Ngày 18/11, VTV Đặc biệt đã giới thiệu tới khán giả hành trình thay đổi của cô giáo đầu tiên trong số 8 giáo viên dũng cảm đi tìm ý nghĩa đích thực của công việc dạy học trong series dài 8 tập mang tên Thầy cô chúng ta đã thay đổi do Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 thực hiện. Đó là cô Lê Thanh Nga, giáo viên dạy môn Sử tại Vĩnh Phúc.
Cô Nga tâm sự nhiều lúc, trong tâm trí cô tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực. "Mệt mỏi kinh khủng, cảm thấy như tôi không còn lối thoát. Thậm chí, nhiều khi tôi muốn bỏ nghề bởi càng chạy càng thấy đuối hơn, giống một cục pin sắp hết năng lượng", cô chia sẻ. Muốn "sạc" lại tinh thần, cô Lê Thanh Nga đã chấp nhận "dấn thân" vào hành trình thay đổi cùng chương trình.
Tháng 11/2016, ê-kíp Thầy cô chúng ta đã thay đổi đã tiến hành lắp đặt máy quay trong lớp học của cô Lê Thanh Nga. Mọi hành động, cảm xúc của cô giáo cũng như các em học sinh đều được ghi lại một cách chân thực nhất. Ban đầu, lớp học của cô Nga được đánh giá khá tốt bởi cô luôn chuẩn bị giáo án chu đáo trước khi tới lớp, truyền đạt cho học sinh lượng kiến thức phong phú. Tuy nhiên, càng tìm hiểu sâu về các lớp học của cô, các chuyên gia càng "sốc" trước biểu cảm và cách hành xử của cô với học sinh.
Cô Nga tâm sự cảm thấy chán nản khi học sinh đùa nghịch, không tập trung trong giờ học. Cô thường xuyên nhắc tới hai từ "bất lực" để nói về lớp học của mình. Trong đó, điều khiến cô bất lực nhất là về chuyên môn, khi đã ra sức giảng giải cho học sinh nhưng khi kiểm tra, các em lại không trả lời được hoặc đưa ra những câu trả lời ngô nghê. Dần dần, những áp lực và ức chế thần kinh đã khiến cô Nga cáu gắt, tạo khoảng cách với các học trò của mình. Thậm chí, những lời nói của cô đã khiến một số học sinh chạnh lòng, thêm tự ti trước lớp.
Chứng kiến những diễn biến xảy ra trong lớp học môn Sử của cô Nga, chuyên gia của chương trình đã thẳng thắn chia sẻ: "Tôi thật sự cảm thấy sốc. Nếu là học sinh của cô, tôi sẽ cảm thấy rất buồn vì bị chỉ trích và bóc mẽ. Đôi khi, tôi còn thấy mình bị mỉa mai và không được tôn trọng". Chuyên gia cũng ví mỗi lời nói của cô Nga giống như một vết hằn trên một tờ giấy bị vò nát.
Quyết tâm thay đổi phương pháp giảng dạy của mình, cô Nga nhận nhiệm vụ của chương trình là tươi cười hơn khi đến lớp, chủ động chào và hỏi thăm từng học sinh để trở nên gần gũi hơn trong mắt các em. Bên cạnh đó, cô cũng dành thời gian tìm hiểu các phương pháp giáo dục khác nhau để tạo sự sôi nổi trong lớp học, tăng tính tương tác giữa thầy và trò.
Sau khoảng thời gian 9 tháng, cô Nga đã thật sự nhận thấy những chuyển biến trong lớp học của mình mà xuất phát từ chính sự thay đổi trong tiềm thức của cô. Giờ đây khi đến lớp, thay vì khoanh tay trước ngực và thể hiện sự cau có, cô đã mềm mỏng hơn, thấu hiểu các em học sinh hơn. Không chỉ là một giáo viên, giờ đây, cô Nga đã thực sự mở lòng mình và đón nhận các học trò một cách chân thành và cởi mở nhất.
Sự "lột xác" của cô Nga rõ ràng đến mức bản thân các học trò nhỏ cũng có thể nhận ra. Bạn học sinh từng là tâm điểm chịu sự chỉ trích của cô nay cũng cảm thấy được sự yêu thương và ấm áp của cô giáo qua từng ánh mắt, cử chỉ. Lớp học Sử căng thẳng hôm nào nay ngập tràn tiếng cười và tạo sự hứng thú học tập cho học sinh. Hành trình thay đổi kéo dài 9 tháng của cô Nga có không ít mồ hôi và những giọt nước mắt.
Thế nhưng, cô hoàn toàn có thể tự hào về thành quả mà mình đạt được, tự hào vì đã dám thay đổi bản thân để thêm gần gũi với những học trò của mình, tự hào vì giờ đây, các em học sinh đã thật sự coi cô như một người mẹ thứ hai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!