Đoàn làm phim với gần 3 tấn thiết bị, đạo cụ, phục trang... đã di chuyển hàng nghìn km qua các thành phố ở nước Nga để có thể ghi lại những hình ảnh đẹp nhất và đặc trưng nhất của nước Nga. Một điểm thú vị là phần đầu của bộ phim Tình khúc Bạch Dương diễn ra vào những năm cuối thập niên 80.
Chính vì vậy, các diễn viên của phim có dịp được mặc lại những bộ trang phục quen thuộc và điển hình một thời của những du học sinh, công nhân Việt Nam tại Liên Xô cũ ở thời điểm đó. Tuy nhiên, đối với ê-kíp làm phim ở thời xưa lại chẳng hề dễ dàng, nhất là lại ở nước ngoài.
Ngoài phục trang thì lựa chọn bối cảnh, đạo cụ là cả một vấn đề. Ê-kíp sản xuất, đạo diễn, họa sĩ và cả các biên kịch của phim đã phải đi khảo sát rất kỹ càng từng bối cảnh, chọn từng đạo cụ phù hợp.
Khi lo xong ngoại cảnh thì tiếp tục phải phục dựng phần nội cảnh ở các ốp sinh viên, ốp công nhân từ những chi tiết nhỏ nhất như công tắc điện, vật dụng sinh hoạt hay giấy dán tường. Ê-kíp phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia, những người đã có thời gian dài gắn bó với Liên xô cũ.