Gala chương trình Điều ước thứ 7 năm nay có sự quay trở lại của Nhà báo Lại Bắc Hải Đăng cùng sự xuất hiện của khách mời đặc biệt Lê Cát Trọng Lý. Chuyến hành trình 10 ngày đi qua 4 tỉnh, thành của đất nước để mang đến những món quà ấm áp, ý nghĩa cho các nhân vật đã từng xuất hiện trong chương trình Điều ước thứ 7.
Tại Yên Bái với câu chuyện về tủ sách nhà báo Đinh Hữu Dư
Điểm đến đầu tiên của Du ca Điều ước thứ 7 - Ở nơi có nhiều mây là tại bản Cu Vai, Yên Bái. Tại đây, câu chuyện về phóng viên (PV) Đinh Hữu Dư (SN 1988) bị lũ dữ Yên Bái cuốn trôi hồi tháng 10/2017 đã khiến nhiều người vô cùng xúc động. PV Đinh Hữu Dư là tấm gương về tinh thần quên mình vì nhiệm vụ; nghị lực phấn đấu vươn lên và tấm lòng nhân ái. Sinh thời, mặc dù cuộc sống gia đình và điều kiện cá nhân còn khó khăn nhưng anh vẫn luôn ấp ủ lập một tủ sách cho học sinh nghèo vùng cao Yên Bái.
Để tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của đồng nghiệp Đinh Hữu Dư, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam cùng nhiều tấm lòng hảo tâm đã phát động triển khai chương trình từ thiện xây dựng những tủ sách cho trẻ em vùng cao.
Chương trình mang tên "Tủ sách Đinh Hữu Dư - Viết tiếp ước mơ còn dang dở" với mục tiêu mang sách đến với các em học sinh; tạo thêm cơ hội mở rộng kiến thức, văn hóa đọc cho trẻ em ở những vùng còn nhiều vất vả, thiếu thốn.
Dù anh đã ra đi nhưng hành trình mang tên anh không bao giờ kết thúc. Những người ở lại sẽ thay anh nối dài con đường anh tạm dừng chân. Ê-kíp chương trình Điều ước thứ 7 cũng đã có mặt tại bản Cu Vai (Yên Bái) để mang đến những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh nghèo. Những bộ quần áo mới, những phút giây quây quần bên nhau cùng nấu bánh chưng, cùng nhau hát và trò chuyện đã giúp những em bé nghèo ở đây cảm thấy được sự sẻ chia và đón một cái Tết ấm áp hơn.
Tại Huế gặp gỡ cô bé tàn tật Huỳnh Thị Thảnh với ước mơ trở thành họa sĩ
Từ khi lọt lòng mẹ, cô gái bất hạnh mang tên Huỳnh Thị Thảnh (thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã bị liệt cả tay chân. Dù quanh năm suốt tháng chỉ nằm một chỗ nhưng Thảnh đã cố gắng làm nên một điều kỳ diệu mà ít ai có thể làm được. Thảnh bị liệt tay chân từ nhỏ nhưng nhờ luyện tập nên em vẫn có thể cầm bút được bằng chân và vẽ lên những bức tranh đầy màu sắc.
Mẹ Thảnh - bà Huỳnh Thị Liên năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng trong căn nhà nhỏ bà luôn phải tất bật như chăm con mọn khi phải chăm lo cho đứa con gái năm nay đã 30 tuổi (Thảnh sinh năm 1989) nhưng bị liệt chân tay phải nằm một chỗ.
Tuy nhiên hai mẹ con Thảnh vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ước mơ của Thảnh là có thể bán được nhiều tranh, có thêm nhiều tiền để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ, đỡ đần cuộc sống khó khăn của hai mẹ con, cũng như sửa lại ngôi nhà em đang ở ngay bìa rừng trở nên khang trang hơn.
Chương trình Điều ước thứ 7 cùng sự đồng hành của Lê Cát Trọng Lý đã biến một phần ước mơ của Thảnh trở thành sự thật. Những bức tranh của Thảnh đã được in trên một bộ sưu tập áo dài độc đáo và toàn bộ số tiền thu được từ việc bán áo dài sẽ giúp em trang trải cuộc sống khó khăn.
Bộ áo dài đặc biệt có in hình do Huỳnh Thị Thảnh vẽ được ca sĩ Lê Cát Trọng Lý mặc trong chương trình Du ca Điều ước thứ 7 - Ở nơi có nhiều mây.
Tại TP.HCM với cuộc hội ngộ cùng nhạc sĩ Tòng Sơn
Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh năm 1930 tại Vĩnh Long. Ông ghép tên của mình với tên... ba ruột (Sơn) thành nghệ danh. Thời thiếu niên (khoảng 14,15 tuổi) ở dưới quê, có lần giặc Tây càn vào làng khiến dân làng bỏ chạy nháo nhác. Khi giặc rút, theo đoàn người trở về cậu bé Tòng vô tình nhặt được một cây kèn harmonica của một lính Pháp nào đó làm rớt. Quá sướng, cậu bé giữ rịt không cho một ai được chạm tới, rồi ông cậu của Tòng dạy cho cháu những nốt nhạc đầu tiên. Tòng tập thổi và từ đó không rời cây kèn ra được nữa...
Tên tuổi của Tòng Sơn đã vang danh không chỉ ở trong nước (ông từng đi biểu diễn ở Lào, Campuchia, Nhật, Mỹ…). Năm 2000, Tòng Sơn được mời biểu diễn cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton thưởng thức khi ông này sang thăm Việt Nam. Gắn bó với cây kèn harmonica từ năm 16 tuổi, đến nay tròm trèm tuổi 90 nhưng Tòng Sơn vẫn trụ vững trên sân khấu. Tiếng kèn của ông vẫn mượt mà, quyến rũ. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam” cho nghệ sĩ Tòng Sơn.
Thế nhưng trong cuộc đời nghệ sĩ Tòng Sơn, với ánh hào quang thì ông lại bỏ rơi vợ con mình. Người vợ cả của ông, người mẹ của 10 người con của ông chưa từng 1 lần được ông dẫn đi chơi, chưa 1 lần được ông đưa đi xem ông biểu diễn. Bà nói vì bà xấu lại quê mùa nên không nên lui tới những chỗ như thế để mất mặt chồng. Có những lần ông dẫn cả bồ về nhà ở cùng mà bà cũng phải chấp nhận. Bà nói cô ấy chắc chỉ bé bằng tuổi con tôi, nên thôi thấy thương cảm như con mình nên chủ động bảo ở lại. Nhưng rồi sau đó nghệ sĩ Tòng Sơn rời bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của đam mê. Sau này với cách ăn tiêu phung phí, gia sản ông bị tiêu tán, ông sống trong nghèo khổ và phải ở nhờ nhà của em gái. Điều ước của ông là mong 1 lần được người vợ tha thứ, cùng những người con của mình tha thứ.
Trong chương trình Điều ước thứ 7, nghệ sĩ Tòng Sơn đã được biểu diễn thêm 1 lần nữa trên sân khấu của phòng trà Swing. Vợ và các con ông lần đầu được xem ông biểu diễn và ông đã nhận được lời tha thứ của vợ mình dù có muộn màng.
Tại Đà Lạt và câu chuyện về chàng vũ công nhận nuôi 3 em nhỏ mồ côi - Đào Phi Hải
Đào Phi Hải - chàng trai đã nhận nuôi ba đứa trẻ mồ côi mẹ khi vừa bước qua tuổi 20. Đào Phi Hải làm quen với ba anh em ruột Lê Hiếu, Lê Huy, Lê Hào trong một cuộc thi nhảy trên truyền hình. Họ nhanh chóng trở nên thân thiết và thường hay nói chuyện sau khi cuộc thi kết thúc.
Cuối năm 2013, mẹ đột ngột qua đời, bố không đủ điều kiện nuôi dưỡng, lúc này, Hiếu gọi điện tâm sự với Hải về ước muốn được theo đuổi đam mê nhảy. Nghe đến đó, Đào Phi Hải đã quyết định đón ba em nhỏ từ Biên Hòa lên TP.HCM sống cùng mà không lường trước được những khó khăn phải đối mặt.
Từ đây, chàng vũ công trẻ vừa làm anh, vừa làm thầy, vừa làm cha của ba em. Ngoài giờ học văn hóa, hàng ngày ba anh em vẫn theo Hải đi tập vũ đạo với mong muốn khi lớn lên các em có một nghề ổn định để tự nuôi sống bản thân.
Sau khi nhận nuôi ba đứa trẻ, gia đình Hải bắt đầu đối diện với những thử thách, nhất là khi các khoản chi tiêu đều tăng gấp đôi. Vậy là, chàng trai quyết định gánh vác trách nhiệm lo toan tài chính cho gia đình bằng việc dạy nhảy ở nhiều nơi, nhận thêm show diễn mỗi đêm, bán phụ kiện điện thoại. Tuy nhiên, những công việc đó không đủ để anh trang trải cuộc sống. Thậm chí, có những ngày bốn anh em ăn chung một hộp cơm hay trong túi chỉ còn 20.000 đồng, Hải không biết sẽ phải lo cho các em thế nào, học hành ra sao. Song chính điều đó là động lực thúc đẩy anh phấn đấu vượt qua.
Hiện tại, cuộc sống của bốn anh em dần ổn định, Hải yên tâm đưa Hào đi học mỗi ngày, Hiếu và Huy ngày càng tự tin trong cuộc sống, thi đỗ vào trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM. Tham gia chương trình Điều ước thứ 7, các cậu bé muốn gửi một lời cảm ơn đặc biệt tới "ba Bin" Đào Phi Hải.
Hải cùng 3 ba anh em ruột Lê Hiếu, Lê Huy, Lê Hào dạy nhảy cho Lê Cát Trọng Lý trong Du ca Điều ước thứ 7.
Cùng xem lại toàn bộ chương trình Du ca Điều ước thứ 7 - Ở nơi có nhiều mây qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!