VTV.vn - Liên tục đổi mới để thích ứng nhu cầu của các khán giả số, thời gian qua, VTV đã có những bước chuyển mình trên nền tảng số để tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ.
Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, khi Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, Đài Truyền hình Việt Nam đã ra mắt nhiều kênh tin tức chuyên biệt trên nền tảng số, nhằm tiếp cận gần hơn với thế hệ khán giả trẻ. Không chỉ các thông tin thời sự, những tin tức giải trí cũng liên tục được cập nhật tới khán giả trên các nền tảng số, trong đó có mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, thu hút hàng triệu lượt theo dõi của khán giả.

Cùng với Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), các đơn vị sản xuất chương trình của VTV cũng liên tục “kết nối” với khán giả qua các trang Fanpage, kênh YouTube, TikTok. Thông qua đó, những người làm nội dung sẽ lập tức nhận được phản hồi, đánh giá của khán giả, được nhìn thấy những lượt tương tác mỗi ngày. Điều này là động lực để các ê-kíp chăm chút cho các sản phẩm số.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 2.

Có thể kể đến các nền tảng số nổi bật của VTV thu hút hàng triệu người theo dõi, cả nghìn lượt tương tác mỗi ngày như: Fanpage VTV - Đài Truyền hình Việt Nam (hơn 3,5 triệu người theo dõi), Trung tâm Tin tức VTV24 (hơn 6,3 triệu người theo dõi), Báo điện tử VTV (hơn 1,4 triệu người theo dõi), VTV Giải trí (hơn 12 triệu người theo dõi), Thời sự VTV (hơn 5,5 triệu người theo dõi), VTV2 Chất lượng cuộc sống (hơn 2 triệu người theo dõi); YouTube VTV4 (hơn 670.000 lượt theo dõi), VTVGo (hơn 2 triệu người theo dõi), VTVcab Tin tức (hơn 1,3 triệu lượt theo dõi); TikTok VTV24 (hơn 5,3 triệu lượt theo dõi), VTV Giải trí (hơn 1,5 triệu lượt theo dõi)…

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 3.

Để các nội dung trên nền tảng số thu hút được khán giả trẻ, những người làm nội dung cũng phải mày mò mỗi ngày, nhanh chóng “bắt trend” giúp sản phẩm của mình mới, độc, lạ. Điển hình như các nội dung mang tính giải trí, dễ hút view được đăng hàng ngày trên các Fanpage VTV Giải trí, VTVGo, Trung tâm Tin tức VTV24. Tuy nhiên, với các thông tin thời sự chính thống lại có sự kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi được đăng tải lên nền tảng số. Như đối với Fanpage Thời sự VTV, các tin tức được chia sẻ đều đã được phát trên sóng. Đề cập đến vấn đề này, nhà báo Đỗ Đức Hoàng - Trưởng ban Thời sự - nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ dùng trang Facebook để quảng bá cho các sản phẩm theo các chương trình của Ban Thời sự, không đưa sản phẩm mới lên. Tất cả những nội dung trên hạ tầng số chúng tôi đều phối hợp với VTV Digital để sản xuất”.

Tận dụng những lợi thế của nền tảng số, mong muốn tiếp cận gần hơn với khán giả thế hệ số, mới đây nhất, VTV Digital cũng cho ra mắt bản tin Zlife trên nền tảng số với nội dung hướng đến giới trẻ - những khán giả thế hệ Z (những người trẻ sinh năm 1995 - 2010). Trẻ trung, sáng tạo trong cách thể hiện với nhiều nội dung bám sát nhu cầu thông tin của gen Z, ê-kíp sản xuất luôn nỗ lực tiếp cận gần hơn với khán giả theo cách mà các bạn trẻ mong muốn. Đặc biệt, nhóm sản xuất Zlife còn có chính các bạn trẻ gen Z cùng tham gia sáng tạo nội dung với những biên tập viên giàu kinh nghiệm. Điều này tạo nên sự gần gũi, mới lạ cho bản tin Zlife - sản phẩm đặc thù trên nền tảng số của VTV Digital nói riêng và Đài THVN nói chung.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 4.

Sức cuốn từ ZLife - Bản tin của giới trẻ trên nền tảng số

Theo chia sẻ của nhà báo Trần Việt - quyền Giám đốc VTV Digital, tiếp cận khán giả là giới trẻ chính là một trong những mục đích của Đài THVN để có thể đưa được những thông tin chính thống nhất, định hướng đúng đắn nhất đối với giới trẻ. Điều này hợp lý nhất là thông qua các nền tảng số của Đài THVN. “Chính vì thế chúng tôi suy nghĩ, tìm hiểu và xây dựng ZLife nghĩa là dành cho gen Z với cách làm thông tin theo cách xem của người trẻ, cách hiểu của người trẻ, cách tiếp nhận của người trẻ” - nhà báo Trần Việt chia sẻ.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 6.

Có thể nói trong những năm qua, VTV đã và đang làm mới mình khi tạo ra nhiều sản phẩm số đáp ứng nhu cầu của khán giả. Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Đài THVN Đỗ Thanh Hải, các ứng dụng VTVGo, VTV Giải trí, VTVNews và các Fanpage trong hệ sinh thái số của VTV đã tạo được ra nhiều hình thức, phương pháp để ngày càng nhiều khán giả tiếp cận nội dung của VTV.

“Xét về mặt hiệu quả lan tỏa nội dung thì VTV luôn luôn là đơn vị sản xuất ra những bản tin, chương trình mang tính định hướng, tạo ra được nhiều sản phẩm báo chí, văn hóa giải trí có giá trị với xã hội, đó là điều vô cùng quan trọng. Nhưng nếu nghĩ những nội dung này chỉ cần phát sóng không thôi thì không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay” - Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thanh Hải nhận định.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua, Đài THVN luôn tìm cách đưa những nội dung tốt, các sản phẩm có chất lượng trên truyền hình đến gần hơn với khán giả dựa vào thói quen và xu hướng xem của họ. Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội cũng là cách giúp các ê-kíp sản xuất nội dung truyền hình ở VTV “chạm” tới khán giả số nhanh nhất, dễ dàng nhất, từ đó tạo được sức lan tỏa cho các chương trình truyền hình.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 7.
Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 8.

Bên cạnh sức hút của các kênh thông tin trên nền tảng số, khán giả VTV còn liên tiếp đón nhận những “cơn sốt” phim truyền hình. Chỉ số rating, lượng tương tác là những con số biết nói về thành công của phim truyền hình Việt trên sóng VTV những năm gần đây. Chính khán giả là đối tượng đánh giá cho sự thành công ấy.

Việc thay đổi thói quen, cách xem truyền hình và yêu cầu ngày càng cao của khán giả đã đặt ra nhiều thử thách, cạnh tranh cho nhà làm phim. Ngay lập tức, đơn vị sản xuất phim đã nhanh chóng thay đổi, thích nghi với thời đại số và sáng tạo để đưa phim ngày càng gần với công chúng. Khán giả có thể xem phim trên sóng VTV và xem lại ngay sau đó trên các ứng dụng VTVGo, VTV Giải trí và cũng có thể phản hồi về nội dung từng tập phim qua Fanpage, hay tham gia góp ý vào diễn xuất, kịch bản phim…

Tuy có nhiều sự thay đổi như vậy nhưng bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và nhà báo Hà Sơn - báo Vietnamnet đều cho rằng đề tài, kịch bản, diễn xuất, cách thể hiện… vẫn là những yếu tố cốt lõi đưa phim truyền hình thật gần với khán giả.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 9.

Đề tài là một yếu tố cần được kể đến để phim truyền hình gần hơn với khán giả. Bên cạnh đề tài hôn nhân gia đình, nhiều bộ phim về đề tài chính luận, nông thôn như: Sinh tử, Đấu trí, Phố trong làng, Mùa hoa tìm lại… cũng liên tục thu hút người xem. Gần đây những bộ phim về người trẻ như 11 tháng 5 ngày, Lối nhỏ vào đời, Lối về miền hoa đã tạo gam màu mới đầy ấn tượng trong bức tranh phim truyền hình.

Theo nhà báo Hà Sơn, phim truyền hình gần khán giả bởi nó mang tính thời sự: "Dù phim có nội dung như thế nào mà không có tính thời sự, hơi thở cuộc sống thì tôi nghĩ khó có thể tiếp cận gần được khán giả". Ngoài ra, chị nhấn mạnh, không nên đánh đồng một bộ phim "hot" là phải gây sốt trên mạng xã hội vì theo chị, còn có những bộ phim "hot" ngầm. "Có nhiều khán giả xem phim không bỏ sót một tập nào nhưng họ không lên mạng xã hội để tương tác. Bố tôi yêu phim truyền hình tới mức, nếu có việc đi đâu buổi tối là ông phải căn giờ để về xem, không thể bỏ được. Họ yêu phim âm thầm mà có thể những người khác không bao giờ biết tình yêu của họ như thế nào" - nữ nhà báo chia sẻ.

Dàn diễn viên tốt với diễn xuất gần gũi là sợi dây quan trọng để kéo khán giả gần hơn với phim. Bên cạnh những gương mặt được yêu thích như Mạnh Trường, Hồng Diễm, Thu Quỳnh, Thanh Sơn…, phim trên VTV đã thành công khi đưa những gương mặt nổi tiếng một thời như NSND Như Quỳnh, NSƯT Võ Hoài Nam, NSND Thu Hà… trở lại trên sóng.

Theo bà Lý Phương Dung, bên cạnh những diễn viên nổi tiếng, phim truyền hình cũng cần những gương mặt mới để thu hút người xem. Thực tế, nhiều bộ phim gần đây đã xuất hiện những diễn viên gen Z, thậm chí lần đầu tiên đóng phim truyền hình như Ngọc Huyền của Thương ngày nắng về, Tạ Hoàng Long phim Lối nhỏ vào đời, Anh Đào phim Lối về miền hoa… Thế hệ diễn viên gạo cội và các diễn viên trẻ hoàn toàn có thể diễn ăn ý với nhau.

Những cách làm phim mới luôn được các ê-kíp sản xuất cập nhật liên tục. Theo nhà báo Hà Sơn, thu tiếng trực tiếp là một sự chuyển mình rõ rệt để gần khán giả hơn. "Điều này mang đến cảm xúc thật cho người xem, nếu vui thì thấy vui hơn, nếu xúc động thì dễ đồng cảm hơn. Diễn viên nào diễn đơ, đài từ không tốt cũng lộ ngay" - chị chia sẻ.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 10.

Mạng xã hội là cánh cửa gần nhất để khán giả tương tác trực tiếp với đoàn phim. Về nhà đi con dài 85 tập từng gây bão năm 2019. Khán giả nói về phim hàng ngày, chờ đợi từng tập phim mặc dù rất ngắn. Trên trang Fanpage chính thức của phim có gần 1 triệu người follow, gần 300 triệu phút video được xem chỉ tính riêng trên page, tương đương với 526 năm (nếu chúng ta quy đổi). Các bộ phim gần đây như Phố trong làng, Thương ngày nắng về, Ga-ra hạnh phúc… tiếp tục tạo nên những kỷ lục mới tương tác trên mạng xã hội cũng như lượt xem trên các ứng dụng VTVGo, VTV Giải trí.

Những con số trên cho thấy nhu cầu tương tác thông qua mạng xã hội và được tự mình tham gia vào phim truyền hình của khán giả là rất lớn, thay vì ngồi thụ động trước màn hình. Vì thế, những người sản xuất phim ngày càng làm khó mình hơn. Phim vừa quay vừa phát sóng là một trong những thách thức đó. Thông qua mạng xã hội, cả ê-kíp nói chung và diễn viên nói riêng có thể lắng nghe góp ý của khán giả ngay lập tức sau mỗi tập phim lên sóng, từ đó họ sẽ điều chỉnh, hoàn thiện vai diễn hơn.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 11.

Một “cầu nối” không kém phần quan trọng giúp VTV đến gần hơn với khán giả trẻ chính là các gương mặt biên tập viên, MC quen thuộc của nhà Đài. Thời gian qua, khán giả được chứng kiến các gương mặt quen thuộc như Thu Hương, Sơn Lâm, Mạnh Cường, Xuân Quỳnh, Đức Bảo, Trần Ngọc… xuất hiện thường xuyên hơn trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến TikTok, YouTube, Instagram… Qua đó, khán giả được hiểu hơn về những người làm truyền hình, về công việc sản xuất các tác phẩm truyền hình và ngược lại, cũng giúp các BTV, MC gần gũi, “bắt trend” nhu cầu khán giả để từ đó cho ra đời những sản phẩm đáp ứng thị hiếu số đông, hay đi xa hơn là những chương trình, ứng dụng dành riêng cho khán giả của nền tảng số.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 12.

Là một trong những nhân vật hoạt động thường xuyên trên mạng xã hội, BTV Mạnh Cường đã cùng bà xã - BTV Hương Giang xây dựng kênh TikTok "Gia đình truyền hình" với hơn 500.000 lượt theo dõi và hàng triệu lượt yêu thích. BTV của Chuyển động 24h cho biết khi mọi người chuyển đổi số nhiều hơn, lúc ấy anh đã mong có thể trở thành người truyền cảm hứng để chia sẻ những câu chuyện về nghề, cách định hướng, phát triển bản thân... cho các bạn trẻ thông qua các nền tảng mạng xã hội. Kết quả, sau hơn 3 tháng "chơi" TikTok, những video tràn đầy năng lượng của cặp đôi đã hút được rất nhiều khán giả quan tâm. Từ đây, BTV Mạnh Cường được đến gần với khán giả hơn và sau đó, chính khán giả đã tìm đến với những chương trình có anh dẫn dắt như Chuyển động 24h, Chào buổi sáng, Việc tử tế

Tương tự nhiều đồng nghiệp, BTV Trần Ngọc cũng tương tác liên tục với khán giả trên mạng xã hội. Trang Facebook cá nhân của anh không chỉ cập nhật cuộc sống hàng ngày mà tại đây, khán giả còn được thấy anh chia sẻ, giới thiệu những chương trình đình đám của Đài THVN như Cuộc hẹn cuối tuần, Chữ V diệu kỳ

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 13.

Có thể thấy, giờ đây mạng xã hội đã trở thành điểm chạm giữa người làm truyền hình và khán giả. Thực tế hiện nay, nhu cầu tương tác thông qua trang mạng xã hội và được tham gia vào chương trình truyền hình của khán giả là rất lớn, thay vì ngồi thụ động trước màn hình để xem những gì mà nhà Đài mang đến cho họ. Đây là một trong những lý do khiến Đài Truyền hình Việt Nam đã cho ra đời nhiều chương trình có tính tương tác với khán giả, nhất là các chương trình giải trí.

Ví dụ như ở chương trình Bữa trưa vui vẻ, khán giả có thể thoải mái tương tác với khách mời và MC qua Fanpage, bình luận sẽ hiện lên liên tục trên màn hình khi chương chương trình phát sóng. Với Cất cánh, những video giới thiệu chương trình hay trích đoạn trong chương trình được đăng tải trên nền tảng số nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt thích và chia sẻ của khán giả. Còn ở Vua tiếng Việt, khán giả có thể tham gia những thử thách tiếng Việt trên Fanpage VTV3 và TikTok Vua tiếng Việt.

Ở lĩnh vực tin tức, không chỉ cập nhật tin tức vô cùng nhanh chóng, các MC và BTV còn "được lòng" dân mạng nhờ phần dẫn dắt "mặn như muối biển". Chưa hết, những người làm truyền hình cũng rất chịu khó tương tác với khán giả trên các nền tảng mạng xã hội và "đu" theo không thiếu trend nào. Sự thay đổi này từ chính các BTV, MC đã giúp các chương trình truyền hình đến gần hơn với khán giả, để khán giả trở thành một phần quan trọng trong mỗi sản phẩm truyền hình.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số - Ảnh 14.
Lan Chi - Đinh Hương - Thanh Huyền
Minh Thu
07/09/2022

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước