điện giả danh cơ quan chức năng của Trung Quốc hù dọa tống tiền người Trung Quốc. Phía nước bạn đã đưa ra đề nghị khẩn trương xác minh làm rõ để sớm bắt giữ nhóm đối tượng này.
Trong biên bản lời khai của 6 bị hại Tô Vân (Su Yun), Lý Lệ Tương (Li Li Xiang), Trần Văn Kiệt (Chen Wen Jie), Ngô Uât Minh (Wo You Ming), Hoàng Lệ Diễm (Hoang Ly Yan), Cát Quất Duy (Ge Ju Wei), phía công an Trung Quốc xác minh có 7 đối tượng nghi vấn đã thực hiện nhiều cuộc gọi lừa đảo từ 32 địa chỉ IP thuộc lãnh thổ Việt Nam.
"Với 6 người bị hại thống kê được ở một quận Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, số tiền trong vụ lừa đảo đã lên tới gần 20 triệu NDT. Bên phía Trung Quốc xác định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo không phải trên lãnh thổ Trung Quốc mà trên lãnh thổ Việt Nam nên phía nước bạn rất mong muốn chúng ta hỗ trợ để nhanh chóng tìm ra", Đại tá Lê Minh Loan - Trưởng phòng 3 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm CNC (C50), Phó trưởng Ban Chuyên án TQ2015 kể lại.
Chính thức thành lập chuyên án điều tra
Để nhanh chóng làm rõ hoạt động của nhóm tội phạm, C50 đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát xác lập chuyên án mang bí số TQ2015 .
Xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi những thông tin mà phía công an Trung Quốc cung cấp rất ít ỏi, không kể ngày đêm, các cán bộ điều tra phòng 3 thuộc C50 đã phải ngồi nghe hàng nghìn cuộc ghi âm từ các địa chỉ IP phía bạn cung cấp để thu thập thông tin dữ liệu liên quan.
Trong khi tất cả các cuộc gọi thoại đều là tiếng nước ngoài, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xác minh trong hàng trăm ngàn cuộc gọi qua Internet có những file dữ liệu trùng khớp với giao dịch lừa đảo tại Trung Quốc? Đây là một vấn đề không đơn giản, bởi lẽ những cuộc ghi âm này sẽ là bằng chứng để các đối tượng lừa đảo không thể chối cãi.
Đại úy Nguyễn Trung Hiếu - Phó trưởng Phòng 3 Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm CNC (C50) cho hay, các trinh sát phải tập hợp hết các file dữ liệu nghi ngờ, chuyển nội dung các cuộc gọi này qua Cục Đối ngoại V12 để dịch ra tiếng Việt. Thông qua Cục V12 để trao đổi với Bộ Công an Trung Quốc, tiến hành xác minh lấy lời khai của bị hại, khi có tài liệu thì chuyển cho phía Việt Nam. Lực lượng công an căn cứ vào những tài liệu này để quyết định phá án.
Kết quả giải mã dữ liệu dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt đã giúp cán bộ, chiến sĩ phòng 3 thuộc C50 xác định được nhóm đối tượng tại 1 số địa chỉ ở TP.HCM.
"Rõ ràng ở đây sẽ có một áp lực rất lớn nếu như không nhanh chóng xác định được địa điểm thì trên lãnh thổ rất rộng của Việt Nam, việc đó gần như là mò kim đáy bể. Nếu không có các kỹ thuật và chiến thuật thì sẽ rất khó để xác định" - Đại tá Lê Minh Loan nhớ lại – "Yêu cầu của Ban Chuyên án đặt ra là một thách thức rất lớn với C50 vì trong khoảng thời gian ngắn phải xác định địa điểm nghi vấn của tổ chức tội phạm đó, sau đó xác minh dữ liệu. Khi chúng ta có đầy đủ tài liệu họ đang thực hiện hành vi phạm tội thì mới có thể bắt giữ được".
Tra cứu nhanh các địa chỉ IP phía Trung Quốc cung cấp, địa chỉ đầu tiên được xác định là chủ thuê bao sử dụng dịch vụ Internet của VNPT- TPHCM ở tại số 8, Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Thông qua biện pháp nghiệp vụ, C50 xác định 1 nhóm đối tượng đang sử dụng hàng chục thiết bị viễn thông kết nối Internet thực hiện các cuộc điện thoại VOIP tại khu vực chung cư Everrich đường 3/2, quận 11 và chung cư Bình Dân, số 86, Tản Đà, quận 5, TPHCM.
Xác định được những địa điểm hiềm nghi đầu tiên, nhưng đây có phải là nơi bọn tội phạm thực hiện điều hành hoạt động lừa đảo hay không? Câu trả lời cho nghi vấn này là cần phải củng cố thêm bằng chứng để tránh bứt dây động rừng.
Những siêu kịch bản lừa đảo…
Để thực hiện hành vi lừa đảo, bọn tội phạm chia thành nhiều nhóm khác nhau, có nhiệm vụ giả danh là công an, tòa án, viện kiểm soát đe dọa người gọi điện, thông báo họ đang bị điều tra bí mật vì liên quan đến những vụ án nghiêm trọng như rửa tiền, buôn lậu, ma tuý, tham nhũng..
Điều này đã tác động mạnh vào tâm lí người nghe, khiến họ sợ sệt lo lắng, buộc phải thực hiện theo hướng dẫn của chúng. Chiêu thức lừa đảo này tuy không mới nhưng được dựng trong hoàn cảnh các nạn nhân lo ngại mình phạm tội, nhiều người không đủ minh mẫn để nghĩ rằng mình đã bị lừa.
"Đối tượng giả tiếng còi của cảnh sát, giả là những cán bộ đang thi hành pháp luật trao đổi với nhau, sắm cả bộ đàm liên lạc để làm sao việc liên lạc trong bộ đàm ấy lọt vào tai người nghe, khiến người ta tưởng rằng đối tượng đang ở trong trụ sở của công an, viện kiểm sát hay toà án", Thượng tá Nguyễn Minh Sơn cho biết.
Gần 30 ngày theo dõi, thu thập chứng cứ
Lúc này, các trinh sát đã xác định được tại địa chỉ phòng 1, tầng 26, tháp R1 thuộc tòa nhà Everich có rất nhiều đối tượng sử dụng tổng đài VOIP thực hiện các cuộc gọi mạo danh công an và kiểm sát viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục xác minh, các trinh sát C50 nghi ngờ tại chung cư Bình Dân, số 86, Tản Đà có hành tung của các đối tượng nằm trong danh sách mà Bộ Công an Trung Quốc đề nghị công an Việt Nam truy tìm.
Ngay lập tức những thông tin này được chuyển về Bộ Công an Trung Quốc để công an Giang Môn tiến hành xác minh ghi lời khai phía bị hại, xem nội dung có phù hợp với dữ liệu mà C50 thu thập được hay không. Kết quả, đây chính là nơi diễn ra các hoạt động chuyển tiền lừa đảo của một nạn nhân có tên Lý Đức Soái.
Tòa nhà Everich là chung cư cao cấp, có nhiều công dân người nước ngoài sinh sống. Phòng 1, tầng 26, tháp R1 là 1 căn penthouse rộng, có nhiều phòng khép kín và bể bơi. Để ra vào nơi đây phải có thẻ từ và thường xuyên có nhân viên bảo vệ đi kiểm tra, chính vì vậy công tác trinh sát nắm tình hình tiếp cận mục tiêu cực kỳ khó khăn.
Căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát giao cho C50 phối hợp với các lực lượng của V12, C44, K20, công an TP.HCM xây dựng kế hoạch và phân công lực lượng tiến hành chuẩn bị phá án.
Mục tiêu của Ban chuyên án đặt ra là phải đảm bảo yếu tố bí mật, chuẩn bị đầy đủ các lực lượng và phương tiện, cùng lúc bao vây cả hai địa chỉ bọn tội phạm đang lưu trú. Kế hoạch đặt ra là phải bắt quả tang toàn bộ nhóm đối tượng, thu giữ toàn bộ phương tiện chứng cứ, không để đối tượng tẩu thoát.
Giờ G đã điểm...
Vào 13h ngày 21/5, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc C50, C44, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, công an TP.HCM... đã đồng loạt bao vây tòa nhà Everich. Ban chuyên án chia làm nhiều mũi tiếp cận nhóm đối tượng. Mũi thứ nhất đi xuống tầng hầm, theo đường hành lang thoát hiểm chạy lên nóc sân thượng của tòa nhà để bao vây khu vực phía trên căn hộ.
Từ phía mái của căn hộ, các trinh sát bí mật áp sát cửa sổ, mục đích khống chế không để các đối tượng tẩu tán tang vật và phòng ngừa việc các đối tượng trong lúc bất ngờ sẽ chạy lên sân thượng trốn theo đường hành lang thoát hiểm…
Một mũi khác theo cửa chính diện tòa nhà, đi thang máy lên thẳng tầng 26, áp sát cửa chính của căn hộ nơi nhóm tội phạm đang hoạt động. Nhưng do cửa được làm bằng lõi thép chống cháy, phải mất hơn 1 phút, cánh cửa dày 12 cm này mới bị đánh bật tung…
Sau khi tiếp cận hiện trường, lực lượng công an phát hiện bên trong căn hộ có 1 dãy bàn làm việc, với 19 đối tượng đang sử dụng mạng Internet thực hiện các cuộc gọi điện thoại mạo danh là công an và kiểm soát viên Trung Quốc nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chân dung ông chủ đường dây lừa đảo bị vạch trần
Bước đầu, lực lượng chức năng làm rõ, cầm đầu ổ nhóm này là Chih Yin Hsiu, 26 tuổi, người Đài Loan, Trung Quốc. Đối tượng trên có kiến thức về công nghệ thông tin. Qua mạng xã hội của Trung Quốc, Hsiu tìm các thanh niên trẻ, chưa có việc làm nhưng muốn có tiền, thích được chơi bời để gia nhập đường dây của anh ta. Sau khi tuyển dụng, Hsin đưa các đối tượng sang Việt Nam qua đường du lịch, sau đó thu hết hộ chiếu rồi huấn luyện thuần thục các tình huống trong kịch bản đặt ra để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 21 điện thoại di động các loại, 6 máy tính xách tay, 33 điện thoại VOIP, 6 bộ đàm, nhiều sổ ghi chép kịch bản lừa đảo và nhiều loại tang vật liên quan khác.
Theo Đại tá Lê Minh Loan, việc thu thập chứng cứ và dữ liệu điện tử là yêu cầu then chốt cho việc xác định hành vi phạm tội, cũng như là căn cứ để phá án. Đặc điểm của những dữ liệu này là được lưu giữ trên thiết bị, có thể sẽ bị xóa bất kể lúc nào. Trong khi phá án, nếu không kiểm soát được nhanh trong vòng 20 - 30 giây thì đối tượng sẽ xóa dữ liệu hoặc thay đổi hệ thống. Điều đó sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.
"Thông thường tất cả những vụ án này đều phải bắt quả tang các đối tượng đang hoạt động thì lúc đó mới củng cố được tài liệu xử lý theo quy định của pháp luật", Đại tá Lê Minh Loan nói.
Đồng thời với việc bao vây tòa nhà Everich, tại chung cư Bình Dân, số 86, Tản Đà, một tổ công tác khác đã tiến hành kiểm tra đột xuất căn hộ 601 và 602. Tại đây, tổ công tác đã phát hiện 5 đối tượng người Trung Quốc đang sử dụng 6 máy tính xách tay, hàng chục thiết bị điện tử, hàng trăm sim điện thoại di động, 20 CMND và nhiều thẻ ngân hàng .
Từ các thẻ ngân hàng, lực lượng chức năng đã chứng minh được 1 thủ đoạn khá tinh vi của nhóm tội phạm, đó là khi nhận được tiền từ các nạn nhân, lập tức chuyển sang nhiều tài khoản khác nhau. Tất cả số tiền này được rút ở các ngân hàng tại Đài Loan.
Lời cảnh tỉnh tới những người nhẹ dạ cả tin...
Chỉ trong chưa đầy 1 tháng nhận nhiệm vụ, tập thể cán bộ chiến sĩ của C50, C44, công an TP.HCM và K20 đã nhanh chóng triệt phá nhóm tội phạm người nước ngoài sử dụng thiết bị điện tử viễn thông kết nối Internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc, với số tiền lên tới gần 20 triệu NDT.
Do các đối tượng trong băng tội phạm này chỉ sử dụng lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo, nên theo thỏa thuận quốc tế Bộ Công an Việt Nam đã chuyển giao 24 đối tượng này cho cảnh sát Trung Quốc tiếp tục điều tra, xử lý. Ngày 26/5/2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư và Quyết định khen thưởng cho 9 đơn vị có thành tích xuất sắc trong chuyên án TQ2015.
Hiện nay, có nhiều tổ chức tội phạm khác cũng đã sử dụng phương thức này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam. Trong năm 2017, lực lượng công an trên toàn quốc đã ngăn chặn và triệt phá hàng chục vụ án giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo qua mạng chủ yếu tại địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Chia sẻ về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, Đại tá Lê Minh Loan khẳng định lực lượng công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội.
Khi xảy ra tình huống nghi ngờ bị lừa đảo, người dân không được chuyển tiền ngay mà phải thông báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ tội phạm.
Phim tài liệu: Lần theo dấu vết - Tập 4
Là loạt phim tài liệu do Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN sản xuất, Lần theo dấu vết sẽ mang tới cho khán giả 30 chuyên án đặc biệt chấn động dư luận một thời. Phim sẽ nhắc tới các loại tội phạm nguy hiểm về ma tuý, bắt cóc, tội phạm công nghệ cao, với những cái tên như Tàng Keangnam, Vũ Xuân Trường... Tất cả sẽ được ê-kíp đạo diễn, phóng viên, biên tập viên tái hiện công phu, thể hiện cuộc đấu trí quyết liệt giữa các trinh sát, điều tra viên với các băng nhóm tội phạm cộm cán trong loạt phim này.
Bài: Thanh Huyền
Hình ảnh: Thanh Huyền - Nguyễn Duy